Lựa chọn tổ hợp môn – lời khuyên của chuyên gia
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh khối 10 trên cả nước sẽ bước vào năm học mới. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn còn rối bời trước việc đăng ký tổ hợp môn.
Phóng viên của Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Trương Thị Hoa, giảng viên Khoa Tâm lí - Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội để giúp các em học sinh cũng như phụ huynh gỡ rối trong vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, nhìn từ góc độ hướng nghiệp, việc lựa chọn tổ hợp môn có mối liên quan như thế nào đến định hướng nghề nghiệp của học sinh?
Tiến sĩ Trương Thị Hoa: Nhìn từ góc độ hướng nghiệp thì việc lựa chọn tổ hợp môn là một trong những cơ sở của sự lựa chọn ngành nghề. Bởi lẽ, khi lựa chọn ngành nghề, học sinh cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: sở thích, khả năng, tính cách và trong đó có năng lực học tập. Do vậy, khi các em lựa chọn môn học phù hợp với khả năng, sở thích của mình thì cũng sẽ dễ dàng hơn cho các em trong quá trình lựa chọn ngành nghề phù hợp sau này.
Phóng viên: Tiến sĩ có thể đưa ra cách thức nào giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với bản thân?
Tiến sĩ Trương Thị Hoa: Khi lựa chọn tổ hợp môn học, thông thường có 2 cách giúp học sinh.
Cách 1: Căn cứ vào khả năng học từng môn
Học sinh có thể tự đánh giá khả năng học môn học nào tốt hơn, môn nào dễ tiếp thu hơn thì sẽ lựa chọn tổ hợp môn học đó. Thường là học sinh lựa chọn theo cách này. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là học sinh chỉ chọn môn để học mà chưa hướng đến sự lựa chọn ngành nghề trong tương lai.
Cách 2: Căn cứ vào nghề nghiệp mà học sinh định hướng
Cụ thể: Trước khi các em lựa chọn môn học, các em sẽ lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Khi có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất định rồi, các em sẽ xem xét ngành nghề đó liên quan đến những môn học nào và tổ hợp nào. Sau khi xác định được như vậy, học sinh sẽ lựa chọn được tổ hợp môn học dễ dàng hơn. Cách này đòi hỏi học sinh dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn nhưng đem lại hiệu quả lâu dài hơn.
Phóng viên: Với những học sinh chưa xác định được sở thích của bản thân, chưa biết được năng lực cũng như ngành nghề muốn theo đuổi, thì Tiến sĩ có lời khuyên nào dành cho các học sinh này?
Tiến sĩ Trương Thị Hoa: Trong trường hợp đó, học sinh cần phải dành thời gian tìm hiểu về bản thân. Có nhiều cách để tìm hiểu bản thân, tuy nhiên có thể thực hiện thông qua 5 cách cơ bản sau:
Cách 1: Làm trắc nghiệm
Các bài trắc nghiệm về tính cách, thiên hướng nghề nghiệp, sở thích nghề nghiệp là một công cụ quan trọng ban đầu để giúp học sinh hiểu bản thân. Một số bài trắc nghiệm được tin dùng trên thế giới như: Trắc nghiệm Sở thích nghề nghiệp theo Holland, Trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm về 9 loại trí thông minh... Tuy nhiên trắc nghiệm chỉ dùng ban đầu khi cá nhân chưa biết sở thích, khả năng, tính cách, thiên hướng nghề nghiệp của bản thân. Còn muốn hiểu rõ bản thân và để kiểm nghiệm những điều trắc nghiệm đã chỉ ra thì học sinh cần phải tham gia trải nghiệm trong các hoạt động khác nhau.
Cách 2: Tích cực tham gia các hoạt động trong và ngoài nhà trường
Việc tham gia các hoạt động trong và ngoài trường sẽ giúp học sinh khám phá thêm nhiều nét tính cách, sở thích, khả năng của bản thân, bởi vì chỉ có tham gia vào hoạt động học sinh mới thể hiện và phát huy được sở thích, khả năng, tính cách... của bản thân, từ đó dễ dàng xác định được ngành nghề phù hợp với bản thân các em học sinh.
Cách 3: Lắng nghe nhận xét về bản thân từ cha mẹ, thầy cô giáo và bạn bè
Điều này học sinh thường rất ít khi thực hiện, tuy nhiên việc này lại rất cần thiết với các em học sinh. Do vậy các em cần dành thời gian để trò chuyện với cha mẹ, thầy cô giáo và bạn bè, nhờ họ đưa những ý kiến nhận xét, đánh giá về các em. Bởi vì cha mẹ chính là người hiểu con em mình rõ nhất, thầy cô giáo và bạn bè là những người thường xuyên giao tiếp với các em. Do đó, ý kiến nhận xét của cha mẹ, thầy cô giáo và bạn bè sẽ giúp học sinh có thêm góc nhìn mới về bản thân.
Cách 4: Tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi về chính mình
Việc dành thời gian để nhìn nhận và lắng nghe chính mình là điều rất quan trọng. Học sinh có thể tự đặt những câu hỏi như: "Mình cảm thấy thoải mái nhất trong môi trường nào?", "Mình mong muốn gì?", "Mình thích nhất điều gì?"... Chính việc tự đặt câu hỏi, và trả lời những câu hỏi về bản thân cũng sẽ giúp các em hiểu rõ bản thân mình hơn. Với cách này, các em cần phải viết ra và tự suy ngẫm về nó để khẳng định những điều các em đã trả lời đã đúng và đầy đủ hay chưa.
Cách 5: Thông qua quá trình học tập và kết quả học tập của bản thân
Với cách này, bản thân học sinh cần phải nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ quá trình học tập các môn học. Các em sẽ xem xét lại những môn học nào mình thấy thích, môn học nào mình học thấy dễ hiểu, môn học nào đạt kết quả cao... từ đó mới thấy được năng lực học tập của mình như thế nào. Và các môn học cũng là một trong những yếu tố cần thiết trong quá trình lựa chọn ngành nghề của học sinh.
Lưu ý: học sinh cần phải thực hiện tất cả những cách trên bởi vì những cách trên có sự hỗ trợ lẫn nhau, có tác dụng giúp cho học sinh hiểu được bản thân mình một cách rõ ràng nhất từ đó giúp cho các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp.
Phóng viên: Việc lựa chọn tổ hợp có lẽ không chỉ là vấn đề của học sinh mà còn liên quan đến phụ huynh. Theo Tiến sĩ, vai trò của phụ huynh trong vấn đề này là như thế nào?
Tiến sĩ Trương Thị Hoa: Đúng là nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng khi con cái phải lựa chọn tổ hợp. Trong vấn đề này, cha mẹ không nên đứng ngoài cuộc, mà cần có sự hướng dẫn, động viên khuyến khích con. Phụ huynh cùng thảo luận với con về những môn học mà con thích và phù hợp với khả năng của con, cùng phân tích điểm mạnh, điểm hạn chế của con. Một điều lưu ý cho tất cả các bậc phụ huynh, trong quá trình đồng hành, phụ huynh cần cùng con trả lời câu hỏi: Lựa chọn tổ hợp đó sẽ hỗ trợ gì cho con trong việc lựa chọn ngành nghề sau này. Bởi nếu như tổ hợp mà con chọn không hướng đến những ngành nghề phù hợp với con thì cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình chọn nghề.
Phóng viên: Mâu thuẫn trong ý kiến của phụ huynh và học sinh về việc lựa chọn tổ hợp là khó tránh khỏi. Tiến sĩ có lời khuyên gì dành cho học sinh cũng như phụ huynh khi xảy ra trường hợp như vậy?
Tiến sĩ Trương Thị Hoa: Trong trường hợp đó, cả cha mẹ và con cái nên cùng ngồi xuống, thảo luận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng và lắng nghe nhau. Cha mẹ cần phân tích cho con hiểu lí do nào mà cha mẹ lại muốn con lựa chọn như vậy. Còn các con thì cũng cần chia sẻ với bố mẹ lí do mà các em chọn tổ hợp đó. Khi có sự lắng nghe, chia sẻ thì cha mẹ và con cái sẽ hiểu nhau hơn và lúc đó sẽ cùng tìm ra tiếng nói chung và có những quyết định hợp lí nhất trong việc lựa chọn tổ hợp.
Phóng viên: Hướng nghiệp là hành trình dài, lựa chọn tổ hợp môn học chỉ là bước đầu tiên. Vậy học sinh cần có những kế hoạch cụ thể nào (ít nhất là trong 3 năm phổ thông trung học) để tiếp tục có sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn, chuẩn bị cho việc chọn trường chọn ngành vào lớp 12?
Tiến sĩ Trương Thị Hoa: Khi đã lựa chọn được tổ hợp môn học rồi thì ngoài việc học những môn đó, học sinh cần phải xác định mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Trên cơ sở những mục tiêu đó, học sinh sẽ lập kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các em có thể thực hiện điều này bằng cách: lựa chọn các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường, lựa chọn các kĩ năng cần có để tập trung rèn luyện và phát triển.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google