Quá ít giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa chương trình mới

Thành Phúc
05:17 - 06/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước vào ngày 29/9 vừa qua. Hội thảo cho thấy có quá ít giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa chương trình mới.

Tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sách giáo khoa chương trình mới có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế.

Có 3 tổ chức biên soạn sách giáo khoa, bao gồm Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX; Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam Victoria.

Thống kê cho thấy, tổng số có 1.630 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa có trình độ tiến sĩ trở lên. Nhìn vào số liệu tiến sĩ tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông, chúng ta thấy đó là điều đáng mừng nhưng cũng gợi ra nhiều điều băn khoăn vì rất ít giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách.

Trên 2/3 tác giả sách giáo khoa có trình độ tiến sĩ trở lên

Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 6 bộ sách giáo khoa các lớp 1, 2,3,6,7,10 mà ngành đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến thời điểm này có có 1.630 tác giả tham gia biên soạn. Cụ thể: lớp 1 có 221 tác giả; lớp 2 có 199 tác giả; lớp 3 có 234 tác giả; lớp 6 có 276 tác giả; lớp 7 có 318 tác giả và lớp 10 có 382 tác giả. Điều đặc biệt là trong 1.630 tác giả đã tham gia viết 6 bộ sách này có tới 2/3 tác giả có học vị từ tiến sĩ trở lên.

Nếu căn cứ vào hướng dẫn của Bộ, những cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng tiêu chuẩn như: có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất ba năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn... thì 2/3 tác giả có học vị từ tiến sĩ trở lên là con số rất lý tưởng. Bởi, 1/3 tác giả còn lại, dù Bộ không thông tin cụ thể nhưng chúng ta có thể hiểu rằng trong số này sẽ có phần lớn những người còn lại có học vị thạc sĩ, và có thể chỉ có một số ít tác giả là có trình độ cử nhân mà thôi.

Nhìn con số này, chúng ta mừng nhưng cũng không tránh khỏi nhiều điều băn khoăn, nuối tiếc vì theo Điều 72, Luật Giáo dục năm 2019 thì trình độ chuẩn của giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông là cử nhân trở lên. Vậy nhưng, hiện nay đang có một số lượng rất lớn giáo viên ở tiểu học và trung học chưa đủ chuẩn trình độ vì trước đây chuẩn trình độ của giáo viên tiểu học là trung cấp sư phạm và chuẩn trình độ của giáo viên trung học cơ sở là cao đẳng sư phạm mà thôi.

Vì thế, số lượng 2/3 tác giả sách giáo khoa phổ thông có học vị từ tiến sĩ trở lên cho chúng ta thấy đa phần tác giả sách giáo khoa chương trình mới là những người không dạy phổ thông. Phần lớn là những người đã và đang công tác tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu hoặc những chuyên gia đã về hưu…

Nhìn lại quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ đã chủ trương xây dựng "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" và chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa. Mặc dù, theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng, kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa đã không thực hiện được với nhiều lý do khác nhau.

Chính vì Bộ không biên soạn được bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội nên sách giáo khoa chương trình 2018 hoàn toàn được một số nhà xuất bản đứng ra đầu tư, biên soạn, phát hành. Vậy nên, về cơ bản là họ chọn ai là quyền của các nhà xuất bản và tất nhiên là họ phải "chọn mặt gửi vàng" cho nhưng người có "tên tuổi" chứ chẳng lẽ lại đi tìm những nhà giáo vô danh. Bởi, tiêu chí kinh doanh, tất nhiên họ phải nghĩ đến doanh thu, lợi nhuận. Vì thế, 2/3 tác giả sách giáo khoa phổ thông có học vị từ tiến sĩ trở lên là điều không khó hiểu.

Thế nhưng, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy tiếc nuối, nếu như trong đội ngũ những người tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông có nhiều giáo viên đứng lớp tham gia hơn, biết đâu họ sẽ có những đóng góp tích cực cho công việc này.

Rất ít giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa

Thông tin từ các nhà xuất bản cho thấy, một đơn vị biên soạn sách giáo khoa (1 trong 3 bộ sách hiện hành) khi công bố 20 tác giả biên soạn môn Tiếng Việt (tiểu học) - Ngữ văn (trung học cơ sở, trung học phổ thông) chỉ có 1 tác giả có trình độ cử nhân. Môn Toán có 13 tác giả cũng chỉ có 1 cử nhân; môn Khoa học tự nhiên có 40 tác giả nhưng trình độ cử nhân cũng chỉ có 1 người…

Phần lớn tác giả có trình độ từ tiến sĩ trở lên, có thể mừng nhưng cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, sách Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) năm đầu tiên thực hiện có rất nhiều sai sót, hạn chế. Vì thế, ngay trong năm học áp dụng đầu tiên, các tác giả và nhà xuất bản phải ban hành tài liệu đính kèm để đính chính những sai sót, hạn chế mà dư luận đã chỉ ra. Ngoài ra, nhiều môn học khác, các bộ sách khác cũng không tránh được những "sạn" mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tự tìm "sạn" đối với sách giáo khoa lớp 1 trong năm học 2020-2021 và đơn vị này đã khắc phục, chỉnh sửa khi tái bản.

Vì thế, 2/3 tiến sĩ tham gia biên soạn sách giáo khoa là rất cần thiết, rất đáng mừng nhưng có lẽ vẫn khiến dư luận nghi ngại, băn khoăn? Bởi, sách giáo khoa phổ thông khác hoàn toàn với giáo trình đại học, cao học. Kiến thức phổ thông không cần phải hàn lâm, không cần phải đánh đố, chuyên sâu. Nếu tỉ lệ giáo viên phổ thông tham gia viết sách giáo khoa phổ thông nhiều hơn biết đâu họ sẽ có sự phối hợp tốt với đội ngũ chuyên gia để ra những sản phẩm phù hợp nhất. Bởi lẽ, giáo viên phổ thông thường am hiểu thực tế vì họ đang trực tiếp giảng dạy hàng ngày, biết được năng lực của học trò của mình một cách thấu đáo hơn.