Nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong trường phổ thông có khó không?

Nguyễn Khanh
22:34 - 02/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Có khi nào phong trào thi đua trong ngành giáo dục chỉ là hình thức? Phong trào không thực chất, người thi đua cũng không thoải mái.

Những năm qua, ngành giáo dục đã ban hành và hướng dẫn rất nhiều các phong trào thi đua đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường trong cả nước.

Những phong trào chính đối với giáo viên thường có nhiều người tham gia thì phải kể đến như: hội thi giáo viên dạy giỏi; hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; thi viết sáng kiến kinh nghiệm; thi làm đồ dùng dạy học; bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa…

Những phong trào thi đua dành cho học sinh ở các địa phương thường có: thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật; thi hội khỏe Phù Đổng; thi vẽ tranh; thi kể chuyện sách; thi hùng biện tiếng Anh; thi giải toán trên máy tính cầm tay….

Thế nhưng, có những phong trào thi đua ở một số địa phương tổ chức chưa thực sự minh bạch, công tâm, khách quan dẫn đến kết quả chưa công bằng nên nhiều giáo viên chán nản, học trò thất vọng.

Chẳng hạn, đối với phong trào thi giáo viên dạy giỏi mà ngành giáo dục đã tổ chức trong những năm qua cũng đã được báo chí phản ánh nhiều lần bởi mức độ dễ dãi và thậm chí có nơi, có trường còn để xảy ra hiện tượng giáo viên "diễn lại" trong hội thi. Vì thế, nhiều người ngao ngán, có cái nhìn ít thiện cảm đối với hội thi này.

Việc phát động phong trào thi viết sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường hiện nay cũng đang tồn tại vô vàn những bất cập. Hiện tượng các cấp lãnh đạo nhìn mặt chấm giải còn xảy ra ở một số địa phương, một số nhà trường.

Phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay ở một số địa phương cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện ở một số nơi để xảy ra hiện tượng giáo viên cốt cán ở một số nhà trường đóng một lúc nhiều vai khác nhau.

Họ vừa tham gia ôn thi học sinh giỏi, vừa ra đề cho huyện, vừa làm giám khảo kỳ thi. Thành ra, một số địa bàn xảy ra tình trạng học sinh giỏi đạt giải thường được gom về những trường mà có người ra đề, chấm thi.

Cuộc thi học sinh sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh thì nhiều trường học để xảy ra tình trạng giáo viên làm thay cho học sinh…

Trước những thật - giả lẫn lộn như vậy khiến cho các phong trào thi đua của ngành phát động trở thành một bức tranh nhiều sắc màu hỗn tạp. Các hội thi, cuộc thi đã tìm ra được nhiều nhân tố tích cực nhưng cũng có những người cơ hội, giả dối đạt giải.

Muốn nâng cao chất lượng các phong trào thi đua thì trước tiên phải trung thực

Công bằng mà nói, bản chất của các phong trào thi đua, các hội thi, cuộc thi trong ngành giáo dục đối với cả thầy cô giáo và học sinh không xấu và những tiêu chí đặt ra cũng khá rõ ràng.

Thi để tìm ra những thầy cô giáo là nhân tố tích cực, tiêu biểu làm nòng cốt trong giảng dạy ở các nhà trường là cần thiết và từ các phong trào này nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao, sự cố gắng của họ để nâng cao chất lượng giảng dạy, công tác trong từng đơn vị. Từ đó, có những chính sách khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho những người tham gia đạt giải.

Đối với các cuộc thi, kỳ thi dành cho học sinh cũng vậy. Mục đích là tìm ra những học sinh tiêu biểu để bồi dưỡng, định hướng các em phát triển tốt hơn cho tương lai. Đồng thời, những thành quả của học trò sẽ làm mục tiêu, động lực phấn đấu cho các lớp học khóa sau.

Muốn các hội thi, cuộc thi có chất lượng, chúng tôi cho rằng dù văn bản của Bộ hướng dẫn có hay đến đâu đi chăng nữa mà dưới cơ sở làm không trung thực, hình thức, chạy theo số lượng cũng làm giảm ý nghĩa của phong trào thi đua hiện nay.

Vì thế, để hướng đến các phong trào thi đua của ngành hiện nay cần thay đổi cách làm, cách thực hiện.

Thứ nhất: đối với hội thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi cần sàng lọc từ cơ sở. Thi thật, chấm thật theo đúng hướng dẫn của Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT từ những khâu đầu tiên. Việc cơ cấu người chấm thi cũng cần lựa chọn những người có đủ tâm, tầm để có thể nhận xét, đánh giá chính xác.

Thi viết sáng kiến kinh nghiệm thì cương quyết loại trừ những đề tài không có tính thực tiễn, lý thuyết sáo rỗng hoặc xin xỏ, coppy trên mạng internet.

Đối với người chấm sáng kiến kinh nghiệm phải đúng chuyên môn, không nhất thiết phải cơ cấu lãnh đạo Sở, Phòng, Ban giám hiệu đứng tên cùng làm giám khảo- nhất là những đề tài viết về chuyên môn thì nên cơ cấu những thầy cô có kinh nghiệm trong trường, trong hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh sẽ phù hợp hơn.

Những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải ở mỗi cấp sau khi chấm giải thì Hội đồng nén lại thành từng file gửi về các nhà trường để giáo viên tham khảo, học hỏi và đây cũng là cách để các trường đánh giá lại xem đề tài đó có được người thực hiện áp dụng trong công tác và giảng dạy hay không?

Thứ hai: đối với kỳ thi học sinh giỏi các cấp thì cương quyết nói không với tình trạng giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề, vừa đi chấm thi. Chỉ khi nào 3 khâu này được độc lập với nhau thì chất lượng thật mới đến, còn nếu vẫn xảy ra tình trạng này thì đừng nói đến chữ công bằng trong kỳ thi.

Các phong trào thi đua khác cũng vậy. Ban tổ chức phải lựa chọn những giám khảo có uy tín trong ngành, họ có đủ tầm "cầm cân nảy mực" và ít nhất là không liên quan đến đội nhà của mình để tránh thiên vị, tránh tình trạng nhìn mặt cơ cấu giải.

Thứ ba: các địa phương, nhà trường học hạn chế số lượng các hội thi, cuộc thi hiện nay và hướng tới chất lượng hơn là số lượng, tổ chức lấy phong trào, lấy số liệu để báo cáo. Bởi, những năm qua có nhiều hội thi, cuộc thi được tổ chức chồng lấn, nhàm chán như các cuộc thi vẽ tranh đối với học trò hàng năm. 

Riêng môn học này, mỗi năm có rất nhiều cuộc thi của nhiều đơn vị trong và ngoài ngành giáo dục phát động và tổ chức. Giáo viên dạy môn này rất cực và học trò tham dự cũng chẳng sung sướng gì.

Thứ tư: các hội thi, cuộc thi của giáo viên phải gắn liền với chất lượng giảng dạy trên lớp để đánh giá, xếp loại và xét thi đua giáo viên hàng năm.

Hiện nay, có hiện tượng giáo viên mỗi năm cố gắng "sưu tầm" 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải để xét thi đua. Vì thế, việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng giáo viên hàng năm nhiều khi chưa thực chất.

Các phong trào thi đua của ngành giáo dục chỉ được hưởng ứng tích cực khi giáo viên tự nguyện tham gia, họ cảm thấy phong trào đó thực sự hữu ích cho bản thân, cho đơn vị và trong thâm tâm của họ luôn thấy thoải mái.

Muốn thế, các hội thi, cuộc thi của cả thầy và trò - dù cấp nào tổ chức đi chăng nữa cũng phải tiệm cận dần với sự trung thực, khách quan, công tâm thì người tham dự mới có hứng thú tham dự. 

Để khi kết thúc các phong trào thi đua, không còn thị phi, bàn tán và day dứt mãi vì sự thiếu trung thực!