Bất cập ở Nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Thành Phúc
10:24 - 19/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhìn từ thực tế, Nội dung giáo dục địa phương thực hiện ở lớp 6 và năm học này đối với lớp 7, lớp 10 đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Bất cập từ cấp vĩ mô đến cấp cơ sở khi triển khai, thực hiện.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa Nội dung giáo dục địa phương là hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nhưng thực hoạt động này chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức. Bởi lẽ, nó có rất nhiều những bất cập về việc ban hành chương trình, sách giáo khoa, sắp xếp môn học, phân công giảng dạy và cả chuyện kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Một Hoạt động giáo dục chỉ có 35 tiết/ năm học nhưng có đến 6 phân môn khác nhau và tất nhiên đa phần các nhà trường cũng phải phân công 6 giáo viên giảng dạy. Trớ trêu, phần lớn cấp Trung học phổ thông hiện nay chưa có giáo viên Nghệ thuật và nhiều địa phương cũng chưa phát hành sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương - khi mà năm học đã bước sang tuần thực học thứ 3 thì bấp cập này nên khắc phục như thế nào?

Nội dung giáo dục địa phương có bị xem nhẹ?

Với tên gọi "Nội dung giáo dục địa phương", ai cũng hình dung ra hoạt động giáo dục này sẽ đề cập đến các vấn đề tại địa phương. Nội dung giáo dục địa phương bao gồm 6 phân môn, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật và nội dung kiến thức chỉ đề cập đến con người, đến những vấn đề, sự việc tại địa phương nhằm giúp cho học sinh hiểu biết về con người, vùng đất mà mình đang sống.

Chính vì thế, theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đã hướng dẫn: "Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…"

Điều này cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp Nội dung giáo dục địa phương là một Hoạt động giáo dục bắt buộc ở chương trình mới cũng đồng nghĩa đây là một hoạt động giáo dục phải được xem trọng. Nhưng, nhìn từ thực tế ở lớp trong năm học trước thực hiện ở lớp 6 và năm học này đối với lớp 7, lớp 10 đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Bất cập từ cấp vĩ mô đến cấp cơ sở khi triển khai, thực hiện.

Thứ nhất, nhìn từ chỉ đạo của Bộ, chúng ta sẽ thấy nó có những bất cập. Để triển khai nhiệm vụ cho năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH và năm học 2022-2023 thì Bộ ban hành Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ. Trong 2 Công văn này, Bộ hướng dẫn về Nội dung giáo dục địa phương như sau: "Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.

Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá".

Với cách hướng dẫn này, hiệu trưởng có thể bố trí 1 giáo viên dạy cả Nội dung giáo dục địa phương cũng được và thực tế đã có trường đã bố trí 1 giáo viên giảng dạy cho cả 6 phân môn hoặc 6 giáo viên dạy 6 phân môn khác nhau. Điều bất cập nhất là khi kiểm tra, theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/BGDĐT thì những môn học dưới 35 tiết/ năm sẽ có 2 cột điểm thường xuyên và 2 cột điểm định kỳ.

Trong khi, theo phân bổ hiện nay của Nội dung giáo dục địa phương thì phân môn Ngữ văn sẽ có 9 tiết/ năm; các phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có 6 tiết/ 1 phân môn/ năm; các phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật có 4 tiết/phân môn/ năm. Vì thế, khi kiểm tra thì rất rối rắm. Những bài kiểm tra thường xuyên thì còn sắp xếp được nhưng với kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) thì phân chia tỉ lệ không đơn giản chút nào, nhất là mỗi môn học có một tiêu chí đánh giá khác nhau.

Thứ hai, việc triển khai Nội dung giáo dục địa phương đang bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi lẽ, Nội dung giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương tự xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa nên công việc diễn ra khá chậm trễ. Năm học trước, nhiều địa phương mãi sang học kỳ II mới có sách giáo khoa, năm học này áp dụng cho lớp 7 và lớp 10 nhưng đến thời điểm này giáo viên ở nhiều địa phương cũng chưa biết "mặt mũi" chương trình, sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương như thế nào để xây dựng kế hoạch và giảng dạy.

Năm học trước, nhiều Sở chỉ gửi file PDF về các nhà trường, giáo viên phải chuyển sang file Word rồi in cho học sinh học suốt cả học kỳ I. Điều bất cập nữa là khi dạy Nội dung giáo dục địa phương thì gần như giáo viên không hề được tập huấn, bồi dưỡng gì. Vì thế, chất lượng Nội dung giáo dục địa phương không phản ánh được điều gì. Vì cuối cùng, học sinh đều được xếp ở mức Đ (đạt).

Thứ ba, chính vì Nội dung giáo dục địa phương bao gồm kiến thức 6 phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật nhưng phần nhiều các trường Trung học phổ thông hiện nay chưa tuyển được giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật. Vì thế, không thể nào bố trí giáo viên giảng dạy kiến thức các phân môn này mà phải kéo các phân môn khác ra cho đủ 35 tiết. Trong khi Nội dung giáo dục địa phương là hoạt động giáo dục bắt buộc.

Với cách triển khai, giảng dạy như hiện nay, rất khó để có thể "trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương" như Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã đề cập. Điều này, rất cần Bộ và các Sở tháo gỡ.

Nội dung giáo dục địa phương thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

Việc chương trình giáo dục phổ thông mới đưa Nội dung giáo dục địa phương là điểm mới nhưng nếu so với chương trình cũ thì nó phức tạp và rối rắm hơn rất nhiều. Chương trình 2006 cũng đã có nội dung kiến thức Nội dung giáo dục địa phương nhưng được lồng ghép trong từng môn học cụ thể.

Ví dụ, Ngữ văn địa phương được bố trí giảng dạy song hành cũng môn Ngữ văn nên khi kiểm tra thì các trường lồng ghép một số đơn vị kiến thức địa phương vào sẽ thuận lợi hơn. Cuối kỳ, cuối năm học thì điểm Ngữ văn địa phương cũng được tổng kết chung cho môn Ngữ văn và giáo viên dạy chính khóa cũng đồng thời dạy luôn phần Ngữ văn địa phương.

Hiện nay, hoạt động này được tách ra chỉ có 35 tiết nhưng có đến 6 phân môn khác nhau khiến cho việc bố trí giảng dạy ở các nhà trường gặp khó, hiệu quả không cao vì mỗi giáo viên chỉ dạy có một số tiết nhất định. Khi ôn tập, kiểm tra, chấm bài không được chú trọng vì đánh giá bằng nhận xét đối với tất cả các phân môn ở 2 mức Đạt và Chưa đạt.

Một môn học chỉ có 35 tiết nhưng bắt buộc phải dành 4 tiết cho kiểm tra định kỳ nên số tiết còn lại là cực ít, khi xây dựng kế hoạch, đề kiểm ra thì giáo viên nhiều tổ phải cùng ngồi thảo luận với nhau rất nhiều thời gian.

Vì thế, cần tính toán cẩn trọng và nghiêm túc xem có nên để Nội dung giáo dục địa phương về từng bộ môn. Nếu để Nội dung giáo dục địa phương như hiện nay thì cần thay đổi cách thực hiện, tránh việc thực hiện mỗi nơi một kiểu, tự phát. Giáo viên thì lấn cấn trong việc tìm phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa nhiều khi không có, phải dạy bằng file PDF thì hiệu quả sẽ ra sao?