Ứng dụng công nghệ vào giáo dục - kỷ nguyên học tập mới của châu Á

11:55 - 21/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mở ra cơ hội học tập mới cho cả trẻ em và người lớn, góp phần đổi mới sáng tạo phương pháp dạy và học, các công nghệ giáo dục (edtech) ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong kỷ nguyên học tập mới của châu Á, đặc biệt là sau khoảng thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã kéo theo sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành giáo dục khi mọi gia đình và nhà trường phải nỗ lực đưa các hoạt động học tập lên nền tảng số. Tuy thời kỳ cao điểm của đại dịch đã qua, sự bùng nổ của các ứng dụng công nghệ giáo dục đã phần nào giảm nhiệt nhưng edtech vẫn được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại các quốc gia châu Á khi nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học ngày càng tăng lên.

Ấn Độ đi tiên phong

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục - Kỷ nguyên học tập mới của châu Á - Ảnh 1.

Lớp học trực tuyến tại Ấn Độ. Ảnh: Straits Times

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công ty BYJU'S của Ấn Độ lại phát triển thành hãng edtech lớn nhất thế giới.

Kể từ năm 2011, các bài học trực tuyến về toán và khoa học của BYJU'S đã được đưa vào bổ sung trong chương trình giảng dạy ở nhà trường. Nhưng khi các trường học buộc phải đóng cửa để tránh virus lây lan trên khắp Ấn Độ, các công ty edtech đã vào cuộc để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức cho học sinh, trong khi nền giáo dục truyền thống phải chật vật để chuyển đổi sang hình thức trực tuyến.

Các lớp học trực tuyến tư nhân đã trở thành môi trường giáo dục mới của những gia đình đủ khả năng chi trả. Và BYJU'S, với tư cách là “người mở đường", đã gặt hái được nhiều thắng lợi. Tháng 6/2020, định giá của công ty này đã tăng lên hàng “decacorn” - tên gọi khác của các công ty trị giá hơn 10 tỉ đô la Mỹ - khi các bậc phụ huynh đổ xô vào ngành dịch vụ edtech.

Thay đổi cách học với các công ty khởi nghiệp Indonesia

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục - Kỷ nguyên học tập mới của châu Á - Ảnh 3.

Dạy trực tuyến. Ảnh minh họa - Straits Times

Bà nội trợ người Indonesia Delores Mia Monorica, 43 tuổi, bắt đầu sử dụng gói học trực tuyến dài một năm của công ty khởi nghiệp edtech Ruangguru từ tháng 7 vừa qua, để giúp cô con gái lớn Ibrenna Mirkaela Simanjuntak học tại nhà.

Trước đó, bé Mirkaela, 8 tuổi, đã xin thôi học ở trường để tự học tại nhà, vì cha mẹ muốn cô bé được phát triển theo năng khiếu và sở thích riêng.

Hiện nay, hàng ngày, Mirkaela theo dõi các đoạn video ngắn dạy toán và tiếng Bahasa của Indonesia trong khoảng một giờ. Cô bé còn học đọc, viết, vẽ và học tiếng Anh bằng ứng dụng Epic phổ biến tại Indonesia.

Các công cụ trực tuyến nâng cao chất lượng giáo dục ở Singapore

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục - Kỷ nguyên học tập mới của châu Á - Ảnh 4.

Ảnh minh họa - Straits Times

Học sinh và giáo viên ở Singapore đã nhanh chóng chuyển sang hình thức học tập trực tuyến tại nhà khi dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020. Xu hướng chuyển đổi sang các nền tảng học tập kỹ thuật số không có khả năng chững lại tại quốc gia này.

Mặc dù lớp học trực tiếp đã được nối lại, các giáo viên vẫn duy trì ứng dụng công nghệ tại lớp học bằng cách sử dụng những công cụ trực tuyến như Slido (nền tảng hỏi đáp và thăm dò ý kiến), cũng như bảng thông báo ảo Padlet để cải thiện tính tương tác trong học tập.

Kế hoạch đưa các lớp học bước vào thời đại kỹ thuật số của Singapore đã bắt nguồn từ năm 1997 khi sáng kiến “Thinking Schools, Learning Nation” (tạm dịch: Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập) được triển khai. Trọng tâm của kế hoạch là hướng tới việc tích hợp công nghệ trong các lớp học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Khởi nghiệp edtech phát triển tại Hàn Quốc 

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục - Kỷ nguyên học tập mới của châu Á - Ảnh 6.

Khởi nghiệp edtech đang rất phát triển tại Hàn Quốc. Ảnh: Straits Times

Nếu một học sinh gặp khó khăn với môn toán học, công ty khởi nghiệp Mathpresso của Hàn Quốc có thể giúp đỡ.

Được thành lập vào năm 2015, công ty Mathpresso kinh doanh sản phẩm chính là Qanda, một ứng dụng học tập được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo (AI). Học sinh chỉ cần quét bức ảnh chụp lại câu hỏi và ứng dụng này sẽ tìm ra đáp án đúng.

Hay như Riid, một công ty khởi nghiệp khác, sử dụng AI để giúp người dùng ôn thi tiếng Anh. Trong khi công ty khởi nghiệp Alux lại sử dụng robot để dạy trẻ em viết mã code.

Riêng Trung Quốc nói "không" với công nghệ giáo dục

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục - Kỷ nguyên học tập mới của châu Á - Ảnh 7.

Trung Quốc trấn áp ngành công nghệ giáo dục nhằm giảm bất bình đẳng trong môi trường học tập

cũng như gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Ảnh: Straits Times

Sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố trấn áp ngành công nghệ giáo dục vào năm 2021 để giảm bất bình đẳng trong môi trường học tập, các công ty dạy kèm trực tuyến đã chuyển sang hình thức kinh doanh khác, chẳng hạn như bán nông sản thông qua livestream.

Một số công ty vẫn âm thầm nối lại hoạt động dạy kèm trực tuyến, do nhu cầu trong nước đối với dịch vụ này còn cao. Hiện Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID", khiến các trường học thường xuyên bị đóng cửa và học sinh phải học từ xa.

Trong một động thái gây sốc vào tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc công bố một số quy định mới yêu cầu các công ty dạy thêm những môn học chính ở trường phải tái cơ cấu thành các công ty phi lợi nhuận, đồng thời cấm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Chính phủ cho biết chính sách này nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Động thái trên xảy ra sau khi ngành công nghiệp này ở Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy bê bối về những hành vi vô đạo đức như quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn quá nhiều về kết quả...

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận