Học sinh lớp 10 sẽ lựa chọn tổ hợp theo nhà trường đã xây dựng sẵn

Nguyễn Khanh
23:57 - 15/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nếu học sinh chọn theo sở thích và theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nguy cơ "vỡ trận" ở các nhà trường là rất lớn. Các trường trung học phổ thông cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của học sinh và phụ huynh.

Thời điểm này, phần lớn các địa phương trên cả nước đã và đang công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển vào lớp 10 cho năm học 2022-2023. Điều khiến cho học sinh, phụ huynh đang "rối não", là việc chọn các môn học lựa chọn trong nhóm tổ hợp sẽ học ở 3 năm trung học phổ thông.

Học sinh lớp 10 sẽ lựa chọn tổ hợp theo nhà trường đã xây dựng sẵn - Ảnh 1.

Hoc sinh phổ thông trung học đứng trước lựa chọn môn học tổ hợp. Ảnh Thế Bằng

Theo hướng dẫn ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học sinh chọn "5 môn học tự chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học)" nhưng thực tế học sinh bắt buộc phải chọn theo sự sắp đặt sẵn của nhà trường. Nếu học sinh chọn theo sở thích, chọn theo đúng hướng dẫn ban đầu của Bộ thì nguy cơ "vỡ trận" ở các nhà trường là rất lớn và thực tế các trường trung học phổ thông cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của học sinh và phụ huynh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện chương trình ở lớp 10 ra sao?

Theo hướng dẫn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành ngày 27/12/2018, cấp trung học phổ thông sẽ gồm có các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Lúc đó, theo hướng dẫn có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV vào cuối tháng 6 vừa qua thì hiện nay có thêm môn Lịch sử vừa là môn học lựa chọn, vừa là bắt buộc.

Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Còn 5 môn học tự chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Để chuẩn bị cho việc tuyển sinh, triển khai chương trình mới ở lớp 10, ngày 19/4/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc triển khai thực hiện chương trình năm học 2022-2023.

Trong Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn như sau: "Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 01 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.

Xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm chuyên đề trong các môn học bắt buộc và các môn học đã lựa chọn. Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo".

Với hướng dẫn của Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH và bộ phận chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có những hướng dẫn để các nhà trường chủ động lên kế hoạch tuyển sinh. Đồng thời, xây dựng một số tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn cho học sinh. Điều này cũng đồng nghĩa dù là môn học lựa chọn nhưng là học sinh phải chọn theo tổ hợp môn học mà nhà trường đã xây dựng chứ không phải là học sinh thích học môn nào thì chọn môn đó.

Khác với chương trình 2006, lúc đó không có môn bắt buộc và lựa chọn tổ hợp như chương trình 2018 nên học sinh thường lựa chọn theo khối thi. Chẳng hạn như học sinh phải học tất cả các môn nhưng có thể đầu tư sâu vào những môn nhằm phục vụ cho việc thi, xét tuyển đại học sau này.

Giờ đây, chương trình 2018 mang tính mở hơn nhưng cũng phức tạp hơn bởi ngoài các môn học, hoạt động bắt buộc thì học sinh phải học thêm tổ hợp lựa chọn và chuyên đề học tập. Học sinh chọn tổ hợp lựa chọn nào cũng đồng nghĩa phải theo đuổi suốt 3 năm cấp trung học phổ thông, nếu muốn chọn lại cũng đồng nghĩa phải học lại với học sinh khối sau.

Học sinh tự do chọn tổ hợp chứ không phải tự do chọn môn học

Mặc dù, chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng cho học sinh là "5 môn học tự chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học)" nhưng điều này không có nghĩa là học sinh chọn môn nào thì nhà trường sẽ xếp lớp môn đó.

Bởi lẽ, Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 đã hướng dẫn rất rõ. Đó là: "Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 01 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học". Điều này có nghĩa là nhà trường sẽ xây dựng tổ hợp học tập và tất nhiên Ban giám hiệu nhà trường phải căn cứ vào nguồn lực, điều kiện hiện có của đơn vị.

Bởi hiện nay, kinh phí hoạt động hằng năm của nhà trường công lập đều do ngân sách nhà nước cấp, nhân lực giảng dạy thì được khoán theo định mức lớp học. Vì thế, các trường sẽ xây dựng những tổ hợp nhằm đảm bảo không phát sinh kinh phí hoạt động vì phát sinh kinh phí sẽ không có nguồn để bù vào. Đồng thời, phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện có của nhà trường để sắp xếp tổ hợp môn lựa chọn.

Mỗi giáo viên cấp trung học phổ thông, mỗi tuần giảng dạy 17 tiết nên nhà trường phải tính toán để không có giáo viên nào thiếu tiết và cũng không cho thừa tiết vì thừa tiết phải chi trả tiền thừa giờ.

Vì vậy, theo công bố của nhiều trường trung học phổ thông hiện nay thường sắp xếp việc lựa chọn môn tổ hợp theo kiểu "nguyện vọng 1; nguyện vọng 2, nguyện vọng 3" hoặc "lựa chọn 1; lựa chọn 2" nhằm nếu như tổ hợp này mà nguyện vọng học sinh chọn đông quá thì chuyển sang nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 theo tổ hợp mà nhà trường đã xây dựng trước.

Chính vì thế, trên danh nghĩa là môn học "lựa chọn" nhưng là lựa chọn theo tổ hợp mà nhà trường xây dựng chứ không phải là học sinh thích môn nào thì lựa chọn và học môn đó. Hiện nay, nhiều học sinh, phụ huynh rối vì đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới ở lớp 10 và có thêm tổ hợp lựa chọn, nhất là khi cận năm học thì môn Lịch sử lại thay đổi tử môn học "lựa chọn" sang "vừa bắt buộc, vừa lựa chọn".

Song, nếu nhà trường tư vấn tốt, giải thích cho phụ huynh, học sinh kĩ lưỡng thì mọi thứ sẽ đi vào quy củ. Tất nhiên, có những tổ hợp mà nhà trường xây dựng sẵn, trong đó có những môn học mà học sinh không thích, không phải là sở trường.

Nhưng, trong điều kiện nguồn lực hiện có của nhà trường thì việc sắp xếp tổ hợp cũng chỉ là tương đối chứ không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu học sinh. Vì nếu đáp ứng tất cả nhu cầu học sinh theo hướng dẫn của chương trình 2018 thì sẽ có môn học lựa chọn sẽ được học sinh chọn nhiều nhưng cũng sẽ có một số môn rất ít học sinh lựa chọn. Lúc đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên giảng dạy sẽ xảy ra.