Ngẫm về trung thực trong giáo dục

Phạm Thanh Khương
06:16 - 19/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Chúng ta chưa thực sự trung thực trong giáo dục", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Từng có thời gian hoạt động giảng dạy, nên trước ý kiến đánh giá thẳng thắn của Phó Thủ tướng, tôi không khỏi có nhiều suy nghĩ.

Giáo dục luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sát sườn nhất với quần chúng nhân dân. Từ năm 1979, Bộ Chính trị khoá IV đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục. Năm 2004 Quốc hội khoá XI đã có nghị quyết về yêu cầu đổi mới thi đua trong giáo dục, khắc phục bệnh thành tích chủ nghĩa. 

Năm 2005, thông qua Luật Giáo dục đã quy định nhà giáo và người học không được có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh, giảng dạy và học tập. 

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. 

Tưởng rằng trước những quyết tâm từ Quốc hội, Chính phủ, giáo dục nước nhà sẽ khắc phục những tồn tại yếu kém để phát triển. Nhưng ngành giáo dục và đào tạo vẫn loay hoay với cải cách, đổi mới không ngừng mà chưa thấy mới. 

Năm 2013, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Song, một nền giáo dục chất lượng vẫn chỉ là ước mơ.

Đánh giá của Phó Thủ tướng cho thấy không chỉ trì trệ trong triển khai tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước còn cho thấy "căn bệnh" trầm kha của giáo dục và đào tạo. Không trung thực đồng nghĩa với hình thức, giả dối và bệnh thành tích. Nếu nhìn vào các con số thống kê "đẹp" từ các kỳ thi đến số lượng các bậc học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong những năm qua quả là nỗi lo. Từ những "con số đẹp" ấy, đề cử, tiến cử và xem xét trình độ năng lực, phẩm hạnh để bố trí, sắp xếp sử dụng nhân tài trong bộ máy công quyền lấy đâu được kết quả tốt.

Lại nhớ, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", coi đây là khâu đột phá trong năm học 2006 - 2007 để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. 

Thời gian cứ trôi, rồi chuyện tiêu cực trong thi cử, căn bệnh thành tích vẫn y nguyên, thậm chí "bệnh" còn nặng hơn. Câu chuyện kỳ thi trung học phổ thông năm 2018 ở một loạt tỉnh, thành và có không ít cán bộ, giáo viên vướng vòng lao lý là một thực trạng đau lòng. Tất cả cũng xuất phát từ sự giả dối, thiếu trung thực và căn bệnh thành tích trong hoạt động giáo dục. Có một điều chắc chắn ngành giáo dục và đào tạo biết rất rõ: Khi bản thân trong ngành không trung thực, việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh làm sao có thể trung thực?

Một vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để "thoát" tiêu cực, bệnh thành tích trong giáo dục và đào tạo khi chúng ta mong muốn có được một xã hội học tập

Hãy khoan nói đến tác động của xã hội và mong muốn gia đình về chuyện bằng cấp. Muốn thoát tiêu cực, bệnh thành tích, trước tiên và cũng là điều kiện tiên quyết, ngành giáo dục và đào tạo "chấp nhận" nỗi đau và sự thật dù có phũ phàng về chất lượng và kết quả tốt nghiệp, đào tạo. Có thể, xấu hổ đấy, đau đấy, buồn đấy, nhưng đó là sự trung thực với chính mình. Sự trung thực, biết chấp nhận để vượt lên, tin rằng xã hội và nhân dân sẽ hiểu và chia sẻ, đồng cảm. 

Vẫn biết, nói dễ làm khó, song có lẽ, không làm thì cũng sẽ không bao giờ có thể vượt được khó. Khó vẫn phải làm, vừa làm vừa tháo gỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền".

Một câu hỏi nữa đặt ra: Việc làm này bắt đầu từ đâu? Trước hết, nó bắt đầu từ chính ngành giáo dục và đào tạo và người chịu trách nhiệm "làm gương" là "tư lệnh ngành". Bộ trưởng hãy dũng cảm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói đúng sự thật, chấp nhận sự thật để cán bộ, giáo viên trong ngành thấy quyết tâm của người đứng đầu. Dám chấp nhận sự thật, khi đó, Bộ trưởng có đủ quyết tâm xử lý những tập thể, cá nhân cố tình luẩn quẩn trong căn bệnh hình thức, tiêu cực và bệnh thành tích. Việc xử lý công khai, nêu rõ lý do không tổ chức thực hiện, không kiên quyết khắc phục những yếu kém, tồn tại. 

Để làm trong sạch đội ngũ cán bộ Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thẳng thắn: "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người".

Sau khi đưa ra đánh giá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: "Phải kiên quyết làm. Tôi đề nghị các lãnh đạo các tỉnh kiên quyết rà soát trên địa bàn để thực hiện dứt khoát việc này".

Việc làm "sự trung thực" trở lại dẫu có thể muộn nhưng muộn còn hơn không làm khi và một khi "giáo dục là quốc sách". Cần một sự trung thực trong giáo dục chính là trở lại chân giá trị đích thực của môi trường làm người, dạy người. Sản phẩm của giáo dục, đào tạo là con người. Hiền tài là nguyên khí quốc gia chỉ khi được đánh giá đúng tài năng, phẩm hạnh. 

Nếu đánh giá tài năng và phẩm hạnh từ sự thiếu trung thực, từ giả dối, "con số đẹp" để rồi sắp xếp, tạo nguồn trở thành những nhà quản lý, nhà lãnh đạo là một tai họa cho xã hội và cho dân tộc dài lâu.