Chọn tổ hợp môn học Phổ thông trung học: Vẫn còn những câu hỏi lớn

Ly Hương
15:13 - 19/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Xung quanh việc chọn tổ hợp môn học Phổ thông trung học, đã có nhiều ý kiến bàn luận. Ở bài viết này, chúng tôi xin đưa ra thực trạng tại thành phố Hồ Chí Minh, thực tế diễn ra có nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải.

Hiệu trưởng có thể thiết kế một số tổ hợp môn phù hợp với điều kiện của từng trường, nhưng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn nhiều bất cập, sự chủ động đó vẫn còn bất cập. 

Ngày 11/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc điều chỉnh môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng bậc trung học phổ thông.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một số nội dung ở môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trở thành bắt buộc dạy và học áp dụng từ năm học 2022 - 2023.

Thiết kế tổ hợp theo kiểu "chữa cháy"

Vì Lịch sử là môn học bắt buộc nên học sinh phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương, Lịch sử.

Các môn học tự chọn là: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 4 môn gồm: Khoa học Xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật).

Riêng môn Nghệ thuật bao gồm 2 phân môn là Âm nhạc, Mỹ thuật - học sinh chỉ cần chọn học 1 trong 2 phân môn này (được tính là 1 môn). Trừ ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề, cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.

Theo lí thuyết, học sinh có 81 cách lựa chọn tổ hợp môn (thay vì 108 tổ hợp môn như trước đây) nhưng không có trường nào đáp ứng được vì thiếu nhân sự, thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học.

Theo ghi nhận, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thiết kế khoảng 4 đến 5 tổ hợp môn dựa trên số lượng giáo viên, phòng học và phòng chức năng có sẵn như phòng thí nghiệm, phòng thiết bị, phòng nghe nhìn… còn học sinh thì vẫn không được chọn tổ hợp mà mình yêu thích.

Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh năm nay tuyển khoảng 900 học sinh lớp 10 nhưng cũng chỉ thiết kế được 5 tổ hợp, đó là: 1) Vật lí, Hóa học, Địa lí, Tin học; 2) Vật lí, Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ; 3) Hóa học, sinh học, Địa lí, Công nghệ; 4) Vật lí, Sinh học, Địa lí, Tin học; 5) Vật lí, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ.

Điều oái oăm, Lịch sử trở thành môn bắt buộc nhưng nhà trường vẫn xây dựng 1 tổ hợp có môn này, có lẽ do chưa có hướng dẫn chính thức từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lãnh đạo nhiều trường vẫn mù mờ ở chỗ, nếu trong 5 môn bắt buộc thêm Lịch sử nữa thì thành 6. Vậy phải loại một môn trong đó để thêm Lịch sử vào hay là cứ như vậy thêm vào, không rút môn nào ra (6 môn cùng tồn tại).

Nhiều câu hỏi lớn

Thứ nhất, dù đã có thời gian chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng đến thời điểm này, nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước không tổ chức dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật vì không tuyển được giáo viên.

Chương trình tổng thể cho biết, "nội dung giáo dục nghệ thuật được định hướng nhằm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh…".

Thế nhưng, việc nhiều trường không thể thiết kế môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) thì làm sao "góp phần phát triển hài hoà đức, trí, thể, mĩ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh" như Chương trình giáo dục phổ thông mới kì vọng?

Thứ hai, sau khi học xong lớp 10, nếu học sinh chuyển trường thì sẽ gặp rắc rối vô cùng. Chẳng hạn, một học sinh đang học tổ hợp: Vật lí, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, nhưng khi các em sang trường khác, tổ hợp đó không có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật mà thay bằng môn Công nghệ thì phải làm thế nào?

Chưa kể, giả sử trường cũ học bộ sách Chân trời sáng tạo nhưng trường mới thì học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thì sẽ có rắc rối với phụ huynh học sinh và nhà trường? Về nguyên tắc, các em có quyền chuyển trường theo quy định của Quyết định 941/QĐ-BGDĐT năm 2022.

Thứ ba, sau khi học xong lớp 10, nếu học sinh muốn thay đổi tổ hợp môn thì các em và thầy cô đều gặp rắc rối. Việc này hoàn toàn có thể xảy ra vì chương trình bậc trung học phổ thông khác với chương trình bậc trung học cơ sở theo hướng khó hơn, sau một năm học các em mới thấy rõ sở trường và thay đổi môn học cho phù hợp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11.

Tuy vậy, giáo viên hoàn toàn có quyền không tham gia dạy hè bởi Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, trong đó quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên là 8 tuần.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết những bất cập của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét thống nhất một bộ sách giáo khoa, có đối sách đối với những môn có nguy cơ học sinh ít chọn lựa. 

Bình luận của bạn

Bình luận