Địa phương phải "đối phó" với Hội đồng nhân dân trong chọn sách giáo khoa cho chương trình mới

PV
09:57 - 14/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn, vướng mắc khi chọn sách giáo khoa, chuyển đổi tổ hợp môn cho học sinh.

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 - 2023.

Tại Hôi nghị, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố đã trao đổi nhiều vấn đề xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Địa phương phải "đối phó" với Hội đồng nhân dân trong chọn sách giáo khoa cho chương trình mới - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được đưa ra trao đổi, bàn luận tại Hội nghị. Ảnh HA

Giải trình nhiều lần mới chọn được sách giáo khoa

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế bày tỏ băn khoăn về việc chọn nhiều bộ sách giáo khoa khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho rằng, ngay chính đội ngũ giáo viên vẫn còn chưa hiểu vấn đề đổi mới nên cần xem lại cách truyền thông để hiệu quả hơn.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết, Sở không được ủng hộ khi chọn sách giáo khoa.

"Tôi cứ phải đi giải trình cho việc lựa chọn nhiều sách giáo khoa. Gần đây, tỉnh Lâm Đồng mới thông qua nghị quyết về mức chi cho việc lựa chọn sách giáo khoa vì lúc đầu không được ủng hộ. Chúng tôi phải mang hết thông tư ra giải trình thì mới được duyệt", bà Phạm Thị Hồng Hải nói.

Tại Hội nghị, ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định phải "đối phó" với Hội đồng nhân dân, các đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương về vấn đề chọn sách giáo khoa.

Cũng theo vị lãnh đạo này, đối với các môn học đòi hỏi sự tham gia của nhiều giáo viên như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại Nghị quyết 88/2014/QH13 và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT. Ở trung học cơ sở có môn Khoa học tự nhiên chứ không có môn Lý, Hóa, Sinh và cũng không có môn Sử, môn Địa mà chỉ có môn Lịch sử - Địa lý.

"Chúng tôi tổ chức đào tạo giáo viên môn tích hợp 2 năm ở Trường Đại học Quy Nhơn và cấp chứng chỉ năm 2021. Ở Bình Định, các giáo viên gốc Lý, Sinh, Hóa có thể dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6,7 bởi đây là giai đoạn dạy hiện tượng nhưng lên lớp 8,9 các em sẽ học về bản chất thì chúng tôi rất lo", ông Đào Đức Tuấn nêu quan điểm.

Vướng mắc trong chuyển đổi tổ hợp môn cho học sinh

Ông Đào Đức Tuấn cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc chuyển đổi môn học và lựa chọn cụm chuyên đề của học sinh trung học phổ thông.

Vị lãnh đạo này cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có hướng dẫn để các trường có thể chuyển đổi và cho điểm, đánh giá, xếp loại học sinh hợp lý hơn.

Tương tự, Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này.

"Sau khi học xong một học kỳ, học sinh xin chuyển tổ hợp môn rất nhiều. Phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp. Đồng thời, học sinh muốn chuyển trường sang vùng khác nhưng nơi chuyển cũng không dạy tổ hợp đang học thì như thế nào?", ông Lê Duy Định nêu thực tế.

Giải đáp những thắc mắc về chuyển tổ hợp môn ở lớp 10, chuyển trường học, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, trong Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH đã có hướng dẫn chi tiết.

"Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người quyết định việc này. Còn vấn đề các em có hồ sơ học những môn học nào và đủ năng lực học các môn tiếp theo hay không thì phải căn cứ trên cơ sở của Quyết định 51 ban hành năm 2002 và Thông tư 54 mới được ban hành, giúp các trường thực hiện việc chuyển tổ hợp, chuyển trường thuận lợi", ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chương trình mới đã khoán một năm với số tiết tổng nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp, chuyển trường trong học kỳ một mà đợi hết năm. Nếu chuyển thì phải đáp ứng được yêu cầu đủ năng lực để học các môn học mới ở lớp trên, còn các môn học cũ phải đủ điều kiện lên lớp.

Với những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị, tùy theo điều kiện của từng địa phương có thể, nơi nào có điều kiện thì dạy môn tích hợp (đi cùng với sự chuẩn bị là việc đào tạo từ các trường sư phạm), nếu chưa thì phân công giáo viên dạy từng môn thành phần. Các địa phương cần bình tĩnh đi từng bước tùy theo điều kiện, giải thích cho phụ huynh hiểu.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc chăm lo cho thư viện, chọn sách giáo khoa nên ổn định qua các năm, lớp 1 chọn bộ này, lớp 2 nên tiếp tục chọn bộ đó.

"Mỗi địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, không để xảy ra và sẵn sàng xử lý khủng hoảng truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục có thêm sự thuyết phục với chính quyền, địa phương, phụ huynh… Đặc biệt cần tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phải xem đây là nhiệm vụ tối quan trọng trong tiến trình tiến tới thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018", Bộ trưởng nói.

Bình luận của bạn

Bình luận