Xây dựng xã hội học tập cần điều nhân ái

Phạm Thanh Khương
10:48 - 14/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Để có một xã hội học tập, rất cần điều nhân văn. Lòng nhân ái không ở đâu xa, ở trong nhân dân, trong đời sống...

Trong suốt những ngày các sĩ tử căng thẳng "chiến đấu" với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông khiến bao gia đình cũng cuốn theo, lo lắng, chăm lo, cầu mong điều tốt đẹp, tôi cũng chỉ mong sao trẻ nhỏ của mọi nhà vượt qua kỳ thi, vươn tới chân trời mơ ước. 

Có một câu chuyện tôi muốn luận bàn về lòng nhân ái trong việc nâng đỡ sự học của trẻ nhỏ. Nhưng vì trong kỳ thi, không nên viết thành bài báo, sợ phân tâm các thí sinh. Nay vẫn thấy việc giáo dục là chuyện chăm lo lâu dài, thiết nghĩ vẫn phải nói lại dù việc có làm ai đấy cảm thấy "ngượng". Người xưa nói, việc cảm thấy xấu hổ thì nên kể lại, cũng coi là sám hối, "gánh nặng" lương tri sẽ giảm phần nào. 

Chuyện là, dịp gần ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ở xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, ông Phan Văn Tôn có ruộng dưa sắp đến ngày thu hoạch. Có 5 cháu học sinh trung học phổ thông thấy có ruộng dưa xuống lấy và bị người lớn nhắc nhở, mắng mỏ. Ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", bực tức vì bị mắng, sau đó, nhóm học sinh quay lại chặt phá, đập vỡ các quả dưa sắp đến kỳ thu hoạch của ông chủ ruộng.

Câu chuyện ruộng dưa bị phá nát ầm ĩ trên mạng xã hội, buộc cơ quan chức năng phải điều tra. 5 "đối tượng" phá ruộng dưa bị bắt giữ, chụp ảnh, bêu riếu. Câu chuyện phá ruộng dưa, "tài sản" của lão nông coi như đã an bài, các "đối tượng" chờ sự phán quyết của pháp luật.

Nhưng phản ứng sau đó của ông lão trồng dưa mới đáng nói. Khi biết trong số 5 "đối tượng" phá ruộng dưa của mình có 4 cháu đang chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì không biết chữ, dân gian gọi là "mù chữ", vợ chồng lão nông Phan Văn Tôn nhờ người viết đơn "xin" cơ quan điều tra "tha" cho các cháu để "chúng nó" về tham gia dự kỳ thi tốt nghiệp. 

Có người hỏi vì sao ông đi xin cho kẻ phá dưa. Ông thật thà mà rằng: "Ở đời ai chẳng có lúc mắc sai lầm và mình hãy cho họ một cơ hội sửa sai, nên người". Đây là bài học không chỉ cho các "đối tượng" phá dưa mà còn cho bao người về cách ứng xử "tay bầu tay bí" trong đời sống hiện tại khi mọi người chợt vỡ òa: lòng tốt và sự tử tế trong đời sống bây giờ vẫn còn đó, tuy là rất hiếm. 

Cũng thời điểm này, có một câu chuyện xảy ra ở trường Trung học phổ thông Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Việc xảy ra ở nơi dạy chữ, dạy người, nơi dạy trẻ cả đạo đức làm người, gần đến ngày thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, kết thúc chặng đường 12 năm đèn sách, có 9 học sinh bị giữ lại giấy báo thi. 

Lý do là 5 em chưa đóng tiền học thêm và 4 em chưa đóng học phí ôn thi tốt nghiệp. Vấn đề "xét cho đến cùng" lại quay về tiền. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, việc dạy thêm, học thêm là sai quy định. Hiện Đồng Tháp chưa cho phép giáo viên dạy thêm ở tất cả cấp học.

Sai đến đâu xử lý đến đó, nhưng ở trường Trung học phổ thông Thành phố Sa Đéc còn chuyện "thủ kho to hơn thủ trưởng". Ấy là, nhân viên thư viện được Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thành phố Sa Đéc phân công phát giấy báo dự thi tốt nghiệp "tự ý" giữ lại. Một điều rất "lấy làm lạ" là, học thêm, dạy thêm, sao lại liên quan đến cô thủ thư? Nhân viên thư viện chứ đâu phải kế toán nhà trường? Liệu có "liên minh" riêng giữa hiệu trưởng, thày cô giáo và nhân viên thủ thư để tổ chức dạy và học thêm không? 

Thôi thì cứ cho là, thời buổi khó khăn "gạo châu củi quế", việc kiếm được đồng tiền dạy thêm, học thêm nó nhọc nhằn nên phải áp dụng "biện pháp mạnh" để học sinh học rồi "không chạy làng". Nhưng càng nghĩ thế, những người đang và đã làm thày càng thấy xấu hổ không để đâu cho hết.

Một nông dân "mù chữ", thu nhập chỉ trông chờ vào thu hoạch từ mảnh ruộng dưa, chút tiền có được cả vụ bị phá hỏng, coi như thất thu. Ấy thế mà, họ vẫn nghĩ đến tương lai dài lâu cho các cháu, nhờ người viết đơn xin cơ quan pháp luật "tha" cho về thi và để phần đời sau này cho các cháu bước tiếp. 

Còn ở trường Trung học phổ thông Thành phố Sa Đéc, lại lấy chữ "làm tin" để khống chế người học. Giáo dục cải cách đề cao việc dạy người không chỉ dạy kiến thức mà còn chú trọng dạy "đạo đức công dân". Đằng này, thày cô ngáng trở học trò đi thi theo lối "ngoài luồng", lý do lại càng không chấp nhận được. Nếu Sở Giáo dục và đào tạo không kịp "ra tay", liệu 12 năm học của các cháu và công lao chăm lo của gia đình có đổ sông, đổ bể?

Ứng xử như thế có bằng một lão nông "mù chữ" không? Đến đây có thể nói, ứng xử nhân văn, nhân ái mới mong có được "xã hội học tập". Còn đem thói "anh chị" vào giảng đường, "xiết nợ" niềm tin thì bảo sao xã hội cứ sản sinh ra những kẻ phá dưa, thiếu nền tảng đạo đức, thừa thói du côn. 

Là một giáo viên, cũng trải qua đứng lớp, cũng từng làm cán bộ quản lý giáo dục. Khi biết câu chuyện của lão nông Phan Văn Tôn, tôi "nở từng khúc ruột", mừng cho các cháu và cảm phục ông lão nông dân. Điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu trong nhân dân, trong từng con người. Nhưng khi đọc thông tin về Trường Trung học phổ thông Thành phố Sa Đéc, quả là không có "lỗ nẻ để chui" vì thấy xấu hổ thay cho những người "biết chữ" nơi đây.

Người xưa nói rằng ứng xử có văn hóa không phụ thuộc người có chữ hay mù chữ, kẻ giàu hay nghèo, học cao hay thấp. Nó phụ thuộc vào sự nhân ái và sự tự trọng của mỗi người.