"ETC - Né, nói hay và nhiều lỗi"- Bài 2: Công bằng cho người dân ở đâu?

Nhóm PV
15:12 - 28/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đối với công chúng, việc triển khai ETC (thu phí điện tử) là một bước ngoặt về tiêu dùng, lối sống hiện đại và giao thông văn minh.

  >>  Bài 1: Ngành giao thông từng nhiều lần xin lùi
  >>  Bài 3: Lỗi ETC đang gây ức chế cho nhiều lái xe
  >>  Bài 4: Công ty TNHH Thu phí tự động VETC "làm xiếc" và hành dân?
  >>  Bài 5: Ai phải chịu trách nhiệm về sự cố và pháp lý trong vận hành hệ thống ETC?

ETC – Thu phí điện tử là vấn đề đã từng được quan tâm bậc nhất trong trong Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 15 vào tháng 6 vừa qua. Việc nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về các dự án BOT, việc triển khai ETC cho thấy đối với công chúng, mốc thời gian để vận hành toàn bộ các tuyến cao tốc theo phương thức điện tử tự động không dừng là một bước ngoặt về tiêu dùng, lối sống và giao thông văn minh.

Lùi, chậm trên xa lộ điện tử

Trả lời việc đầu tư khai thác kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT có lợi ích nhóm không, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là dự án liên quan tới người dân. Vì vậy, không chỉ cơ quan quản lý, cơ quan giám sát và cả người dân cũng rất quan tâm. Vì vậy việc này phải cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.

ETC và lời hứa công bằng cho nhà đầu tư và người dân - Ảnh 2.

Trạm thi phí Long Phước trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Giây vừa áp dụng thu phí tự động không dừng từ 26/7. Ảnh: VETC

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lý giải trước đây Bộ xác định thời điểm hoàn thành thu phí tự động vào năm 2019, theo Đề án của Chính phủ đã giao. Theo đó, mỗi một trạm BOT ít nhất là 2 làn xe thu phí tự động. Tuy nhiên, từ năm 2019 cho đến nay, việc thực hiện thiếu kiên quyết, triển khai nửa vời cho nên mỗi nơi chỉ làm 1 đến 2 làn ETC trên tổng số nhiều làn.

Nếu dán thẻ không được nhiều thì việc đi trên các làn đường này cũng khó khăn - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu lý do. Thực hiện dán thẻ từ năm 2016 đến tháng 6/2022 mới được 3,2 triệu ô tô. Vì vậy, tiến độ thực hiện cũng phải từng bước mở rộng dần ra, chứ không thể nào không có thẻ, chưa dán thẻ mà đã làm nhiều hạ tầng kĩ thuật thì cũng không thể nào sử dụng được.

Không chỉ tiến tới xã hội làm chủ cuộc sống số, việc thu phí không dừng ở các dự án BOT có mục đích quan trọng hơn đó là làm minh bạch tài chính trong thu phí giao thông. Điều này cho thấy cơ sự của việc trì hoãn triển khai thu phí không dừng gần như đã rõ.

Quan trọng hơn, đã từng lần lữa, đi lùi trong xa lộ điện tử, thì giờ đây, thời điểm 1/8 đã đến, cả nhà quản lý, nhà đầu tư BOT và tài xế cùng "xếp hàng ngay ngắn" để qua trạm thu phí không dừng đã điểm. Vậy thực trạng ra sao?

Vừa đầu tư hạ tầng vừa kinh doanh dịch vụ ETC?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT trừ trạm của Tổng Công ty Đường cao tốc phải lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn. Đến 31/7 sẽ hoàn thành toàn bộ lắp các trạm thu phí đầy đủ ở tất cả các làn đường. Một số trạm có làn ở 2 bên để xử lý tình huống khẩn cấp, ưu tiên; còn lại các làn khác sử dụng thu phí không dừng.

Việc thí điểm thu phí không dừng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6/2022 được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là thành công. Từ cơ sở đó, mở rộng cho các tuyến cao tốc khác và tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống. 

Tuy nhiên, dù không ít thời gian chuẩn bị thì đến lúc phải vận hành toàn bộ các tuyến cao tốc, vẫn còn lỗi kỹ thuật hệ thống rất nhiều và cảnh ùn tắc dập dìu qua trạm lại tái diễn.

ETC và lời hứa công bằng cho nhà đầu tư và người dân - Ảnh 3.

Thời gian không còn nhiều, cả nhà cung cấp dịch vụ và các tài xế đều mong đợi việc thu phí tự động hoàn toàn trên 4 tuyến cao tốc. Ảnh: VETC

Điều đáng chú ý là dịch vụ thu phí tự động ETC tích hợp nhiều công nghệ, trong đó được áp dụng công nghệ sóng radio để có thể nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ E-tag. Thẻ từ này thường được dán lên kính hoặc đèn xe ô tô. Nếu dán chồng lên nhau hoặc bóc ra dán lại thì thẻ sẽ mất nhận diện sóng từ. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc nhận diện thẻ từ. 

Cả 2 nhà cung cấp dịch vụ đều bị kêu ca

Chiếc thẻ E-tag sẽ tích hợp thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và truyền dữ liệu về máy tính, tự động đối chiếu thông tin và tài khoản để trừ tiền phí.

Nhà cung cấp dịch vụ - Công ty thu phí điện tử tự động VETC khẳng định: tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như nạp trực tiếp, qua mạng internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại. Nhưng ngay tại Trạm thu phí Long Phước, trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây, vào ngày 26, 27 và sáng 28/7 các tài xế nói họ đã nạp tiền nhưng tài khoản không hiển thị. Họ mong muốn được nạp tiền mặt, hoặc nạp tiền qua số điện thoại. Vì có nhiều tài xế chuyên nghiệp là người lao động thời vụ, họ không có tài khoản ngân hàng để chuyển số dư sang tài khoản ETC.

Các tài xế nói dù bên dịch vụ quảng cáo là dán thẻ trước 1/8 không mất phí dán thẻ (sau thời điểm này phí dán thẻ E-tag là 120 ngàn đồng) nhưng sau khi nạp tiền thì số dư vẫn bị trừ tiền phí. 

Như vậy, chưa thể nói hệ thống thu phí điện tử đã trơn tru trước thời điểm 1/8 trên 4 tuyến cao tốc đã định sẵn cho kế hoạch thu phí không dừng toàn bộ.

Hiện nay, có 2 nhà cung cấp dịch vụ dán thẻ E-tag thu phí không dừng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam. Nhiều tài xế phản ánh họ đi dán thẻ của công ty này thì mới té ngửa là số điện thoại của họ đã dùng để đăng ký dịch vụ của công ty kia mà họ không hề biết. 

Rất nhanh, khách hàng nhận ra họ đã mất quyền lựa chọn dịch vụ trong thời đại định danh điện tử và ngay cả quyền và lợi ích người tiêu dùng cũng tự động được nhà cung cấp dịch vụ lựa chọn. 

Mặt khác, cũng chính những khách hàng phát hiện ra, những thẻ bị lỗi và hệ thống không đọc đều thuộc 2 nhà cung cấp là Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC. Câu hỏi đặt ra là sự chênh nhau về hạ tầng kỹ thuật trong hệ thống thu phí tự động không ăn khớp là xuất phát từ nguyên nhân nào?

Trong số các bên lợi ích mà ngành giao thông vận tải từng khẳng định duy trì là sự công bằng quản lí, khai thác và sử dụng. Tuy nhiêm, hiện nay sự khiếu nại về mức độ phiền toái nằm ở phía người sử dụng - công chúng. Mất quyền lựa chọn, trả tiền trước và nhận lại dịch vụ "lởm khởm" - câu chuyện về khai thác hiệu quả các dự án BOT vẫn còn phải bàn, bởi nó khác xa với những lời hứa của các nhà đầu tư. 

Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi ô tô không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể:

Điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Ngoài ra, tài xế khi đi sai vào làn đường ETC tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.