Học sinh lớp 10 “tự bơi” giữa các tổ hợp môn

Đắc Quang
21:41 - 14/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phụ huynh mơ hồ về chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy cô ít tư vấn về việc chọn khối, chọn ngành, chọn lớp. Học sinh lớp 10 "tự bơi" giữa tổ hợp môn khi mới tìm hiểu vài ngày.

Hiện nay, một số địa phương đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Đây cũng là thời gian để học sinh làm thủ tục nhập học, tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới và đăng ký tổ hợp môn mà mình mong muốn. 

Việc lựa chọn hết sức quan trọng, ảnh hưởng lâu dài đến việc chọn khối thi đại học của học sinh và quan trọng hơn, nếu chọn sai, các em sẽ không được chọn lại để thay đổi tổ hợp trong suốt 3 năm học tới đây.

Trước những lựa chọn lớp tổ hợp đa dạng, nhiều học sinh tỏ rõ sự lúng túng và hoang mang bởi mới tìm hiểu về các tổ hợp này chỉ vài ngày sau khi thi vào lớp 10 xong, chưa có định hướng nghề nghiệp, khối thi đại học rõ ràng. Thầy cô cấp trung học cơ sở cũng ít tư vấn, phụ huynh thì càng mơ hồ về Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Học sinh lớp 10 gần như phải tự khám phá, tự hiểu, rồi tự lựa chọn tổ hợp môn mà mình sẽ theo trong suốt 3 năm tới, và không chừng đó cũng là định hình nghề nghiệp cả cuộc đời. 

Học sinh lớp 10 “tự bơi” giữa các tổ hợp môn - Ảnh 1.

Phiếu đăng ký tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Khánh Hòa. Ảnh: Fanpage THPT Khánh Hòa - Thái Nguyên

"Tự bơi" giữa các tổ hợp môn

Vừa hay tin trúng tuyển vào Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông (tỉnh Quảng Nam) theo đúng nguyện vọng mơ ước, N.Q.H vừa vui nhưng cũng có phần lo lắng vì chỉ hơn 1 tháng nữa, em và các bạn cùng trang lứa sẽ là lớp học sinh đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho học sinh lớp 10.

"Vì là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới với bộ sách giáo khoa mới nên em cũng chưa hiểu nhiều. Trước khi đăng ký thi trường chuyên này, em đã nói chuyện với thầy cô giảng dạy ở cấp trung học cơ sở để nghe tư vấn chọn khối ngành theo sở thích và năng lực của bản thân, nhờ đó em lựa chọn được luôn lớp tổ hợp, thuộc khối Khoa học tự nhiên. Bố mẹ cũng ủng hộ về quyết định này của em", N.Q.H chia sẻ.

Nam sinh quê Quảng Nam này cho biết trước đó, trường trung học cơ sở của em có mời hiệu trưởng của trường trung học phổ thông trong huyện đến trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông mới, tư vấn cách chọn trường, chọn khối và những lưu ý liên quan. Nhờ đó, nhiều học sinh trong trường của N.Q.H cũng nắm được cơ bản thông tin cần thiết cho việc đăng ký tổ hợp môn.

Khác với N.Q.H, Võ Thị Khánh Ly (Nghệ An) cho biết bản thân thấy rất phân vân khi chọn khối và tổ hợp môn học. "Em suy nghĩ rất nhiều là nên chọn khối C hay khối D vì em có khả năng học được môn Văn. Tìm hiểu trên mạng thì em thấy khối D có nhiều lựa chọn ngành học, trường đại học hơn nên em đã chọn khối này", Ly nói.

Nữ sinh cũng chia sẻ trong quá trình lựa chọn, bố mẹ em không định hướng gì nhiều bởi cũng không hiểu về chương trình giáo dục phổ thông mới và cách chia lớp như hiện nay. Trên lớp ôn vào cấp 3, thầy cô giáo nói rất ít về cách chọn môn nên Khánh Ly thường vào các nhóm trên mạng để hỏi thêm.

Học sinh lớp 10 “tự bơi” giữa các tổ hợp môn - Ảnh 2.

Khánh Ly thường tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông mới trên mạng, nhất là trong nhóm các bạn cùng sinh năm 2007. Ảnh: NVCC

Giống như Khánh Ly, Lê Thị Thu Trang (Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết cũng đang rất hoang mang về việc chọn lớp tổ hợp.

"Trên lớp thầy cô tập trung vào giảng bài để ôn thi vào lớp 10, cũng không hướng dẫn thêm về việc chọn lớp tổ hợp, chọn khối ngành hay chương trình giáo dục mới. Em toàn lên mạng xã hội rồi vào các hội nhóm để tìm hiểu. Nhưng mỗi nơi một kiểu nên em hơi rối", Thu Trang bộc bạch.

Còn với Nguyễn Thu Hiền (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước và nhận ra khả năng của bản thân nhưng khi làm thủ tục nhập học tại Trường Trung học phổ thông Khánh Hòa, em cũng không tránh khỏi những băn khoăn. Trong tổ hợp Khoa học xã hội mà Hiền chọn có 2 lớp có hai môn là Vật lý và Sinh học, là hai môn em thấy lo lắng nhất. Dựa vào hiểu biết thu được trong những năm học cấp 2, Hiền đã lựa chọn lớp có môn Sinh học.

"Thầy cô trên lớp cũng chỉ nói là thích học môn nào thì chọn lớp đó, không chia sẻ gì nhiều. Còn bố mẹ em cũng không hiểu gì lắm về chương trình giáo dục phổ thông mới, khi biết lựa chọn lớp tổ hợp của em thì bố mẹ cũng ủng hộ thôi", Hiền tâm sự.

Học sinh lớp 10 “tự bơi” giữa các tổ hợp môn - Ảnh 3.

Nguyễn Thu Hiền băn khoăn khi chọn tổ hợp khi vào Phổ thông trung học. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, trước thay đổi về chương trình học của lớp 10 năm nay, nhiều phụ huynh cho biết bản thân không nắm được cụ thể về thay đổi này, việc chọn lớp tổ hợp môn hầu để các con tự quyết định và bố mẹ tôn trọng quyết định đó.

Nỗi lo đường dài của mỗi học sinh 

Là lứa học sinh lớp 10 đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các học sinh sinh năm 2007 mang trong mình nhiều trăn trở.

Nguyễn Thị Mỹ Tuyền (Tháp Mười, Đồng Tháp) tâm sự: "Em thấy rất hứng thú với môn Mỹ thuật và Âm nhạc bởi đó là những môn sẽ giúp việc đến trường của em vui và thú vị hơn. Nhưng em thấy ở nhiều trường lại không có những môn này trong các lớp chọn tổ hợp. Trường cấp 3 mà em trúng tuyển thì dù đã có kết quả thi hơn 3 ngày rồi nhưng vẫn chưa có thông tin gì thêm. Việc này khiến em rất hoang mang".

Tuyền cũng cho biết bản thân hơi lo lắng vì thời gian tìm hiểu các tổ hợp môn học quá ngắn, ít nguồn thông tin. Nếu chọn tổ hợp rồi mà một thời gian sau thấy không theo được thì cũng không thể chọn lại.

Chung tâm lý trên, Thu Hiền chia sẻ: "Với chương trình học như này, mỗi trường một kiểu lớp học tổ hợp, mỗi nơi một loại sách giáo khoa. Thậm chí, trong một trường, một khối Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội cũng có những môn không giống nhau nên nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà phải chuyển lớp, chuyển trường thì học sinh đó sẽ phải gần như phải học lại từ đầu".

Thu Hiền cho biết nhiều bạn của em cũng cùng những thắc mắc như vậy. Mỗi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều chỉnh mới, các bạn lại thêm hoang mang.

Học sinh lớp 10 “tự bơi” giữa các tổ hợp môn - Ảnh 4.

Một vài đầu sách giáo khoa lớp 10 trong bộ Cánh diều. Ảnh: Bích Hà

Nói về trăn trở khi lên lớp 10 của năm nay, T.M.N (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ lo lắng về vấn đề nội dung trong sách giáo khoa. "Em thấy một số bạn ở nơi khác chụp ảnh sách giáo khoa mới lên mạng thì thấy nội dung nặng hơn so với chương trình trước. Ví dụ ở môn Toán, không có kiến thức thuần của môn học này mà còn ứng dụng cả với môn Hóa học, Vật lý. Đó là những môn em rất sợ. 

Nam sinh này cho biết bản thân đánh giá việc tích hợp môn học này rất thú vị nhưng để áp dụng nhuần nhuyễn thì học sinh phải tìm hiểu nhiều hơn và chủ động hơn.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được thực hiện với kỳ vọng phát triển năng lực và sở trường của học sinh, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đất nước.

Trên con đường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, ổn định từ Bộ Giáo dục và Đào tạo tới giáo viên và học sinh về các vấn đề liên quan đến chương trình này.

Và khi các bậc phụ huynh không thể nắm bắt thông tin về những thay đổi quá mới mẻ về chương trình học, thì sự đồng hành của thầy cô giáo ở cả cấp 2 và cấp 3 là yếu tố quan trọng để các em có thể dựa vào và tự tin hơn trước những lựa chọn có tính bước ngoặt trong cuộc đời, và cũng để các em không cảm thấy tủi thân về những thiệt thòi từ thiếu sót của công cuộc thay đổi chương trình giáo dục này mang lại.