Sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và cuộc chiến giành người tài
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang cố gắng xây dựng lại ngành công nghiệp sản xuất chip của mình sau nhiều năm phụ thuộc vào Đông Á.
Trên trang sciencebusiness đã đăng bài phân tích của tác giả David Matthews về các biện pháp trước mắt và lâu dài của Mỹ và EU để giành lại vị thể chủ động trong ngành sản xuất chip. Đó là: Tăng cường đào tạo trong nước, thay đổi chính sách nhập cư để thu hút người tài, tăng nhập khẩu nhân lực đáp ứng ngay nhu cầu hiện tại.
Mỹ và EU nỗ lực chấm dứt sự thống trị của ngành sản xuất chip ở Đông Á
Các nhà máy sản xuất chip ở Mỹ đang chậm tiến độ vì thiếu nhân lực. Ngay cả ở Đài Loan (Trung Quốc) – nơi dẫn đầu toàn cầu về trong lĩnh vực sản xuất này, cũng đang trong tình trạng "thắt chặt lao động".
Sự khan hiếm chip đã ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, gây ra tình trạng tồn đọng các đơn đặt hàng đối với các sản phẩm bao gồm xe cộ, điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng. Các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo một ước tính của công ty tư vấn AlixPartners có trụ sở tại Mỹ, tình trạng thiếu chip toàn cầu khiến ngành công nghiệp ô tô thiệt hại 210 tỉ USD vào năm 2021.
Nguồn cung chip hạn chế đã dẫn đến việc người dùng phải sử dụng các sản phẩm điện tử với giá cao hơn.
Sau sự thiếu hụt chip toàn cầu vào năm 2021 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, các chính trị gia ở cả Brussels và Washington đã công bố kế hoạch xây dựng năng lực sản xuất của riêng mình, cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Vào tháng 3, nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã công bố khoản đầu tư 80 tỉ euro vào các xưởng đúc và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Đức, Ireland, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên, các kế hoạch này của châu Âu và Mỹ có thể bị lỡ nhịp nếu không có các kỹ sư và nhà nghiên cứu có tay nghề cao.
Đầu năm nay, có thông tin cho rằng nhà máy đầu tiên của Mỹ của nhà sản xuất chip hàng đầu Taiwan Semiconductor Manufacturing Co ở Arizona đã chậm tiến độ từ 3 đến 6 tháng do thiếu lao động và nhiễm COVID-19.
EU sẽ còn khó khăn hơn cả Mỹ bởi lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn ở EU chỉ khoảng 200.000 người, so với 300.000 người của Mỹ - ông Jeremy Neufeld, thành viên tại Viện Tiến bộ (IFP) có trụ sở tại Washington DC, cho biết.
"Cuộc chiến giành người tài"
Các nhà lập pháp ở Mỹ đã đề xuất luật để giúp các trường đại học đào tạo một thế hệ công nhân bán dẫn mới trong bối cảnh "cuộc chiến giành người tài" toàn cầu nhằm chấm dứt sự thống trị của ngành sản xuất chip ở Đông Á.
Romain Pierredon, một nhà phân tích nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại công ty AlphaValue có trụ sở tại Paris, cho biết, các công ty chip châu Âu đang tham gia vào một "cuộc chiến giành nhân tài" và phải trả nhiều hơn để tuyển dụng những người họ cần, "Gánh nặng ngày càng nặng hơn".
Để giúp giải quyết vấn đề này ở Mỹ, các nhà lập pháp các đảng Cộng hòa và Dân chủ mới đây đã đưa ra cái gọi là Chipping In action, đề xuất giải thưởng của Quỹ Khoa học quốc gia cho các trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm xây dựng các chương trình vi điện tử ngày càng tốt hơn. Đồng thời cũng đề xuất các khóa đào tạo để tài trợ nghiên cứu cho những sinh viên theo đuổi lĩnh vực vi điện tử trong quá trình lấy bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
"Để duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu, chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp đang phát triển này bằng cách đầu tư vào lực lượng lao động kỹ thuật tại các trường cao đẳng và đại học của chúng ta. Giáo dục STEM là tương lai" - Đại diện Đảng Cộng hòa Mike Waltz cho biết trong một tuyên bố ủng hộ dự luật.
Tại EU, nhằm tăng thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của EU lên 20% vào cuối thập kỷ này, đạo luật về sản xuất chip được đưa ra vào đầu năm nay tập trung vào đào tạo và thu hút người tài. "EU có nguồn nhân tài hạn chế và thiếu lực lượng lao động với các kỹ năng cần thiết", một tài liệu nghiên cứu phục vụ dự luật cho biết.
Giải pháp của Brussels là tạo ra một mạng lưới các "trung tâm năng lực" trên khắp EU để đào tạo nhân viên mới và nâng cao kỹ năng hiện có cho người lao động.
Trong năm 2020, EU đã khởi động "Hiệp ước về kỹ năng" giữa các công ty, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác để thúc đẩy học tập suốt đời và đưa ra dự đoán những kỹ năng nào sẽ cần thiết trong tương lai.
Nguồn nhân lực nhập cư là cần thiết
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo trong nước, nhập khẩu nguồn nhân lực được xác định là biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu hiện tại, giảm bớt tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Vì thế, Tsu-Jae King Liu, giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học California, Berkeley và là thành viên hội đồng quản trị của Intel cho biết: "Cải cách chế độ nhập cư nên là một phần của giải pháp".
Theo một báo cáo năm 2020 của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi tại Đại học Georgetown, hiện nay có khoảng 40% công nhân bán dẫn có tay nghề cao ở Mỹ là những người sinh ra ở nước ngoài, không sinh ra ở Mỹ, trong đó Ấn Độ là quốc gia có nguồn gốc phổ biến nhất, tiếp theo là Trung Quốc.
Báo cáo này cũng cho biết: Số lượng người Mỹ theo học các chương trình sau đại học liên quan đến chất bán dẫn đã ngừng trệ kể từ năm 1990.
Đầu tư vào giáo dục trong nước và các sáng kiến nâng cao kỹ năng chắc chắn là cần thiết để có một lực lượng lao động có chất lượng, nhưng đó là một chiến lược dài hạn, không đáp ứng ngay được các yêu cầu của nhà máy bán dẫn mới được thành lập và vận hành. Vì thế, việc cải cách chính sách nhập cư sẽ giúp lao động có tay nghề cao đến Mỹ dễ dàng hơn.
Vào đầu tháng này, các nhà lập pháp đã khởi động một nỗ lực mới để tăng tốc độ xử lý thị thực cho những người nhập cư có bằng tiến sĩ STEM muốn làm việc trong một ngành "quan trọng", bao gồm cả chất bán dẫn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google