Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Giáo dục chủ động đề xuất cơ chế học phí và tự chủ giáo dục

TTH
13:24 - 12/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và nhiều đại biểu lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực giáo dục; các ban ngành và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học
2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Giáo dục chủ động đề xuất cơ chế học phí và tự chủ giáo dục - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. 

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. 

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá kết quả đạt nước trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới. 

Ngành Giáo dục tổng kết 9 kết quả nổi bật của năm học vừa qua như sau: Hoàn thành mục tiêu kép triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học; Củng cố, duy trì chất lượng giáo dục các cấp học; Triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; Quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất, y tế trường học và giáo dục quốc phòng, an ninh; Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành; Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập". 

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 - Ảnh 3.

Điểm cầu trực tuyến tại Hải Phòng tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và đào tạo

Tại các điểm cầu, các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tổng kết những nỗ lực, dấu ấn trong năm học vừa qua: Tiền Giang, tỉnh đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho học sinh đi học trực tiếp an toàn; Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực vượt khó trong năm học đặc biệt tổn thương vì COVID-19; Đà Nẵng đẩy mạnh tăng cường các hoạt động ngoại khóa khi mở cửa toàn diện trường học; Hải Phòng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục; Đắk Lắk lần đầu có dự án khoa học kỹ thuật dự thi quốc tế; Nghệ An có nhiều mô hình giáo dục đột phá; Hà Nội ra đời trung tâm giáo dục thông minh, vận hành tốt hệ thống tuyển sinh trực tuyến...

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển Giáo dục và Đào tạo, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời.

Đồng thời, đổi mới quản lý nhà nước trong giáo dục, chủ động phòng thiên tai dịch bệnh, tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục và giáo viên, thu hút đầu tư giáo dục, đẩy mạnh tự chủ đại học, quyết liệt chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, hội nhập quốc tế, truyền thông giáo dục...

Ngành Giáo dục cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành Giáo dục đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. 

Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và nhân dân luôn yêu cầu về giáo dục rất cao. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên luôn được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục cũng đang phải nỗ lực thực hiện đổi mới về sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng luôn gặp phải nhiều vấn đề xoay quanh chuyện thi cử, học thêm dạy thêm, sách giáo khoa... Bởi còn có sự chưa trung thực trong giáo dục, và ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề. 

Việc học trực tuyến chất lượng đương nhiên không thể bằng học trực tiếp vì dịch COVID-19. Giáo viên trường ngoài công lập cũng bị ảnh hưởng. 

Giáo dục là quá trình liên tục và có nhiều đầu việc phải làm, quan trọng là giữ vững tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đưa môn Giáo dục thể chất vào trường phổ thông, bảo đảm thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả đức - trí - thể - mĩ. 

Tiếp theo, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Cần đổi mới quản lý nhà nước từ đổi mới về quản trị trong trường phổ thông và trường đại học, xây dựng môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học. 

Ngành Giáo dục cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục.