Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại huyện Ứng Hòa
Ngày 13/1, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 tại huyện Ứng Hoà.
Thiếu thiết bị dạy học
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện Ứng Hòa, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Uỷ ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện và quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, toàn huyện có tổng số 3.435 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 88,39% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019. So với yêu cầu, cấp tiểu học còn thiếu 166 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 29 giáo viên.
Tuy nhiên, tháng 12/2022, Uỷ ban nhân dân huyện đã tổ chức thi tuyển được 108 giáo viên tiểu học trên 134 chỉ tiêu và tuyển hết 37 chỉ tiêu giáo viên trung học cơ sở. Do đó trong thời gian tới, giáo viên trung học cơ sở cơ bản bảo đảm đủ.
100% giáo viên giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tập huấn về chương trình, sử dụng sách giáo khoa, về kiểm tra đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục…
Về cơ sở vật chất, các trường trên địa bàn cơ bản đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày, tuy nhiên thiết bị dạy học bổ sung để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm.
Để đảm bảo trang thiết bị phục vụ dạy và học theo chương trình mới với lớp 2, 3, 6, 7, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo nhà trường kiểm tra, rà soát các thiết bị hiện có để sử dụng trong các giờ dạy, khuyến khích tự làm đồ dùng dạy học.
Cùng với đó, các nhà trường cũng tích cực ứng dụng các phần mềm dạy học, sử dụng kho học liệu điện tử bài giảng, bản đồ, tranh, ảnh, video clip, các thí nghiệm ảo để hỗ trợ giảng dạy…
Uỷ ban nhân dân huyện Ứng Hòa nhận định, triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.
Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, khuyến khích được các nhà giáo, nhà khoa học có chất lượng tham gia viết sách.
Giáo viên cũng được thúc đẩy để nâng cao năng lực nghề nghiệp do thực hiện chương trình mới đòi hỏi cao hơn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ…
Thời gian qua, các trường trên địa bàn huyện đã chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới quản lý, quản trị nhà trường.
Việc lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa mới được thực hiện bảo đảm đúng quy định, đầy đủ, kịp thời. 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để sử dụng.
Đề xuất bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên
Thầy Nguyễn Nam Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa A, nhận định nhà trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thuận lợi.
Trước khi triển khai chương trình mới ở lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị để hiệu trưởng các trường trung học phổ thông được trực tiếp trao đổi, nêu câu hỏi, thắc mắc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và được giải đáp trực tiếp. Nhờ đó, nhà trường khá chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục.
Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng tiến hành thuận lợi, vai trò của giáo viên được thể hiện rất rõ và hiện nhà trường được sử dụng bộ sách cho chính mình đề xuất.
Là giáo viên đang giảng dạy cả chương trình 2006 và chương trình 2018, cô Đỗ Thị Thúy, Trường Trung học cơ sở Tảo Văn cho biết, bản thân có nhiều chuyển biến khi triển khai chương trình mới, rõ nhất là trình độ công nghệ thông tin.
"Giáo viên phải thực sự tâm huyết, nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng mới có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình", cô Đỗ Thị Thúy chia sẻ.
Bên cạnh thuận lợi, ý kiến từ địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình. Trong đó có khó khăn về điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Chưa có giáo viên đảm nhiệm được môn Khoa học tự nhiên nên phải bố trí các giáo viên đơn môn cùng dạy.
Giáo viên gặp khó khăn về kinh phí, thời gian khi bồi dưỡng để lấy chứng chỉ dạy học tích hợp. Khó khăn trong xây dựng, in ấn tài liệu giáo dục địa phương…
Từ đó, các ý kiến đề xuất cần bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên còn thiếu cho huyện; bổ sung ngân sách tài chính cho các huyện về xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và bồi dưỡng giáo viên…
Cần làm rõ việc lựa chọn chương trình học có đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh hay không?
Tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị huyện Ứng Hòa cần làm rõ việc lựa chọn chương trình học có đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh hay không? Đại biểu cho rằng, không chỉ lựa chọn môn học, mà cách học cũng thay đổi, vậy việc tổ chức dạy học có đạt được sự đổi mới theo chương trình học hay chưa?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đề nghị huyện làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong việc một chương trình giáo dục nhưng lại có nhiều bộ sách giáo khoa, bên cạnh đánh giá kỹ hơn về nội dung sách giáo khoa và việc ban hành tài liệu giáo dục địa phương.
Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh nhận định, thiếu giáo viên là thực tế đang diễn ra nhưng vấn đề thừa giáo viên vẫn chưa được đề cập và đề ra hướng giải quyết. Đại biểu cho rằng mặc dù đã được bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, có nhiều giáo viên không thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Đổi mới chưa có tiền lệ, do đó cần kiên trì mục tiêu lớn, điều chỉnh dần"
Trao đổi tại cuộc giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, phạm vi tác động cũng như sự kỳ vọng của việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những trọng tâm nhằm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Công việc đổi mới có phạm vi tác động rộng, đối tượng tác động lớn, tốc độ triển khai nhanh, toàn xã hội đặt kỳ vọng sẽ nhìn thấy rất nhiều thành quả của đổi mới.
"Có những vấn đề đặt ra là mục tiêu để phấn đấu, kế hoạch để thực hiện, chứ không thể đầy đủ, trọn vẹn ngay. Chuyển đổi là quá trình không thể một sớm một chiều", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ trưởng cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe, trao đổi và đã có nhiều điều tiết, điều chỉnh về việc dạy học các môn tích hợp cho phù hợp với thực tế của các nhà trường.
Sau các đợt giám sát của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đánh giá và điều chỉnh.
"Đổi mới chưa có tiền lệ, do đó cần kiên trì mục tiêu lớn, điều chỉnh dần", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đối với công tác tập huấn giáo viên, Bộ trưởng khẳng định, công tác hỗ trợ giáo viên trong quá trình chuyển đổi cần làm nhiều nữa và sẽ tiếp tục làm, đồng thời mong muốn đội ngũ giáo viên phát huy hơn nữa tinh thần tự học, tự phát triển để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường, Bộ trưởng lưu ý cần đi đầu trong chuyển đổi, bởi "khi giáo viên thay đổi nhưng hiệu trưởng không thay đổi thì trường học cũng khó thay đổi".
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng đề nghị, đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị với thành phố Hà Nội đầu tư để trong một vài năm nữa sẽ có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp cho các trường học.
Riêng về đội ngũ giáo viên các môn học mới như Mỹ thuật, Âm nhạc hiện còn thiếu, theo Bộ trưởng, không thể giải quyết lập tức nhưng phải được đặt ra và làm dần dần, trong đó cần ghi nhận từng bước đã làm được đến đâu.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị huyện Ứng Hòa hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, đặc biệt lưu ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện trong thực hiện hai Nghị quyết quan trọng của Quốc hội.
Bên cạnh đó, huyện khẩn trương phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung của hai Nghị quyết, trong đó chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên giảng dạy môn học tích hợp nói riêng; đồng thời làm tốt công tác truyền thông xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google