Nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

PV
17:10 - 13/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tổ chức Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, một trong những nhiệm vụ rất lớn của toàn ngành hiện nay là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là việc lớn và khó, với nhiều nội dung công việc mà ngành đã, đang và sẽ triển khai.

Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, mỗi nơi có những sáng tạo, vướng mắc, khó khăn khác nhau.

Nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HA

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu sẽ trao đổi tập trung vào các nội dung như: khó khăn trong quá trình triển khai, việc triển khai cơ sở vật chất, các điều kiện khác; việc đổi mới phương pháp, đánh giá; việc dạy các môn tích hợp; một số các nội dung chuyên sâu; những vấn đề về văn hóa học đường, an toàn trường học. Các đại biểu cần thẳng thắn trao đổi, cùng nhau nhìn rõ những mặt tích cực, những tồn tại để cùng tìm giải pháp.

Sau khi đánh giá tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 - 2023, báo cáo về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ... Hội nghị được chia thành 3 nhóm để thảo luận.

Cũng trong phiên thảo luận sáng của các địa phương tại miền Nam, các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nan giải bài toán thiếu giáo viên

Theo ông Lê Hoàng Dự - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học khối lớp 3.

"Tỉnh Cà Mau đang thiếu 258 giáo viên Tiếng Anh và Tin học, do đó đặt quyết tâm cao về việc khẩn trương tuyển dụng giáo viên. Từ nay đến tháng 1/2023, nếu không tuyển được giáo viên sẽ kiểm điểm trách nhiệm cụ thể các cá nhân.

Trước mắt, tỉnh Cà Mau phải áp dụng việc tăng giờ dạy, tăng buổi thỉnh giảng, điều giáo viên cấp 3, cấp 2 xuống dạy bậc tiểu học", ông Lê Hoàng Dự cho biết.

Nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 2.

Trong quá trình thảo luận, đại diện các địa phương đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: HA

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Theo ông Lê Hoàng Dự, tỉnh này đã hoàn thành biên soạn tài liệu từ rất sớm, nhưng thủ tục phức tạp, phải thông qua nhiều bước như lấy ý kiến các sở, ban ngành, chờ thẩm định...

Trong khi đó, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng cho biết, ở địa phương này, tài liệu giáo dục địa phương hiện đang vướng ở khâu in và đấu thầu. Vì vậy, tỉnh buộc phải sử dụng tạm phương án là chưa in ấn tài liệu, chỉ chuyển file tài liệu giáo dục địa phương xuống trường để giáo viên giảng dạy.

Còn đối với vấn đề thừa thiếu giáo viên, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức sắp xếp, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa qua nơi thiếu. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển dụng đang gặp khó do vướng quy định tuyển dụng theo vị trí việc làm ở từng đơn vị khiến nơi nào thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa giáo viên.

"Tôi lấy ví dụ có nơi chỉ cần tuyển 1 giáo viên nhưng có 10 hồ sơ ứng viên dự tuyển, 1 người trúng tuyển, 9 ứng viên còn lại trượt. Trong khi nơi khác, nhu cầu tuyển dụng cũng 1 giáo viên nhưng chỉ có 2 hồ sơ ứng tuyển.

Do đó, tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế cho phép tuyển dụng theo hội đồng tuyển dụng để tận dụng nguồn tuyển giáo viên, ngoài ra hướng dẫn thêm quy định về mức chi kinh phí cho công tác tuyển dụng", ông Châu Tuấn Hồng nêu ý kiến.

Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, địa phương không gặp khó khăn về kinh phí nhưng vướng khá nhiều cơ chế khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể, việc mua sắm trang thiết bị dạy học vướng các yêu cầu về thẩm định giá. Công tác xã hội hóa vướng quy định về đấu thầu, hợp tác công tư.

Khó khăn trong tổ chức dạy 2 buổi/ngày

Cũng như các địa phương khác, Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, do tỷ lệ học sinh hàng năm tăng cao nên việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh đang gặp khó khăn lớn.

Lý giải về thực tế trên, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, ở chương trình cũ, giáo viên dạy học 2 buổi/ngày vẫn được hưởng kinh phí từ việc dạy buổi 2, còn với lớp 1, 2, 3 dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bản chất chương trình này là dạy 2 buổi/ngày nên không được bồi dưỡng thêm.

Nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những khó khăn ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: HA

Do đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần xác định buổi tối thiểu trong việc dạy 2 buổi/ngày, để những buổi còn lại có thể xã hội hóa các hoạt động khác trong nhà trường để có thêm nguồn thu cho giáo viên, đồng thời giúp học sinh tăng cường các hoạt động, đáp ứng theo nhu cầu phụ huynh.

"Một khó khăn khác là giờ nghĩa vụ của giáo viên tiểu học. Giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc là giáo viên bộ môn, nếu tính như giáo viên tiểu học thì họ dạy rất nhiều lớp, nhiều sổ sách công việc hành chính xung quanh giờ dạy nên rất cực.

Trong khi đó, giáo viên tiểu học dạy nhiều môn tính buổi, nếu tính 2-3 tiết nghĩa vụ trong tuần là hợp lý. Việc xem giáo viên bộ môn như giáo viên tiểu học khiến thành phố rất khó tuyển dụng, tuyển được thì khó giữ chân", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại.

Bình luận của bạn

Bình luận