Chương trình mới, khó khăn mới: Phân chia giáo viên dạy tích hợp ra sao?

Thành Phúc
06:00 - 04/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những giáo viên hiện nay đang dạy đơn môn, sẽ được đào tạo, bồi dưỡng thành giáo viên tích hợp theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT. Đây là thách thức rất lớn khi thực hiện giảng dạy môn tích hợp.

Đến thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đã cơ bản hoàn thành những phần việc quan trọng nhất. Đó là Bộ đã thông qua Chương trình tổng thể, Chương trình môn học, tập huấn cho giáo viên thông qua 9 nội dung giảng dạy chương trình mới ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Hiện tại, Bộ cũng đang tiến hành cho công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và theo lộ trình cuốn chiếu thì chương trình 2018 sẽ hoàn tất vào năm học 2024-2025. Lúc này, để đánh giá Chương trình mới rõ ràng còn quá sớm, nhưng những gì đã và đang diễn ra khi dạy và học tích hợp ở ngành giáo dục khiến chúng ta không khỏi băn khoăn.

Nếu so sánh với chương trình năm 2006 hoặc các chương trình trước nữa thì chương trình năm 2018 đang có nhiều xáo trộn và tác động rất lớn đến toàn xã hội. Trong đó, tác động nhiều nhất là vấn đề nhân lực. Ngành giáo dục phải tuyển dụng thêm rất nhiều giáo viên mới. Giáo viên hiện có thì nhiều thầy cô phải đào tạo lại để có chứng chỉ giảng dạy hoặc phải phân công dạy sai chuyên môn.

Nhân sự ngành giáo dục ảnh hưởng ra sao?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Thế nhưng, khó khăn nhiều hơn cả là khi chuẩn bị và tiến hành cho năm học 2022-2023 có hàng loạt môn mới, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Tình trạng này xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trên cả nước.

Lớp 3 bắt đầu giảng dạy môn Tin học và lớp 10 bắt đầu giảng dạy môn Âm nhạc và Mĩ thuật là những môn học mà chương trình 2006 chưa có. Thêm vào đó, môn Tiếng Anh được xếp là môn học tự chọn ở lớp 1, lớp 2. Vì vậy, rất nhiều địa phương thiếu giáo viên ở các môn học này, đặc biệt là các môn Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Theo số liệu thống kê năm học 2019-2020 được công bố trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 12.827 trường tiểu học công lập; 2.395 trường trung học phổ thông công lập. Chính vì thế, mỗi trường tiểu học loại 2, 3 ít nhất phải tuyển mới 1 giáo viên, các trường loại 1 thì phải tuyển nhiều hơn mới đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Đối với các trường trung học phổ thông phải tuyển mới hoàn toàn giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật để dạy 2 môn học này (nằm trong môn học lựa chọn và một phần trong Nội dung giáo dục địa phương là môn học bắt buộc).

Ngoài việc tuyển mới, giáo viên hiện có của 5 môn (Hóa học, Sinh học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử) ở cấp trung học cơ sở cũng phải đi đào tạo lại theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên) và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý). Tất nhiên, khi bồi dưỡng xong số lượng giáo viên hiện có của 5 môn học độc lập hiện nay về dạy 2 môn học tích hợp mới sẽ được củng cố, nhưng số tiền mà ngân sách địa phương, nhà trường phải bỏ ra sẽ là rất lớn.

Bởi lẽ, theo Quyết định, tất cả giáo viên đang dạy 5 môn học Hóa học, Sinh học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử đều là đối tượng phải bồi dưỡng. Thậm chí, sinh viên các ngành học này đang học ở các trường cao đẳng sư phạm cũng phải bồi dưỡng thì mới đáp ứng được "yêu cầu tối thiểu" để dạy 2 môn tích hợp.

Trong khi, theo thời lượng hướng dẫn học tập, đối tượng phải bồi dưỡng ít nhất là 20 tín chỉ, đối tượng phải bồi dưỡng nhiều nhất là 36 tín chỉ. Và giá một tín chỉ bồi dưỡng này đang được một số trường đại học sư phạm niêm yết là 150.000 đồng/tín chỉ.

Chính vì vậy, khi bồi dưỡng xong cho đội ngũ nhà giáo dạy môn tích hợp thì ngân sách địa phương, nhà trường và giáo viên phải bỏ ra cả hàng trăm tỉ đồng mới có thể hoàn thiện.

Song, đó mới là hoàn thiện về văn bằng, chứng chỉ, còn chuyện giáo viên đơn môn có dạy được môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Trước đây khi học ở các trường sư phạm từ 3, 4 năm, sinh viên sư phạm học chỉ một chuyên ngành mà ra trường nhiều người còn gặp khó khăn thì việc bồi dưỡng vài chục tín chỉ trong vài tháng phải học đến 2, 3 chuyên ngành là điều hoàn toàn quá tải cho giáo viên, nhất là những giáo viên đã đi dạy lâu, những kiến thức phổ thông đã mai một gần hết. Phải học lại kí hiệu, hóa trị, khối lượng nguyên tử, các dạng bài tập, công thức, khái niệm với họ không phải là bài toán dễ dàng.

Đào tạo tín chỉ thì dễ, lĩnh hội được kiến thức mới khó

Những môn học độc lập, dù thiếu nhưng không đáng lo ngại vì giáo viên tuyển dụng mới sẽ nhanh chóng hòa nhập vào công việc bởi họ đã được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đúng sở trường của họ.

Những môn học tích hợp (chiếm khoảng gần một nửa giáo viên trung học cơ sở hiện nay) đang là bài toán hóc búa cho toàn ngành giáo dục. Những sinh viên lứa đầu tiên học đúng chuyên ngành tích hợp thì hiện nay chưa ra trường, mà khi ra trường chưa hẳn dễ tìm kiếm việc làm vì muốn tuyển dụng mới phải có chỉ tiêu phân bổ.

Những giáo viên hiện nay đang dạy đơn môn, được đi đào tạo, bồi dưỡng thành giáo viên tích hợp sẽ là một thách thức rất lớn khi thực hiện giảng dạy cả môn học tích hợp.

Bởi lẽ, nếu đưa đi đào tạo, tất nhiên họ sẽ hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ nhưng với vài tháng, những giáo viên này liệu có làm chủ được thêm 1,2 chuyên ngành khác hay không? Câu chuyện vài tháng học theo kiểu hàm thụ, bổ sung thì chưa chắc giáo viên sẽ làm chủ được kiến thức.

Nhiều giáo viên bỏ kiến thức phổ thông hàng chục năm trời, thậm chí có người trên 20 năm thì giờ đây học lại các môn học như Lý, Hóa, Sinh không hề dễ dàng. Lúc lên lớp, gặp học trò giỏi hỏi về những bài tập khó, những bài tập mở rộng liệu giáo viên sẽ trả lời ra sao?

Rồi, khi học sinh lên cấp trung học phổ thông các môn học tích hợp lại được tách ra thành môn độc lập, học sinh muốn thi vào các lớp chuyên sẽ ôn luyện ra sao? Những em lựa chọn các môn học này sẽ phải đối mặt với những khó khăn như thế nào vẫn là câu hỏi chưa dễ trả lời trong lúc này.

Rõ ràng, việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ trương tích hợp ở cấp trung học cơ sở rồi lại tách ra ở cấp trung học phổ thông đang làm khó các nhà trường, giáo viên và cả các em học sinh. Tích hợp, những thực chất là gộp môn nhưng làm cho đội ngũ nhà giáo rối rắm, phải bắt buộc đi học hàng loạt khiến công sức, tiền bạc bỏ ra quá nhiều.

Chất lượng giảng dạy hiện nay đang là một thách thức. Ai cũng nhìn thấy, dù có hoàn thiện việc bồi dưỡng bao nhiêu chứng chỉ thì số thầy cô "đủ trình" để nắm kỹ được kiến thức 2,3 phân môn là không nhiều. Ngay cả đội ngũ viết sách, đội ngũ bồi dưỡng cho giáo viên cũng là những người chỉ có một chuyên ngành thì làm sao ra giáo viên tích hợp?