Băn khoăn về từ ngữ, văn bản trong sách Ngữ văn 6

Nguyễn Khanh
17:07 - 09/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên cấp trung học cơ sở thực hiện giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6. Tuy nhiên, từ ngữ, lựa chọn văn bản và đơn vị kiến thức vẫn gây ra một số băn khoăn.

Khi đọc cả ba bộ sách Ngữ văn 6 gồm Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, có thể cảm nhận tác giả biên soạn, minh họa giữa kênh chữ và kênh hình khá hài hòa và đẹp mắt. 

Tôi chỉ xin trình bày một số băn khoăn về từ ngữ, lựa chọn văn bản và đơn vị kiến thức trong sách Ngữ văn 6 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Từ ngữ địa phương nhạy cảm, khó hiểu

Sách Ngữ văn 6, tập 1 có nội dung bám sát vào chương trình môn học và lựa chọn nhiều tác phẩm khá hay. Trong đó, có những tác phẩm kế thừa từ sách giáo khoa Ngữ văn 6 hiện nay (chương trình 2006) và đưa vào thêm nhiều văn bản mới… Vấn đề phát sinh chính là từ những phần "mới" này. 

Theo đó, trong sách có một số văn bản có những từ ngữ khó, thậm chí là khá nhạy cảm. Trong trường hợp học trò đề nghị giải thích từ ngữ, giáo viên cũng khó có thể giải thích đến nơi đến chốn. 

Ví dụ, văn bản Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam ở trang 71 có những từ ngữ khá nhạy cảm. Đó là ngữ cảnh khi nhân vật Sơn hỏi người vú già: "Thế bây giờ làm thế nào, hở vú?". 

Theo chú thích ở trang 68 của sách Ngữ văn 6, vú già là "Cách gọi người phụ nữ có tuổi đã từng đi ở để có trẻ bú trong xã hội cũ". Đây là một từ không còn được sử dụng trong thời đại ngày nay. Nói cách khác, có nhiều từ ngữ đã hết vai trò (còn gọi là tử ngữ) khiến học trò khó hiểu và giáo viên cũng khó giải thích. 

Thêm vào đó, khi đọc văn bản đến từ"hở vú" rất dễ suy diễn là phần ngực của người phụ nữ không được các lớp áo che lại kín đáo nên để hở ra bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

Như vậy, từ "vú" là chỉ "người vú già" trong truyện, nhưng khi đọc từ "hở vú" ở câu văn này, người đọc lại dễ hiểu lầm sang hướng khác. 

Khi biên soạn sách, có thể thay từ "hở" sang một từ đơn giản thành "hả", vừa đúng chính tả, lại phù hợp hơn.

Hơn nữa, từ "vú" với định nghĩa là "người phụ nữ có tuổi đã từng đi ở để có trẻ bú trong xã hội cũ" hiện nay không còn dùng nữa, đặc biệt, người miền Trung, miền Nam hoàn toàn không hiểu từ này. 

Trường hợp này có thể cân nhắc giữa tôn trọng tính nguyên gốc của văn bản và biên soạn phù hợp với trình độ của học sinh lớp 6. 

Đưa văn bản lớp 8, lớp 9 xuống lớp 6, có làm khó học sinh?

Sách Ngữ văn 6 còn có 2 văn bản nước ngoài đang được dạy ở lớp 8 và lớp 9 được tác giả sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống đưa vào. Đó là văn bản Cô bé bán diêm của nhà văn Hans Christian Andersen (Đan Mạch) ở lớp 8 và bài thơ Mây và Sóng của R.Tagore (Ấn Độ). 

Thực ra, ai cũng nhìn thấy đây là những tác phẩm văn học tiêu biểu được khẳng định qua thời gian. Nhưng những tác phẩm này khi được đưa xuống lớp 6, học sinh rất khó hiểu hết cái hay của văn bản. Cho dù, mục tiêu của chương trình 2018 đối với môn Ngữ văn ở những tác phẩm này chỉ dừng lại ở giới hạn "đọc hiểu", thì những tác phẩm này vẫn làm khó học trò.

Chẳng hạn bài thơ Mây và Sóng của R.Tagore đang được bố trí dạy ở giữa học kỳ II của lớp 9. Nhưng trong sách Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Mây và Sóng được bố trí ở bài số 2, học kỳ I, khi học sinh mới bước vào cấp trung học cơ sở. Cho dù đây là một bài thơ ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng nó vẫn là tác phẩm có nhiều tầng nghĩa khác nhau. Nhất là thể thơ văn xuôi, nên hiện nay học sinh lớp 9 học cũng đang thấy khó tiếp cận. Vậy đưa xuống lớp 6, liệu các em có thể học nổi không? 

Cũng chủ đề này, sách Cánh Diều đưa đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng nên gần gũi và dễ cảm hơn bài thơ Mây và Sóng của R.Tagore.

Nhìn lại 5 bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của năm học 2020 - 2021, dư luận xã hội đã phản ánh về "sạn" và các đơn vị chủ quản đã phải đính chính, phát hành tài liệu bổ sung và đã chỉnh sửa, phải khắc phục. Đến năm học 2021 - 2022, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã "trình làng" và đến với đội ngũ nhà giáo và các em học sinh trên cả nước và vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Viết sách giáo khoa đã khó, viết sách Ngữ văn lại càng khó hơn. Và những thầy cô giáo dạy Ngữ văn trong bối cảnh hiện nay cũng không hề dễ dàng khi mà một bộ phận học sinh không còn thích thú với môn học này nữa. Học sinh lớp 6 còn nhỏ, không nên đưa những bài thơ có nhiều tầng nghĩa, những văn bản có những từ ngữ khó, quá dài, hoặc nhiều từ địa phương vào.

Sách giáo khoa Ngữ văn 6 (cả 3 bộ) dù cách tiếp cận hay, mới, nhưng chúng tôi cho rằng vẫn khá nặng so với lứa tuổi 12.

Vì thế, giáo viên chúng tôi chỉ mong rằng những văn bản trong sách giáo khoa cần nhẹ nhàng, ngắn gọn, sử dụng những ngữ liệu hay, dễ hiểu, dễ cảm. Những tác phẩm khó, trúc trắc câu từ, vần điệu, những câu từ khó hiểu không nên đưa vào để tạo sự thích thú cho học trò và cả cho người dạy.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả!