Những điểm mới trong việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở năm học 2022-2023
Đối với những môn học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, môn Ngữ văn luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng và có nhiều khác biệt so với các môn học còn lại. Dù chương trình nào thì Ngữ văn cũng là môn học có số tiết/ tuần nhiều nhất.
Tuy nhiên, vai trò, vị thế môn Ngữ văn trong những năm học gần đây bị mai một dần khi một bộ phận học sinh và thậm chí là cả giáo viên ngày càng xao nhãng, ít đầu tư và lệ thuộc quá nhiều vào văn mẫu. Từ thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo trong việc đổi mới phương pháp, cách tiếp cận môn Ngữ văn mà đặc biệt là trong đổi mới kiểm tra, đánh giá môn học này.
Việc kiểm tra, đánh giá môn học Ngữ văn ở năm học 2022-2023 sẽ được thực hiện ra sao?
Ngày 21/7/ 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Trong đó, hướng dẫn đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cụ thể như sau: "Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật".
Tiếp theo, ngày 22/8/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 và tiếp tục có những chỉ đạo về môn Ngữ văn. Đó là: "Đối với môn Ngữ văn, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông". Đồng thời nhấn mạnh: "Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12".
Như vậy, về cơ bản thì năm học 2022-2023 này, những lớp thực hiện chương trình mới (lớp 6, lớp 7 và lớp 10) sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và các lớp còn lại thì Bộ khuyến khích chứ không bắt buộc. Điều này cũng đồng nghĩa, những lớp đang thực hiện chương trình hiện hành (chương trình 2006) thì môn Ngữ văn vẫn có thể thực hiện việc kiểm tra, đánh giá như những năm học vừa qua. Tuy nhiên, những lớp thực hiện chương trình mới (chương trình 2018) thì bắt buộc phải thực hiện theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.
Và, nội dung Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn: "Khi đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Liệu cách đánh giá mới có mang lại kết quả khả quan?
Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng tới một chương trình mở, không trói buộc như trước đây nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất người học và mục tiêu chương trình cũng đã được đề cập rất cụ thể. Nếu như trước đây, Bộ thực hiện "một chương trình - một bộ sách giáo khoa" thì bây giờ "một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa" và thực tế chương trình 2018 đang có tới 3 bộ sách giáo khoa khác nhau.
Khi thực hiện chương trình mở cũng đồng thời sẽ kiểm tra mở bởi việc đánh giá kết quả học tập của học sinh là một hoạt động rất quan trọng trong quá trình giáo dục. Việc đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập và xử lí thông tin về trình độ, khả năng thực hiện mục tiêu học tập của học sinh nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của giáo viên, các giải pháp của các cấp quản lí giáo dục và cho bản thân học sinh, để học sinh học tập đạt kết quả tốt hơn.
Vì thế, để biên soạn đề kiểm tra theo hướng mở đòi hỏi mỗi thầy cô giáo cần thực hiện theo qui trình ra đề kiểm tra nhưng có lẽ sự khác nhau giữa qui trình ra đề thông thường và qui trình ra đề mở là ở khâu biên soạn câu hỏi theo ma trận và xây dựng thang điểm và đáp án đều theo hướng mở. Vì thế người giáo viên sẽ phải học hỏi, nâng cao kỹ năng ra đề ở những phần quan trọng này.
Tuy nhiên, ra đề mở như thế nào để học sinh không lệ thuộc vào văn mẫu nhưng vẫn phát huy được năng lực của mình nhằm đảm bảo yêu cầu và đặc biệt là điểm số sau mỗi học kỳ, mỗi năm học là điều mà nhiều người có phần băn khoăn trong bối cảnh hiện nay.
Bởi lẽ, hàng năm cấp trên vẫn giao chỉ tiêu tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh khá rất cao nhưng tỉ lệ học sinh yếu kém thì rất thấp, chỉ khoảng một vài phần trăm mà thôi. Chính vì vậy, để làm hài hòa những con số này, bắt buộc giáo viên phải tìm nhiều cách vận dụng khác nhau để ra những con số mà cấp trên giao ở đầu năm học.
Điều nhiều người còn băn khoăn nữa là Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: "tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn"- điều này rất mới và tránh lệ thuộc vào những văn mẫu trong sách giáo khoa.
Nhưng, tránh văn mẫu lúc này rất khó - đó là một thực tế tồn tại hàng chục năm qua và bây giờ cũng rất khó tránh khỏi những lối mòn này. Bởi lẽ, chương trình mới áp dụng đến lớp nào, thì hàng loạt sách mẫu, trong đó có các dạng bài tập mẫu, đề kiểm tra mẫu mà đa phần là các tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn viết, biên soạn và đang được chào bán khắp các trang mạng xã hội của giáo viên.
Về nguyên tắc, thì những bài tập mẫu, những đề kiểm tra mẫu này không phải là "văn bản đã học trong sách giáo khoa" nên về lý thì không ai có thể bắt bẻ được. Vì thế, giáo viên vẫn sẽ lệ thuộc vào văn mẫu và tất nhiên học sinh cũng sẽ lệ thuộc bởi những cuốn sách này giáo viên mua được thì cớ gì học sinh không mua được bởi nó được bán công khai ở các nhà sách, bán online và tất nhiên đối với người bán thì ai mua cũng là khách hàng như nhau cả thôi.
Đó là chưa kể hàng loạt đề kiểm tra được giáo viên tải lên mạng Internet mà bất cứ ai cũng có thể tra và đọc được. Trong khi, một điều không thể phủ nhận là đang có một bộ phận giáo viên hiện nay rất ngại ra đề kiểm tra. Đến thời điểm kiểm tra, một số giáo viên xin đề của giáo viên trường khác hoặc lên mạng tải về, sau đó chỉnh sửa tên trường, tên người ra đề kiểm tra là ra đề của mình.
Vì thế, chúng tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không lấy "văn bản đã học trong sách giáo khoa" để ra đề theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH có lẽ cũng mới hướng tới được "phần ngọn" của vấn đề, chứ chưa giải quyết được vấn đề căn cơ đã tồn tại cố hữu hàng chục năm nay đối với bộ môn Ngữ văn ở các cấp học phổ thông mà bây giờ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn khó khắc phục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google