Dạy và học chương trình mới - yếu tố phát sinh việc dạy thêm, học thêm

Nguyễn Khanh
15:57 - 12/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chương trình giáo dục phổ thông mới kích thích tính chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, những học sinh không đủ chủ động và tự tin đã phải tìm đến với học thêm!

Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang bắt buộc phải thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2020.

Theo hướng dẫn này, giáo viên phải soạn và thực hiện các hoạt động dạy trên lớp theo 4 hoạt động: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu; Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra; Luyện tập; Vận dụng.

Khi giáo viên dạy các hoạt động này, bắt buộc học sinh phải chuẩn bị trước bài học mới ở nhà thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu trên lớp. Trong khi, học sinh chưa được học thì khó có thể nắm, hiểu được kiến thức chưa học. Bắt buộc, các em phải lên mạng chép hoặc phải học thêm trước với thầy cô giáo hoặc gia sư.

Học sinh phải chuẩn bị trước bài học mới ở nhà

Chương trình mới có nhiều môn mới, học tích hợp nên ngay cả giáo viên còn cảm thấy khó. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ là thầy cô bắt buộc phải giao nhiệm vụ học tập cho học trò chuẩn bị bài mới ở nhà.

Cụ thể, để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, Bộ đã ban hành Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH và hướng dẫn: "Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường".

Phụ lục 4 của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã ghi chú cụ thể các bước tổ chức thực hiện một hoạt động dạy học như sau:

1. Giao nhiệm vụ học tập: Trình bày cụ thể nội dung nhiệm vụ được giao cho học sinh (đọc/nghe/nhìn/làm) với thiết bị dạy học/học liệu cụ thể để tất cả học sinh đều hiểu rõ nhiệm vụ phải thực hiện.

2. Thực hiện nhiệm vụ (học sinh thực hiện; giáo viên theo dõi, hỗ trợ): Trình bày cụ thể nhiệm vụ học sinh phải thực hiện (đọc/nghe/nhìn/làm) theo yêu cầu của giáo viên; dự kiến những khó khăn mà học sinh có thể gặp phải kèm theo biện pháp hỗ trợ; dự kiến các mức độ cần phải hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.

3. Báo cáo, thảo luận (giáo viên tổ chức, điều hành; học sinh báo cáo, thảo luận): Trình bày cụ thể giải pháp sư phạm trong việc lựa chọn các nhóm học sinh báo cáo và cách thức tổ chức cho học sinh báo cáo (có thể chỉ chọn một số nhóm trình bày/báo cáo theo giải pháp sư phạm của giáo viên).

4. Kết luận, nhận định: Phân tích cụ thể về sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành theo yêu cầu (làm căn cứ để nhận xét, đánh giá các mức độ hoàn thành của học sinh trên thực tế tổ chức dạy học); làm rõ những nội dung/yêu cầu về kiến thức, kĩ năng để học sinh ghi nhận, thực hiện; làm rõ các nội dung/vấn đề cần giải quyết/giải thích và nhiệm vụ học tập mà học sinh phải thực hiện tiếp theo".

Với hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH như vậy, bắt buộc giáo viên khi dạy trên lớp phải "giao nhiệm vụ học tập", học sinh phải  "thực hiện nhiệm vụ" bằng cách chuẩn bị nội dung bài học mới. Ngày học bài mới, các tổ sẽ thay nhau lên "báo cáo và thảo luận". Sau đó, giáo viên sẽ "kết luận, đánh giá" sản phẩm của học trò và chốt lại vài ý chính cho học sinh ghi bài.

Vấn đề đặt ra là cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở đang được biên chế mỗi tuần trung bình từ 29 đến 29,5 tiết học nên mỗi buổi học đều có 5 tiết, chỉ có 1 buổi là 4 tiết thì học sinh khó có thể "tự nghiên cứu" để hiểu và nắm bắt được những kiến thức chưa học. Học sinh không thể hiểu được bài mới để chuẩn bị nhiệm vụ học tập thầy giao cho. Bởi vì, nếu các em hiểu được, làm được thì đâu cần thiết phải đến trường học tập và thầy cô hướng dẫn.

Thực tế, vẫn có một số ít các em tự học được nhưng tỉ lệ rất ít, đa phần học sinh không thể nào giải quyết được các bài tập mà thầy cô giao thực hiện trước khi học bài mới. Vì thế, để thực hiện nhiệm vụ này, bắt buộc học sinh phải đi học thêm trước, chép trên mạng hoặc trong các sách tham khảo để đối phó với thầy cô giáo của mình.

Nhiều học sinh đang bị bỏ lại phía sau

Mục tiêu đổi mới phương pháp, cách thức dạy học chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo có một dụng ý rất rõ ràng là tạo cho học sinh tinh thần tự học, tự nghiên cứu nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của người học. Vẫn biết, việc đổi mới các phương pháp dạy học ở các trường phổ thông là điều tất yếu, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mục tiêu đã khác hoàn toàn so với chương trình 2006 trước đây.

Thế nhưng, với phương pháp dạy học mới, các bước trong tiến trình dạy và học kiểu mới chỉ có thể giúp cho một bộ phận học sinh giỏi, tích cực trong học tập tiến bộ còn một bộ phận học sinh yếu, ít động lực học tập gần như chẳng thể nào tiếp thu được bài vở. Bởi lẽ, khi thầy cô giao nhiệm vụ học tập thì chỉ có một số ít em học giỏi trong lớp, hoặc những em đã tham gia đi học thêm trước biết được nội dung bài học mới có thể chuẩn bị "sản phẩm" học tập.

Lên lớp thì cũng chỉ những em này trình bày sản phẩm và một số ít em nhận xét và trao đổi sản phẩm học tập của bạn mình. Một bộ phận học sinh trong lớp không chuẩn bị bài, không phát biểu ý kiến, không biết hoặc không chịu nhận xét sản phẩm của bạn mình thì giáo viên cũng không thể quở trách hay đưa ra biện pháp xử lý nào được. Trong khi, theo quy định mỗi tiết học chỉ có 45 phút, giáo viên khó có thể cứ mãi gọi những em không chuẩn bị, không chịu phát biểu lên trình bày sản phẩm hay trao đổi với bạn về sản phẩm vừa trình bày.

Mục tiêu của chương trình mới là phát huy phẩm chất, năng lực của học trò nhưng không phải tất cả các em đều đạt được mục tiêu này. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới việc lấy học trò là trung tâm cũng đồng nghĩa trong mỗi giờ dạy, giáo viên bớt giảng nhiều mà phải chuyển giao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo cho học trò. Tuy nhiên, thực tế không phải cứng nhắc việc giảng dạy truyền thụ kiến thức hoàn toàn hạn chế, hay phương pháp mới hiện nay là ưu điểm hoàn thiện. 

Nếu giáo viên dạy hoàn toàn theo phương pháp mới thì có lẽ họ sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều vì giáo viên chỉ là người giao nhiệm vụ và chốt lại vấn đề khi học sinh trình bày và nhận xét sản phẩm nhưng nếu dạy như vậy thì làm sao có kết quả, có điểm số tốt trong các kỳ kiểm tra, thi cử hiện nay và các chỉ tiêu mà trường giao cho?

Vì vậy hiện nay, nhiều học sinh bị đuối kiến thức mải mê đi học thêm, học ở trường rồi học ở nhà thầy cô giáo vì học ở trên lớp đang khiến cho một bộ phận học trò không theo kịp, bị bỏ lại phía sau!