Chương trình giáo dục phổ thông mới: Gần hết học kỳ 1, thầy trò vẫn lúng túng
Gần hết học kỳ 1 của năm học 2022-2023, nhiều giáo viên, học sinh vẫn lúng túng khi thực hiện dạy - học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10.
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10. Thực tế, sau gần một học kỳ thực hiện, nhiều học sinh, giáo viên vẫn lúng túng vì cách dạy - học, kiểm tra, đánh giá thay đổi hoàn toàn.
Học sinh buộc phải tự học thêm
Đỗ Ngân Giang (Hà Nội) - học sinh đang học lớp 10 theo chương trình mới cho biết nội dung bài học và sách giáo khoa khác hoàn toàn so với chương trình ở cấp trung học cơ sở.
Sự thay đổi này khiến Đỗ Ngân Giang phải mất khá nhiều thời gian để thích nghi, tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp. Song, gần kết thúc học kỳ 1, em vẫn rất bối rối, chưa bắt nhịp kịp với cách dạy của thầy cô ở trường.
"Là một học sinh học khá ở bậc trung học cơ sở nhưng học chương trình mới em cũng gặp không ít khó khăn. Thầy cô dạy trên lớp chủ yếu là định hướng để học sinh vận dụng, liên hệ kiến thức nên đa số các bài học em chỉ nắm nội dung ở mức cơ bản. Cũng chính vì vậy, điểm bài kiểm tra của em rất thấp, không được như mong muốn", Ngân Giang nói.
Trong khi đó, em Lê Minh Hiếu (Hà Nội) cho rằng, chương trình đang được đổi mới theo đúng hướng.
Minh Hiếu nhận định, sách giáo khoa mới được viết theo hướng chuyên sâu hơn, phù hợp với xu thế chọn tổ hợp môn. Tất cả các môn học đều có thêm sách chuyên đề để phục vụ cho việc mở rộng kiến thức.
Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng hướng học sinh trải nghiệm, hoạt động nhóm để tự "kết nối tri thức với cuộc sống". Nhưng, để làm được điều đó thì học sinh phải dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu kiến thức nền tảng, nếu không tự học thì không thể bắt kịp và rất dễ mất gốc.
"Em nghĩ nên có thời gian để cho học sinh trải nghiệm chương trình, ít nhất là hết khóa học sinh lớp 10 năm nay. Sau đó, những đánh giá về chương trình mới sẽ toàn diện và khách quan hơn", Minh Hiếu chia sẻ.
Chương trình mới chưa thực sự khoa học
Thầy Đặng Văn Nam - giáo viên dạy Lịch sử - Trường Trung học phổ thông Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có điều chỉnh nhưng điều chỉnh còn bất cập.
"Ví dụ đối với môn Lịch sử, phần nội dung được đánh giá khá nặng đó là khái quát về các nguồn sử liệu đã được lược bỏ.
Tuy nhiên, một số nội dung khác cũng cần phải giảm tải như: thu thập thông tin, sử liệu, làm giàu tri thức lịch sử hiện vẫn giữ nguyên", thầy Đặng Văn Nam nêu quan điểm.
Theo giáo viên này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực nhưng năng lực của học sinh chưa đủ để đáp ứng, nhất là sau 2 năm dịch COVID-19, các em phải học trực tuyến trong thời gian dài. Thực tế, nhiều học sinh bị rỗng kiến thức nên việc triển khai dạy học còn nhiều khó khăn.
Về phía giáo viên, việc tập huấn, triển khai, thực hiện chương trình mới chưa thực sự hiệu quả. Hiện, vẫn còn tình trạng giáo viên tham gia mua bán, trao đổi giáo án, bài giảng điện tử để đỡ tốn công sức, thời gian nghiên cứu chương trình. Điều đó cũng cho thấy một bộ phận giáo viên chưa thực sự quan tâm đến những đổi trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô Phạm Hà - giáo viên dạy Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) chia sẻ: "Với chương trình cũ, giáo viên dạy theo tiến trình văn học từ văn học dân gian đến trung đại, hiện đại.
Thế nhưng, chương trình mới lại tổ chức các bài học theo những vấn đề hay yếu tố nổi bật của loại, thể loại văn bản.
Cách thiết kế này giúp học sinh có điều kiện tìm hiểu sâu hơn văn bản từ góc độ loại, thể loại văn bản.
Tuy nhiên, việc dạy - học theo chương trình mới khiến học sinh không nắm được đặc điểm của các giai đoạn văn học".
Tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Trong đó yêu cầu: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật".
Theo cô Phạm Hà, việc ra đề thi cũng rất khó đối với các giáo viên dạy Ngữ văn. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành bộ đề kiểm tra/bộ đề thi mẫu để giáo viên dễ dàng định hướng và có thể dựa vào để xây dựng đề kiểm tra, đánh giá cũng như ôn tập cho học sinh.
"Không có đề thi mẫu nên chúng tôi phải chủ động soạn và thử nghiệm các dạng đề thi. Các giáo viên trong tổ Ngữ văn của trường cũng thường xuyên trao đổi, góp ý với nhau để làm đề thi sao cho đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Tinh thần là tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết, nhưng ở kỳ kiểm tra giữa kỳ, chúng tôi vẫn lựa chọn những văn bản có sự tương đồng với văn bản mà học sinh được học ở sách giáo khoa để các em dần làm quen với sự thay đổi.
Tuy nhiên, kết quả của đợt kiểm tra giữa kỳ vừa rồi không được cao như những năm trước. Có lẽ, học sinh khối lớp 10 đã quen với cách kiểm tra đánh giá của chương trình cũ nên vẫn lúng túng và chưa thực sự chủ động", cô Phạm Hà nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google