Viết lên trang giấy trắng giáo dục

Phạm Thanh Khương
10:10 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục là quá trình in hằn những kiến thức vào tiềm thức con người. Quá trình ấy in lỗi, in sai hỏng mà đưa vào giảng dạy chuẩn quy thì tránh sao khỏi hình thành những con người có nhận thức thiếu sót, lệch chuẩn.

Cho đến lúc này, nói về việc in sách giáo khoa người "biết" chữ không tránh khỏi tiếng thở dài.

Kể từ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, dường như trong các khâu từ giáo dục phổ thông cho đến đào tạo bậc học cao và nhất là công tác biên soạn sách giáo khoa vẫn mang đến cho nhiều người sự băn khoăn, lo lắng.

Từ chuyện "thi" đầu vào lớp 1, "làm đơn tự nguyện" không dự thi vào Trung học phổ thông rồi học thêm "tự"nhưng mà không "nguyện" khiến phụ huynh rối "vã mồ hôi" lo cho con khi vào tuổi đi học phổ thông và chuyển cấp. Mầm non tuổi đến lớp, bậc học phổ thông đầu đời, cái lứa tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". 

Câu chuyện này thực ra không có gì mới, nó có từ lâu và đã được giới báo chí, truyền thông điểm tên vào hai căn bệnh nhiêu khê của giáo dục đào tạo lâu nay là "bệnh" thành tích và hình thức.

Về công tác đào tạo bậc học cao, có chuyện "cười" ra nước mắt vì những luận án nghiên cứu "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", "Tắm giặt cho chiến sĩ miền núi", "Hành vi ngôn ngữ thề của người Việt", "Nghiên cứu nhận thức của sinh viên Đại học sư phạm về sức khỏe sinh sản".…Những luận án như thế này bảo vệ xong không biết để làm gì. Nghiên cứu thiếu tính ứng dụng, vô bổ mang lại cái nhìn thiếu thiện cảm của công chúng với giáo dục bậc cao. 

Từ chuyện giáo dục đến đào tạo, không chỉ người trong ngành mà đến cả xã hội đôi khi "phát sốt" vì những câu chuyện "thật như đùa", "vui… chảy nước mắt". Song có lẽ, điều làm công chúng "sốt phát ban" có lẽ là việc biên soạn 3 bộ sách giáo khoa hiện nay "Cánh diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo". 

Trong bộ Kết nối tri thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách lớp 1 bỏ không dạy âm P (pờ). Ở lớp 1 bộ Kết nối của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đưa bài thơ "Bắt nạt" vào giảng dạy chương trình cũng gây xôn xao về chất lượng biên soạn. Gần đây, một cô giáo đã "dày công nhặt sạn" trong phần Sinh học của sách Khoa học Tự nhiên lớp 6, chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ Kết nối tri thức. Chỉ riêng nội dung Sinh học mà đã có "hàng đống lỗi" về kiến thức. 

Trang 71, dòng 10 từ dưới lên viết: "Mỗi khi bạn chải răng hay súc miệng có hàng nghìn tế bào chết và bị tổn thương được thải ra và cần được thay thế". Vừa sai vừa diễn đạt khó hiểu. Có chăng là: "Mỗi khi bạn chải răng hay súc miệng, có hàng nghìn tế bào chết hoặc tế bào bị tổn thương được thải ra và cần được thay thế". Hoặc trang 90, dòng 5 từ trên xuống, sách viết: "Khi đi vào một khu vườn rộng, em bắt gặp rất nhiều loài sinh vật khác nhau bao gồm thực vật, động vật, nấm,..." Khi đọc, ai cũng biết, thực vật, động vật, nấm không phải là 3 loài sinh vật, đây là 3 giới sinh vật. Hơn nữa, ta chỉ có thể gặp một hoặc một số cá thể sinh vật, không phải gặp "loài sinh vật". Người Việt hay mắc lỗi diễn đạt đến suốt đời không sửa được phải chăng là do từ trong nhà trường phổ thông, việc dạy diễn đạt đúng ngữ pháp không được xem trọng. 

Nói đến giáo dục là nói đến sự chuẩn mực. Cái gốc của quá trình hình thành nhân cách đến kiến thức, kỹ năng, kỹ nghệ, kinh nghiệm từ thế hệ này truyền cho thế hệ sau thông qua giảng dạy, đào tạo hay nghiên cứu. Đó cũng là quá trình khuyến khích, định hướng và hỗ trợ mỗi cá nhân phát huy tối đa ưu điểm và năng lực bản thân, giúp người học trở thành chính mình, qua đó đóng góp được tối đa cho xã hội và thỏa mãn được quan điểm, thế mạnh của bản thân. Vì thế mới nói đầu từ cho giáo dục là sự đầu tư dài hơi, trường vốn và "có lãi nhất".

Một xã hội phát triển là xã hội có nền giáo dục tiên tiến. Nhìn lại những gì diễn ra từ hoạt động giáo dục phổ thông đến đào tạo bậc học cao và chất lượng biên soạn sách giáo khoa còn lộ cộ, quá nhiều sạn. Học tập, giáo dục là nhu cầu của mỗi con người. Khi nhu cầu cấp thiết mà chỉ tiếp cận được với "chất lượng" kiến thức chưa chuẩn, còn nhiều sai sót, đương nhiên, "sản phẩm" con người từ giáo dục, đào tạo mang lại cũng sẽ là những "sản phẩm lỗi". 

Khắc phục "lỗi sản phẩm" nhân lực đâu dễ! Khác gì tờ giấy trắng đã "vấy mực" làm sao có thể tẩy sạch như ban đầu, những trang giấy chưa in. 

Bình luận của bạn

Bình luận