Dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới chưa thực sự chắt lọc
Phụ lục Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH rườm rà, thiếu thống nhất và hàng loạt hồ sơ, sổ sách đang tạo áp lực căng thẳng cho giáo viên khi dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phụ lục I, III Công văn 5512 rườm rà, chồng chéo
Bước vào năm học mới, việc dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông mới trên cả nước vướng phải những bất cập rõ rệt. Điển hình là Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH với 5 phụ lục rườm rà, phức tạp, chồng chéo các yêu cầu.
Theo đó, Phụ lục I có phân phối chương trình với bảng mẫu gồm 5 cột, đến phụ lục III, lại thêm Phân phối chương trình với mẫu bảng khác gồm 6 cột.
Công văn hướng dẫn kế hoạch của tổ chuyên môn, nhưng thực tế không một tổ trưởng chuyên môn nào có thể xây dựng kế hoạch cho tất cả các môn của tổ mình mà chỉ là phân công cho giáo viên bộ môn hoàn thành và tổ trưởng tổng hợp lại.
Khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có tới 4 mục nhỏ, hướng dẫn thực hiện 4 kế hoạch, đó là:
1. Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình);
2. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn;
3. Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án);
4. Kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kì.
Trong khi, 4 kế hoạch này có rất nhiều đề mục, từ ngữ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mất thời gian và tốn kém thời gian lao động của giáo viên.
Mẫu hướng dẫn kế hoạch dạy học còn sai sót, không đúng khi sử dụng đồng thời các thuật ngữ kiến thức, kĩ năng và năng lực ở mục tiêu dạy học. Ví dụ như năng lực theo định nghĩa của OECD bao hàm cả kiến thức, kĩ năng, giá trị và thái độ, trong đó kĩ năng là trụ cột nên mục tiêu phát triển năng lực sẽ bao hàm các thành phần này của năng lực.
Kế hoạch bài dạy - giáo án dài lê thê
Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì hoạt động nào cũng được yêu cầu có: mục tiêu; nội dung; sản phẩm; tổ chức thực hiện. Yêu cầu của mỗi hoạt động là "tập trung mô tả rõ hoạt động cụ thể của giáo viên: giáo viên giao nhiệm vụ/yêu cầu/quan sát/theo dõi/hướng dẫn/nhận xét/gợi ý/kiểm tra/đánh giá; học sinh thực hiện/đọc/nghe/nhìn/viết/trình bày/báo cáo/thí nghiệm/thực hành".
Để thực hiện được các hướng dẫn trong phụ lục thì kế hoạch của một tiết dạy học cũng phải hơn chục trang giấy. Thực tế, việc lên lớp của giáo viên mỗi lớp, mỗi trường đều khác nhau và sản phẩm không phải lúc nào cũng giống nhau nên những "kịch bản" chỉ cần dừng lại ở phần đề cương làm rõ mục tiêu hơn là phải đi vào kịch bản chi tiết.
Tuy đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng trả lời báo chí là "Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án".
Nhưng thực tế chưa có văn bản chính thức nào chỉ đạo các địa phương và việc giáo viên phải thực hiện theo đúng mẫu các kế hoạch theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đến nay vẫn phải đảm bảo, không được thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung. Dẫn đến tình trạng "trên bảo dưới không nghe" và "trên cởi dưới buộc" vì câu "án tại hồ sơ".
Muôn kiểu hồ sơ, dự giờ thao giảng
Không chỉ áp lực với Kế hoạch bài dạy (giáo án) mà còn rất nhiều loại hồ sơ khác như kế hoạch giáo dục, kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn, sổ dự giờ (sổ học tập chuyên môn), sổ điểm (có trường phát sổ điểm yêu cầu viết tay danh sách học sinh), sổ hội họp, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ chủ nhiệm, giáo án sinh hoạt ngoài giờ lên lớp,… buộc giáo viên phải thực hiện.
Tất cả các loại sổ sách đều khá đẹp để đối phó với thanh tra và lưu hồ sơ kiểm định. Tuy nhiên không chỉ có giáo viên dạy lớp vất vả với các loại hồ sơ sổ sách mà cán bộ quản lý cũng không kém. Nhiều loại hồ sơ vừa phải viết tay vừa phải làm trên phần mềm điện tử.
Cùng với đó, giáo viên bị "đánh cắp" thời gian khi phải dự giờ và hội họp quá nhiều nên không có nhiều thời gian để tập trung chuyên môn và sáng tạo trong quá trình dạy học.
Việc dự giờ thăm lớp là quy định bắt buộc của ngành giáo dục dù ai cũng biết dự giờ càng nhiều thì càng lợi bất cập hại và làm mất thời gian cho giáo viên. Nhiều giáo viên dạy vào buổi sáng thì buổi chiều phải ở lại dự giờ đồng nghiệp mới đủ số tiết theo quy định trong năm học. Thực tế cho thấy những tiết học có dự giờ thì học sinh thường rụt rè sợ sệt, nhiều em giỏi cũng phát biểu sai những câu hỏi rất dễ. Các em không tiếp thu bài tốt bằng những tiết học bình thường.
Nhiều hội thi bủa vây
Ngoài ra, giáo viên còn phải tham gia nhiều hội thi như giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, bồi dưỡng học sinh giỏi, các chuyên đề, các cuộc họp dành cho giáo viên như họp hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn, họp tổ chủ nhiệm, họp ban lãnh đạo mở rộng, họp chi bộ, họp phụ huynh.
Đành rằng họp hội là điều bắt buộc với bất cứ cơ quan, trường học nào, tuy nhiên nếu có quá nhiều cuộc họp sẽ chiếm thời gian giáo viên rất nhiều. Tối về mệt mỏi thì giáo viên còn sức đâu mà chuẩn bị tốt cho bài dạy ngày hôm sau.
Chưa kể, nhiều giáo viên còn bị điều động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của ngành và địa phương, các cuộc thi liên ngành như tham gia các chương trình khai mạc, kỉ niệm, phát động, viết bài dự thi do các cấp tổ chức liên tục cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chuyên môn.
Đổi mới là cần thiết, phải làm liên tục để khắc phục cái hạn chế vốn có và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, phù hợp với mục tiêu và mục đích giáo dục của thời đại. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là "vẽ thêm chân cho gà, vẽ thêm vòi cho voi", đổi mới là học hỏi, tiếp thu chọn lọc chứ không phải nhặt nhạnh, lắp ghép, thay vỏ.
Đặc biệt để đổi mới thành công cần căn cứ vào thực lực hiện có và có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, tiếp thu ý kiến của người trực tiếp thực hiện để chỉnh sửa. Bệnh thành tích, thói vô cảm, bản tính độc đoán, thích hình thức là những yếu tố cần loại bỏ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google