Ban Đại diện cha mẹ học sinh - cần đưa về đúng chuẩn mực

Nguyễn Khanh
06:59 - 08/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều năm qua, việc xóa bỏ hay giữ Ban Đại diện cha mẹ học sinh vẫn có những ý kiến tranh cãi chưa có hồi kết. Vào năm học mới, việc bầu chọn những người vào ban này lại được nhắc tới.

Ban Đại diện cha mẹ học sinh giống như "bình phong" hợp pháp cho những khoản thu ngoài danh mục

Nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đời của Ban Đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục, nhằm giúp cho học sinh được học tập tốt hơn. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động chủ yếu của Ban Đại diện cha mẹ học sinh là đứng tên vận động các khoản xã hội hóa giáo dục thay cho hiệu trưởng nhà trường.

Họ giống như những "diễn viên đóng thế" cho các nhà trường khi thường đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng góp khoản thu. Khi xảy ra sự cố thì hiệu trưởng nhà trường sẽ ngay lập tức "chuyền bóng" vào chân của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

Thành ra, Ban Đại diện cha mẹ học sinh giống như "bình phong" hợp pháp cho các khoản thu ngoài danh mục. Họ chỉ xuất hiện vào đầu năm học để vận động đóng góp, khi nhà trường cần chi tiền thì thông qua hoặc đứng ra nhận thay trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường.

Ngày 4/8, tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, Nghệ An, Phòng đã chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường Ttiểu học Đội Cung làm rõ việc Ban Đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi góp tiền "chọn giáo viên tốt dạy con". 

Trước đó, các phụ huynh có con học tại trường này có chia sẻ việc họ được đề nghị góp 300 ngàn đồng để chọn giáo viên dạy tốt cho con mình lên lớp 2.

Ngay sau đó,  Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cung xác nhận sự việc có thật, xảy ra trong nhóm phụ huynh lớp 1A của trường. Hiệu trưởng cho rằng đây là ý kiến của 21 phụ huynh trong lớp và đến nay đã có 3 phụ huynh nộp tiền.

Ngày 4/8, Trường Tiểu học Đội Cung đã yêu cầu Hội Phụ huynh học sinh trả lại tiền cho phụ huynh vì "nhà trường không có chủ trương cho giáo viên, phụ huynh chọn giáo viên dạy tốt". 

Khi thông tin này chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến bức xúc, thậm chí có những ý kiến cho rằng tình trạng này cũng diễn ra ở không ít trường. 

Bầu Ban Đại diện cha mẹ học sinh là cả một... nghệ thuật

Thông thường, vào năm học mới khoảng 2 tuần thì các nhà trường sẽ triển khai họp phụ huynh ở các lớp nhằm thông báo những nội quy của nhà trường đến phụ huynh.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong buổi họp này là thông báo các khoản đóng góp của học sinh trong năm học và bầu Ban Đại diện phụ huynh của lớp (3 người).

Sau khi họp phụ huynh các lớp, nhà trường sẽ tiến hành họp ban đại diện Ban Đại diện cha mẹ học sinh toàn trường (mỗi lớp 3 đại diện). Và, tất nhiên tiêu chí, phương châm của nhà trường hướng tới trưởng ban, các phó ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và nhà trường phải là những… người giàu có, thanh thế và có địa vị, uy tín trong cộng đồng. Nhất là những người này thường là chỗ quen biết, thân tình với giám hiệu nhà trường.

Vì sao nhà trường lại cần người nằm trong Ban Đại diện cha mẹ học sinh là những người quen thân và có điều kiện về kinh tế? Bởi vì, khi nhà trường khởi xướng các khoản "xã hội hóa" thì các vị này không chỉ thay mặt nhà trường đứng ra kí tên, kêu gọi cha mẹ học sinh trong nhà trường đóng góp và tất nhiên nếu là chỗ quen thân thì ban giám hiệu họ "dễ lái". Điều quan trọng nữa là bản thân các vị này thường là những người "gương mẫu" đóng góp nhiều và đóng góp đầu tiên.

Nếu bầu những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn vào Ban Đại diện cha mẹ học sinh thì bản thân những phụ huynh này họ cũng không muốn làm vì ai cũng biết các vị trí này thường rất nhạy cảm và nếu làm là phải đem lại hiệu quả công việc cho nhà trường. Vào Ban Đại diện cha mẹ học sinh thường phải "gương mẫu" trong việc vận động đóng góp "tự nguyện" mà cũng sẽ là người thường phải đứng ra nhận trách nhiệm thay ban giám hiệu nhà trường khi có sự cố.

Chính vì vậy, nhà trường cũng đã cân nhắc, nhắm những phụ huynh vào Ban Đại diện từ khi chưa tiến hành họp phụ huynh vì danh sách, lý lịch học sinh, nhà trường đã nắm rất rõ và có nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi mời họp. Vì thế, những phụ huynh nằm trong Ban Đại diện cha mẹ học sinh thì tiêu chí đầu tiên phải là người đó… không nghèo và hết lòng vì nhà trường.

Tình trạng lạm thu xuất hiện nhiều nhất vào đầu năm học

Từ lâu, tình trạng lạm thu ở nhiều trường học mầm non, phổ thông trên cả nước đã diễn ra khá phổ biến - kể cả 2 năm học vừa qua khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp ở nhiều địa phương nhưng chuyện tiền trường vẫn được duy trì đều đặn.

Một số ban giám hiệu nghĩ ra nhiều khoản thu, nhiều khoản đóng góp "tự nguyện" từ chuyện đánh trống trường, vệ sinh lớp học, trông xe, nước uống, đến những chuyện lớn như máy lạnh, rèm cửa, sửa chữa điện, bể bơi, vườn cảnh, tường rào, quà cho thầy cô ngày lễ, tết…

Mỗi năm học luôn có nhiều trường học bị báo chí "điểm danh" về những lùm xùm xung quanh việc thu tiền ngoài danh mục. Nhưng một điểm chung nhất là các hiệu trưởng thường phát biểu là họ đều… không biết vì các khoản đóng góp. Các đầu công việc này đều do Ban Đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức làm. Nhà trường chỉ nhận các hạng mục công việc khi đã hoàn thành mà cha mẹ học sinh... tặng cho nhà trường.

Truy xét các khoản đóng góp có thể thấy, nhiều phụ huynh nghèo mà lại có các khoản góp lớn vào để Ban Đại diện cha mẹ học sinh "tặng" các hạng mục cơ sở vật chất và "tự nguyện" đóng các khoản tiền để phục vụ cho mục đích của nhà trường.

Đằng sau đó là việc ban giám hiệu và chủ yếu là hiệu trưởng nhà trường "mượn tay" Ban Đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động phụ huynh trong nhà trường đóng góp thì ai cũng biết.

Năm học mới lại bắt đầu, những việc mà BanĐại diện cha mẹ học sinh thường làm lại tái diễn. Một số phụ huynh được bầu vào Ban Đại diện cha mẹ học sinh vì nể nang nhà trường nên đồng ý đứng ra ký tên vào các kế hoạch vận động hoặc thư ngỏ (do nhà trường viết sẵn)…

Vậy nên, chuyện lạm thu vẫn liên tục xảy ra ở nhiều trường học và chúng ta vẫn thấy một điều là các hiệu trưởng nhà trường – người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm người đúng đầu trong việc lạm thu ở nhà trường thì thường ít khi bị nhắc tới - cho dù số tiền vận động mỗi năm của một số trường học không hề nhỏ chút nào.