Singapore thí điểm dạy đạo đức qua trò chơi trên máy tính
Học sinh cấp 1 có thể sớm học được các bài học về sự đồng cảm và đạo đức ở trường thông qua một trò chơi trên máy tính.
Bộ Giáo dục Singapore (MOE) sẽ thực hiện thí điểm việc dạy học đạo đức công dân thông qua phát triển một trò chơi trên máy tính dành cho các học sinh tiểu học bắt đầu từ năm học tới.
Báo Straits Times ngày 19/9 cho biết, trò chơi này do MOE phát triển và sẽ được thử nghiệm tại một số trường học cuối cấp tiểu học (từ lớp 4 đến lớp 6), song song với giáo trình học và các tài liệu tham khảo hiện hành.
Trò chơi sẽ yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi và tình huống mô phỏng các tình huống xã hội thực tế mà các em có thể trải qua tại trường học, chẳng hạn như giúp đỡ một bạn học mới, xử lý bất đồng trong làm việc nhóm, hay các tình huống khác giúp học sinh biết chia sẻ, đồng cảm. Dựa trên phản ứng của học sinh, giáo viên có thể định hướng thảo luận sâu hơn về cảm xúc của học sinh và củng cố thêm các kỹ xã hội khác.
Giáo dục công dân và tính cách (CCE) là môn học dành cho học sinh ở cả 3 cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Singapore. Môn học tập trung dạy các em học sinh về các giá trị đạo đức, giúp các em hiểu các vấn đề hiện tại như bắt nạt, truyền thông trực tuyến, chủng tộc và tôn giáo. Chương trình giảng dạy CCE đã được cải biên vào năm ngoái.
Trò chơi trên máy tính cũng giúp giáo viên nắm được cách thức, khả năng ứng xử của học sinh trong các tình huống khác nhau. Việc tổng hợp, phân tích các dữ liệu đó sẽ giúp cho các cuộc thảo luận tiếp theo sâu hơn và có các biện pháp xử lý nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.
Phó giáo sư Jason Tan của Viện Giáo dục Quốc gia cho biết, việc MOE áp dụng hình thức trò chơi chính là sự chủ động khai thác một phương tiện quen thuộc của trẻ em để nhằm mục đích giáo dục.
Giáo sư Tan nói rằng việc sử dụng trò chơi mô phỏng tạo ra các cuộc thảo luận trong lớp phù hợp với phương pháp giảng dạy CCE của MOE, trong đó khuyến khích sự đồng cảm, quan tâm, tôn trọng, chăm sóc... của học sinh.
Tuy nhiên, cách dạy như vậy ở trường rất cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của gia đình bởi đạo đức là một quá trình suốt đời, và, cha mẹ là những nhà giáo dục chính của học sinh. "Học sinh tiếp xúc với những mô phỏng này là một điều nhưng thách thức lớn hơn là làm thế nào để học sinh áp dụng những mô phỏng này một cách lâu dài, bền vững và nhất quán, không chỉ ở trường, lớp" - ông Tan nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google