Thiếu giáo viên mầm non, phổ thông - thực trạng và giải pháp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non, phổ thông; tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn...
Trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy...
Bác Hồ đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý... nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo... vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII khẳng định đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh.
Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, đội ngũ giáo viên đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hầu hết đội ngũ giáo viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo. Đội ngũ giáo viên với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thiếu giáo viên ở hầu hết các địa phương
Tuy nhiên, bước vào năm học 2021 - 2022, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, gây nhiều khó khăn trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể:
Bậc giáo dục mầm non
Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 542.498 người, gồm 38.660 cán bộ quản lý, 378.678 giáo viên, 112.593 nhân viên; giáo viên/lớp đạt 1.84 thiếu giáo viên nghiêm trọng ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Nhiều địa phương thiếu số lượng lớn giáo viên mầm non, tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,5 - 1,8 giáo viên/lớp (theo chuẩn thấp nhất là 2,2 giáo viên/lớp).
So với năm học 2020 - 2021, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật giáo dục 2019 là 76.7% (giảm 1.7%), trên chuẩn 57.9% (tăng 4.4%), tỉ lệ giáo viên có trình độ dưới chuẩn 23.3% (tăng 1.8%), nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đóng cửa, một bộ phận giáo viên mầm non công tác lâu năm tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã nghỉ việc, khi dịch bệnh kết thúc, tỷ lệ huy động trẻ tăng trở lại dẫn đến thiếu trầm trọng về đội ngũ, buộc các đơn vị ngoài công cập phải tuyển giáo viên trình độ chưa đạt chuẩn.
Số giáo viên mầm non cả nước chưa đạt chuẩn đào tạo còn cao so với các cấp học khác (95.180 giáo viên)(1), tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài công lập (riêng khu vực Bắc Trung bộ, số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn ở cơ sở giáo dục công lập lớn hơn nhiều so với số giáo viên mầm non ngoài công lập). Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý mầm non ở khu vực ngoài công lập không ổn định và không thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng.
Bậc giáo dục tiểu học
Kết thúc năm học 2020 - 2021, toàn quốc có 403.000 giáo viên tiểu học tăng so với năm học trước gần 5000 giáo viên, cán bộ quản lý là 30.592 người. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41 (năm học trước là 1,38). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp tiểu học là 69,4%. Nhìn chung, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục Tiểu học. Nhiều địa phương, nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 bảo đảm tỷ lệ và cơ cấu giáo viên thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định. Các địa phương tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên trong đó chú trọng đến giáo viên các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn Tiếng Anh, Tin học.
Tuy nhiên, số giáo viên Tiểu học hiện nay vẫn thiếu và cần bổ sung để đảm bảo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các năm tiếp theo, tập trung tại khu vực đồng bằng sông Hồng (thiếu 57.087 giáo viên), trung du và miền núi phía Bắc (thiếu 71.594 giáo viên), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long.
Cơ cấu giáo viên các môn học không đồng đều, thừa giáo viên dạy các môn văn hóa (Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Khoa học; Hoạt động trải nghiệm) nhưng lại thiếu giáo viên ở một số môn học mới (Tin học, Thể chất, Nghệ thuật, Tiếng Anh). Đặc biệt, yêu cầu nâng trình độ đào tạo bảo đảm đạt chuẩn theo quy định của giáo viên Tiểu học trong cả nước thời gian tới còn nhiều (282.334 người).
Bậc giáo dục trung học
Giáo dục trung học củng cố và phát triển những kiến thức cơ bản hiện đại để xây dựng, định hình, phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội theo đúng mục tiêu đề ra.
Đồng thời, đây cũng là giai đoạn quan trọng để hình thành thế giới quan và bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng sống, phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng; có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Hiện nay, số giáo viên trung học cơ sở (THCS) cả nước là 275.465 người; cán bộ quản lý là 22.360 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 98,97%. Số giáo viên trung học phổ thông (THPT) là 155.066 người; cán bộ quản lý là 8.184 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo ở cấp THPT là 99,9%.
Kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở phổ thông (THCS, THPT) cơ bản khá tốt(2): Nhìn chung chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phổ thông cơ bản đáp ứng quy định về mức biên chế giáo viên /lớp theo cấp học và bảo đảm cơ cấu giáo viên theo môn học.
Năng lực quản lý, chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phổ thông phù hợp với khả năng, trình độ nhận thức của học sinh; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên và cán bộ quản lý càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, hiện tượng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại trên phạm vi cả nước. Ở một số huyện, tỉnh miền núi, có tình trạng giáo viên xin chuyển công tác rất lớn, dẫn đến việc thiếu, thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục.
Một số nơi, sau khi thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, dôi dư một bộ phận cán bộ quản lý, gây khó khăn cho phân bổ, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ.
Đối với cấp THCS, hầu hết các địa phương vừa thừa vừa thiếu giáo viên, đặc biệt có sự khác biệt rất lớn giữa các môn học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thừa khá nhiều giáo viên dạy các môn Văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý; nhưng lại rất thiếu giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Đối với cấp THPT, thừa giáo viên dạy các môn văn hóa và thiếu hầu hết giáo viên dạy các môn Giáo dục Kinh doanh và Pháp luật, Công nghệ, Nghệ thuật, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh, Tin học. Đặc biệt, thiếu giáo viên dạy nội dung giáo dục địa phương để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập. Một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Việc bố trí, điều động giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương.
Nguyên nhân tình trạng thiếu giáo viên
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non, phổ thông; tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học (tăng trưởng nóng) tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực.
Đối với mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế), do đó không còn biên chế để tuyển giáo viên cho các cấp học, đặc biệt là cấp học mầm non.
Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Từ năm 2015, sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hầu hết các tỉnh không được giao thêm biên chế mặc dù số học sinh trong thời gian qua vẫn tăng.
Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở giáo dục - đào tạo, phòng giáo dục - đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ.
Một số giải pháp khắc phục
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Tiếp đó, ngày 2/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022 - 2023.
Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai, bổ sung số lượng biên chế giáo viên theo từng cấp học. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Các địa phương có giải pháp để đảm bảo nguồn tuyển dụng, có sự trao đổi, phối hợp giữa các địa phương để tuyển dụng đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu môn học khác nhau; chủ động phối hợp với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho địa phương; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của một số môn học hiện tại để tiến tới mỗi giáo viên có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nhân lực phục vụ ngành giáo dục để có thể đảm bảo nguồn tuyển biên chế đến năm 2026.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; chỉ đạo sắp xếp các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập các trường công lập, xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quyết định tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
-------------
(1) Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non.
(2) Đối với giáo viên: Tốt 44,67%, Khá 51,51%, Đạt 3,52%, Chưa đạt 0,3%; đối với cán bộ quản lý giáo dục: Tốt 50,8%, Khá 46,73%, Đạt 2,41%, Chưa đạt 0,06%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google