Gamification trong e-Learning - học mà chơi, chơi mà học

Hồng Ngọc
19:29 - 12/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Gamification được dự đoán sẽ trở thành xu thế bùng nổ tất yếu trong giáo dục trực tuyến.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi mọi hoạt động sinh hoạt và làm việc, học tập của toàn bộ xã hội. Giáo dục trực tuyến (e-Learning) trở thành xu hướng học tập tất yếu.

Một trong những công nghệ ấn tượng đang được ứng dụng rộng rãi trong e-Learning đó là Gamification - trò chơi trong giáo dục. Đây là một công cụ đầy hứa hẹn giúp các bài giảng số hóa thêm phần hấp dẫn, sinh động, thúc đẩy động lực học tập của học viên.

Gamification là gì?

Gamification là hình thức sử dụng cơ chế trò chơi vào hoạt động marketing, giáo dục hay quản trị,… Đây không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hình thức học tập trực tuyến (e-Learning), công nghệ Gamification ngày càng được ưa chuộng sử dụng trong các khóa học trực tuyến để tăng cường sự tham gia và tương tác của học viên. Hiểu đơn giản, là hình thức game hóa để các bài giảng e-Learning trở nên hấp dẫn hơn.

Gamification trong e-Learning phục vụ cho những nhu cầu học tập đa dạng như: kiến thức chuyên ngành, đào tạo nhân viên, giới thiệu sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kỹ năng mềm, đào tạo quản lý…

Gamification có nhiều hình thức trò chơi khác nhau, từ đơn giản (với những câu đố, câu hỏi nhanh) đến phức tạp (như mô phỏng trò chơi nhập vai). Sự phát triển của Gamification giúp các nhà cung cấp và phát triển e-Learning có nhiều lựa chọn hơn khi triển khai số hóa bài giảng.

Gamification trong e-Learning - Học mà chơi, chơi mà học - Ảnh 1.

Gamification giúp người học luôn hứng thú trong suốt quá trình học. Nguồn: OES

Gamification mang lại lợi ích gì?

Với hình thức học mà chơi, chơi mà học, Gamification tạo ra một môi trường học tập hiệu quả, hấp dẫn, mang đến cho người học trải nghiệm vui vẻ, hứng thú trong suốt quá trình học với mức độ tập trung cao.

Các yếu tố khích lệ như huy hiệu, điểm thưởng, bảng xếp hạng,… trong Gamification làm tăng tính cạnh tranh giữa các học viên. Đồng thời, học viên cũng dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của bản thân hay những điểm yếu cần cải thiện với mỗi giai đoạn học tập khác nhau.

Với các khoá học có nội dung phức tạp xây dựng theo hướng game hoá, người học được nhập vai và giải quyết từng nhiệm vụ. Đây là phương pháp mới lạ giúp nội dung trở nên phong phú, hấp dẫn và giữ cho người học luôn hứng thú trong suốt quá trình học và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.

Gamification thiết lập nhiệm vụ từ dễ đến khó, tăng dần mức độ trong suốt quá trình học tập. Điều này không chỉ giúp học viên dễ dàng bắt nhịp với kiến thức mà còn thúc đẩy họ thử thách bản thân, sẵn sàng cho những thử thách khó khăn hơn trong suốt quá trình học tập.

Áp dụng Gamiffication trong e-Learning: Dễ mà khó

Gamification là cách tuyệt vời để học viên không bị xao nhãng khỏi bài giảng. Nhung nó cũng đặt ra những thử thách không nhỏ. Học sinh có thể sa đà vào trò chơi, ít tập trung vào mục đích học tập. Người giảng dạy không kiểm soát được thời gian và nội dung kiến thức cần truyền tải...

Áp dụng phương pháp dạy học tích cực kết hợp cùng trò chơi Gamification không khó. Nhưng người thiết kế bài giảng cũng cần bản lĩnh, kỹ năng và chuyên môn để có chiến lược sử dụng trò chơi hợp lý, hiệu quả nhằm kiểm soát tốt chất lượng bài học. Sau đây là những lưu ý quan trọng: 

- Chọn đúng trò chơi: Cần linh hoạt lựa chọn trò chơi phù hợp với mục tiêu của bài học và khả năng của các học viên.

Có nhiều loại trò chơi khác nhau, từ giải đố, board game đến giả định nhập vai. Trước khi tiến hành, giáo viên cần phân tích chúng và lựa chọn một loại hình phù hợp nhất. Điều này sẽ phụ thuộc vào nội dung bài học và mục đích truyền tải kiến thức.

Kiểu giải đố có thể phù hợp để phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề. Chúng cũng thực hiện tốt vai trò “phá băng” trong các giờ học. Một trò chơi giải đố có thể hữu ích để đánh giá có bao nhiêu học sinh đã hiểu bài sau mỗi buổi học. Các trò chơi mô phỏng giúp học sinh học một kỹ năng hoặc trải nghiệm mới chưa từng diễn ra trong đời sống thực.

- Luật chơi đơn giản, dễ thực hiện, nhiều người có thể cùng tham gia: Điều này giúp tăng sự tương tác, giao tiếp giữa các học viên, tránh tình trạng nhiều người học không được "hoạt động" và không còn hứng thú tham gia lớp học. Tuy nhiên, trò chơi vẫn phải có mức độ thử thách nhất định. Khi bắt đầu trò chơi, hãy để người chơi làm quen, sau đó tăng mức độ thử thách. Nếu người chơi không đối mặt với bất kỳ thử thách nào, họ sẽ không hứng thú tham gia.

- Thời gian phù hợp: Trò chơi không nên quá dài để chiếm hết thời lượng bài giảng, hay quá ngắn không phục vụ mục đích học tập. Thời lượng "chơi" vừa đủ giúp học sinh vừa hứng thú với giờ học, vừa có thể nắm bắt được kiến thức một cách tập trung.

- Gắn liền với các tình huống trong cuộc sống thực: Điều này giúp người chơi tìm thấy sự liên kết giữa trò chơi với đời thực, từ đó nắm vững và ghi nhớ kiến thức sâu hơn. Khi đó, trò chơi sẽ giúp học viên dễ dàng vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, công việc.

Kết luận

Gamification ngày càng được ưa chuộng và ứng dụng rộng rãi trong giáo dục với những giá trị mà nó mang lại. Sử dụng công nghệ Gamification với chiến lược phù hợp giúp việc học trở nên toàn diện, dễ nhớ hơn, người học áp dụng kiến thức tốt hơn trong các tình huống thực tế.

Được dự đoán sẽ trở thành xu hướng đột phá trong lĩnh vực e-Learning, Gamification đang không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người học hiện đại. Không có lý do gì khiến công nghệ này nằm ngoài xu hướng đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.

Nguồn: tổng hợp