Tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên nghệ thuật cấp trung học phổ thông
Giáo viên các môn học Nghệ thuật những năm qua được đào tạo rất ít, các ngành học này cũng rất kén người học. Điều này đặt ra thách thức về nhân lực cho các môn nghệ thuật cấp trung học phổ thông hiện nay.
Chỉ hơn 1 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông ở lớp 10 sẽ chính thức được thực hiện. Khó khăn mà các địa phương đang gặp phải là giáo viên các môn học nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) đều thiếu.
Nếu chưa có giáo viên nghệ thuật, chắc chắn việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các nhà trường cấp trung học phổ thông sẽ bị ảnh hưởng và gặp khó khăn. Ngay cả học sinh cũng thiệt thòi vì môn học đã có, tổ hợp đã được định hình, nhưng chưa có giáo viên.
Các trường sẽ triển khai các môn học nghệ thuật ra sao?
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020, cả nước có 2.371 trường trung học phổ thông; 358 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; 132 trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Như vậy, tổng số trường đào tạo chương trình trung học phổ thông trên cả nước là 2.858 trường.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ có 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương và môn Lịch sử mới được bổ sung là môn học vừa lựa chọn, vừa bắt buộc.
Các môn học lựa chọn là 5 môn học từ 3 nhóm (mỗi nhóm có ít nhất một môn): nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Như vậy, môn Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông vừa là môn học nằm trong nhóm môn "lựa chọn", vừa nằm trong nhóm môn học "bắt buộc". Bởi, môn Nghệ thuật nằm trong nhóm môn lựa chọn ở tổ hợp Công nghệ và nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm môn học bắt buộc, đó là Nội dung giáo dục địa phương. Trong nội dung giáo dục địa phương có các phân môn: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lý; Giáo dục công dân; Âm nhạc; Mĩ thuật.
Chính vì thế, nếu như môn Nghệ thuật trong nhóm môn lựa chọn, học sinh có thể lựa chọn một trong 2 môn Âm nhạc, hoặc Mĩ thuật trong nhóm tổ hợp. Nhưng trong Nội dung giáo dục địa phương, học sinh không thể lựa chọn được vì đó là môn học bắt buộc.
Vậy nên, theo cách tính thông thường, khi bước vào năm học 2022 – 2023, mỗi trường trung học phổ thông phải có ít nhất một giáo viên Âm nhạc và một giáo viên Mĩ thuật để dạy Nội dung giáo dục địa phương (cho tất cả học sinh lớp 10 vì đây là môn học bắt buộc) và dạy môn Nghệ thuật trong tổ hợp đã được Bộ định hướng.
Trong khi đó, theo chương trình 2006, môn Âm nhạc và Mĩ thuật sẽ kết thúc vào học kỳ I ở lớp 9 và cấp trung học phổ thông thì không có môn Nghệ thuật và Nội dung giáo dục địa phương. Vì thế, các địa phương phải tuyển mới hoàn toàn các giáo viên có chuyên môn này.
Nhưng trong thực tế, giáo viên Nghệ thuật hiện nay đang rất thiếu ở tất cả các địa phương và gần như các trường. Địa phương cũng chưa thể tuyển dụng ngay được cho năm học tới đây.
Bài toán về nhân lực cho các môn học Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông rất khó có lời giải trong lúc này.
Loay hoay tìm lời giải cho môn Nghệ thuật cấp trung học phổ thông
Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến góp ý. Ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học.
Như vậy, tính từ khi công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến nay đã hơn 5 năm và tính từ khi chương trình môn học được thông qua thì đến thời điểm hiện tại cũng đã hơn 4 năm. Thời gian này đủ để các trường sư phạm đào tạo ra được 2 khóa sinh viên Âm nhạc, Mĩ thuật.
Tuy nhiên đến khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 vào năm học 2022 - 2023, nhiều địa phương đồng loạt lên tiếng thiếu giáo viên các môn học này. Thậm chí, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang còn ra Nghị quyết hỗ trợ 50 triệu đồng cho giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật về địa phương này công tác nhưng vẫn chưa tuyển dụng được.
Hiện có nhiều nguyên nhân khiến các cơ sở trường học thiếu giáo viên Nghệ thuật. Trong đó phải kể đến sự chậm trễ trong việc Bộ giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm đào tạo các chuyên ngành này. Các địa phương còn bị động, lúng túng trong công tác tham mưu với Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về mặt khách quan, Âm nhạc, Mĩ thuật là những ngành học đặc thù, ít người học và cũng ít người theo đuổi.
Hơn nữa, trong chương trình 2006, môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật kết thúc ở học kỳ I ở lớp 9 nên khi lên cấp trung học phổ thông thì học sinh không được học các môn học này. Vì thế, những em luyện thi các chuyên ngành ở trường đại học có môn Âm nhạc, Mĩ thuật phải học bên ngoài để thi. Khoảng trống này đã tồn tại suốt mấy chục năm vừa qua.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là năm học 2022 - 2023 chính thức bắt đầu. Nỗi lo thiếu giáo viên Nghệ thuật để dạy các môn học lựa chọn trong nhóm tổ hợp và bắt buộc trong Nội dung giáo dục địa phương đang hiện hữu nhưng rất khó tuyển dụng trong lúc này.
Cả nước có 2.858 trường trung học phổ thông và các trường liên cấp đào tạo chương trình Trung học phổ thông cũng đồng nghĩa mỗi môn học Âm nhạc và Mĩ thuật cần tối thiểu chừng ấy giáo viên để giảng dạy chương trình mới.
Một khi chưa có giáo viên Nghệ thuật, đồng nghĩa các môn học trong tổ hợp Công nghệ và nghệ thuật sẽ không triển khai được. Điều trớ trêu là ngay cả môn học bắt buộc như Nội dung giáo dục địa phương cũng không có giáo viên dạy. Giải bài toán này ra sao, có lẽ các trường vẫn đang chờ hướng dẫn từ bộ phận phụ trách chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google