"ETC - Né, nói hay và nhiều lỗi!"- Bài 1: Ngành giao thông từng nhiều lần xin lùi
Từ ngày 1/8/2022, các tuyến cao tốc triển khai thu phí không dừng hoàn toàn. Đây là tiền đề để triển khai toàn bộ việc thu phí đường bộ và nhiều loại phí khác trên toàn quốc không dùng tiền mặt. Nhưng, việc triển khai ETC (thu phí điện tử) vừa chậm, vừa lỗi gây thất vọng trước "giờ G"
Thực hiện Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, từ 1/8/2022, các tuyến cao tốc sẽ triển khai thu phí tự động hoàn toàn.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý, vận hành 4 tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Công ty VEC cho biết, toàn bộ 4 tuyến cao tốc này sẽ thu phí hoàn toàn tự động bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/8.
Như vậy chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm các xe nếu không dán thẻ ETC (thu phí điện tử) đi vào cao tốc thì người điều khiển ôtô sẽ có thể đối diện với mức phạt từ 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Điều đáng nói là mốc 1/8 đang tới gần, nhưng tỉ lệ dán thẻ mới chỉ đạt khoảng 60%. Một tuần cao điểm trước 1/8, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC (Công ty TNHH thu phí tự động VETC) và VDTC (thuộc Viettel) đã tổ chức "ngày hội dán thẻ". Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, nhiều xe ô tô qua trạm vẫn không mặn mà với việc dán thẻ, vì vẫn có thể trả tiền mặt khi qua.
Nước tới chân… chưa nhảy
Nhiều công dân phản ánh, gần đây khi đi vào đường cao tốc, các thẻ ePass mới dán chưa nhận diện hệ thống, hoặc lỗi kỹ thuật. Khi đi vào cao tốc, họ vẫn phải trả tiền mua vé trong khi thẻ ePass đã dán và tiền đã nạp tài khoản.
Thực tế là có nhiều lái xe tỏ ra không biết rõ về chủ trương này. Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây bắt đầu thu phí tự động từ 26/7. Lập tức các phương tiện ùn ứ trước trạm vì nhiều xe không dán thẻ đi vào làn ETC buộc phải chuyển qua làn trả tiền mặt.
Chiều tối 27/7, hàng ngàn xe cộ nối đuôi nhau di chuyển rất chậm trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hướng từ Đồng Nai đến trạm thu phí Long Phước. Việc ùn tắc do lái xe chưa dán thẻ và dán thẻ rồi nhưng tài khoản thiếu tiền. Có xe dán thẻ rồi, tài khoản đủ tiền vẫn phải dừng để nhân viên kiểm tra xem hệ thống làm việc có chính xác không (!)
Nhiều người có dịp cười mỉa về công bố của VEC rằng việc đưa công nghệ thu phí tự động ETC vào sử dụng nhằm rút ngắn thời gian qua trạm, từ 36-72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) xuống 6-12 giây (bằng phương pháp thu phí không dừng ETC), tốc độ phương tiện qua trạm theo đó tăng gấp 6-7 lần, góp phần quan trọng giải toả tình trạng ùn ứ, chờ đợi khi qua trạm Long Thành - Dầu Giây. Với cảnh ùn ứ như tối 27/7 trên tuyến cao tốc này, bao giờ mới nhanh được như tuyên bố?
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, sau ngày 31/7, nếu trạm thu phí nào chưa lắp đầy đủ làn thu phí ETC, vẫn còn làn hỗn hợp thu tay và còn hiện tượng ETC kết hợp trả tiền mặt thì sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Vậy, vì sao có hiện tượng "nước đến chân ...chưa nhảy"? Hệ thống nhận diện thẻ từ ETC vẫn bị lỗi và tỉ lệ dán thẻ ePass quá thấp khi thời điểm buộc phải thu phí tự động hoàn toàn đang tới gần trên các tuyến cao tốc?
Thu phí không dừng từng... mãi lùi
Nhìn lại việc triển khai thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT vào năm 2017. Nhưng năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời gian thực hiện với lý do thiếu vốn.
Đến năm 2020, xe vẫn ùn tắc trước các trạm thu phí. Năm 2022, sau khi dịch COVID-19 đã được đẩy lùi, không còn lý do để né, việc thu phí không dừng vẫn lần lữa mãi cho tới thời điểm này. Hệ thống vận hành vẫn lỗi và vẫn có rất nhiều lý do, đến mức Phó Thủ tướng Chính phủ phải có phát ngôn đanh thép: nếu không hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc trước 31/7, sẽ phải xả trạm.
Đó là đối với tuyến cao tốc, còn việc thu phí không dừng nói chung, nhiều năm qua, việc triển khai đình trệ vì rất nhiều lý do.
Điểm qua những lý do mà Bộ Giao thông vận tải kể đến là thiếu vốn đầu tư, hệ thống không đồng bộ, người dân chưa sẵn sàng, truyền thông hời hợt chưa tới với người dân…
Trong những lý do này, đáng chú ý có việc hệ thống kỹ thuật không đồng bộ. Ngay cả lý do này cũng thuộc trách nhiệm của chính Bộ Giao thông vận tải. Việc hạ tầng yếu kém, hệ thống đầu tư "khấp khểnh", chọn và sử dụng thiết bị không đồng bộ cũng là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải.
Nói về việc thiếu vốn, trong các hợp đồng BOT không có điều khoản về đầu tư hạ tầng thu phí không dừng. Bản thân các công trình BOT đã là hình thức huy động vốn từ nguồn lực xã hội, nên việc huy động thêm vốn đầu tư các trạm thu phí không dừng chỉ là "may áo thì may thêm cúc" mà thôi.
Người dân mong đợi gì?
Từ nhiều nguồn thông tin công chúng phản ánh, người dân đang rất mong đợi thời điểm 1/8 tới khi mà họ có thể phóng vào đường cao tốc không dừng, tiết kiệm thời gian, tiện lợi về việc trả phí như đơn vị khai thác thu phí cao tốc đã công bố.
Thực tế này cũng đang là xu hướng tiến tới một xã hội văn minh, không dùng tiền mặt trong tiêu dùng, đồng bộ với nhiều lĩnh vực tiêu dùng không tiền mặt khác mà người dân đang dần quen.
Nhiều lái xe phản ánh với phóng viên Công dân và Khuyến học: Họ thường xuyên chạy trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nên đã dán thẻ ePass từ những ngày đầu tiên phát hành thẻ. Việc trả phí vì thế không còn là vấn đề của lái xe vì đơn vị vận tải thuê lao động, chủ sở hữu xe ô tô sẽ trả phí này. Thật rảnh và cũng tiện – một lái xe khẳng định.
Như vậy, việc Bộ Giao thông vận tải đưa ra lý do người dân không mặn mà với việc thu phí không dừng là không đoán định được tâm lý khách hàng. Đồng thời không theo kịp xu hướng Chương trình Chuyển đổi số mà Chính phủ đã ban hành.
Nếu hệ thống kỹ thuật vận hành tốt, thì việc dán thẻ ePass hoàn toàn không có khó khăn gì. Người dân chỉ bực bội khi đã nạp tiền, mở tài khoản nhưng hệ thống bị lỗi, chưa đáp ứng, hoặc cố tình không đáp ứng, gây thiệt hại về thời gian, công sức của họ.
Vẫn còn nhiều trạm BOT chậm triển khai thu phí không dừng
Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, đến hết tháng 6/2022, đã thực hiện thu phí không dừng tại 113/141 trạm (đạt hơn 80%), với tổng cộng 603/817 làn (đạt 73,8%). Riêng tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được khai trương dịch vụ thu phí tự động không dừng từ chiều 22/7.
Cả nước đang có 817 làn thu phí BOT đường bộ cần lắp ETC. Sau hơn 3 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về triển khai thu phí không dừng, đến nay, đã có 676 làn đường lắp ETC, nhưng hiện còn 141 làn chưa triển khai ETC.
1/8 đang tới gần, mốc dành cho các tuyến cao tốc thu phí không dừng hoàn toàn, Bộ Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp liên quan vẫn chưa đủ quyết liệt với nhiệm vụ Chính phủ giao. Việc này lại dấy lên dư luận về nghi vấn không áp dụng thu phí tự động là có sự che giấu nguồn thu (!?).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google