Chợ "giáo án điện tử" nhộn nhịp đầu năm học

Nguyễn Khanh
11:40 - 30/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chợ "giáo án điện tử" hoạt động nhộn nhịp vào dịp đầu năm học mới 2022 - 2023 trong bối cảnh nhiều khối lớp sẽ áp dụng chương trình mới, thay đổi sách giáo khoa. Khách hàng là ai, và ai được hưởng lợi nhuận từ chợ đặc biệt này?

Đồng phục… giáo án theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH

Ngày 18/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các kế hoạch giáo dục gồm: Kế hoạch dạy học các môn học (Phụ lục 1); Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (Phụ lục 2); Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (Phụ lục 3); Kế hoạch bài dạy (Phụ lục 4) và Mẫu phiếu đánh giá bài dạy (Phụ lục 5) khá dài dòng, chi tiết khiến cho giáo viên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Trước những ý kiến được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường chỉ thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đối với những lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Từ đây, dẫn đến chuyện "đồng phục" giáo án và nhiều dịch vụ "ăn theo" đã ra đời. Việc "đồng phục" giáo án nghe qua thấy lạ nhưng nó đang diễn ra rầm rộ ở thời điểm đầu năm học đối với gần như tất cả giáo viên dạy chương trình mới.

Ám ảnh bởi giáo án trước năm học mới

Trong 5 kế hoạch giáo dục đã được thể hiện trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì giáo viên ám ảnh nhất là Kế hoạch bài dạy (trước đây gọi là giáo án) theo mẫu phụ lục 4 vì phụ lục 1, 2 là của tổ trưởng chuyên môn, phụ lục 3 thì cũng của tổ trưởng chuyên môn làm rồi chuyển cho giáo viên chỉnh sửa cho phù hợp là được.

Giáo viên nhiều môn học sợ thực hiện Kế hoạch bài dạy vì theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH  hướng dẫn khi tập huấn chương trình mới ở module 4 (Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh) và cùng với chỉ đạo của bộ phận chuyên môn các cấp thì giáo án mỗi tiết học đã trở nên dài dằng dặc.

Mỗi tiết học ít nhất giáo viên phải soạn khoảng 4 trang A4 trở lên thì mới tạm hoàn thiện vì nó phải trải qua rất nhiều bước lên lớp mà bước nào cũng yêu cầu phải "nêu cụ thể", hoạt động nào cũng hướng dẫn, yêu cầu giáo viên liệt kê: "mục tiêu cần đạt"; "dự kiến";"phương pháp"; "kĩ thuật dạy học"… Ngay cả giáo án mẫu của Bộ khi tập huấn module 4 cho giáo viên thì mỗi bài học cũng dài gần chục trang A4. 

Một giáo viên kiêm tổ trưởng Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở chia sẻ: Các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đang khiến cho nhiều giáo viên lúng túng, quá tải, nhất là thầy cô là tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Hiện nay, mỗi tuần giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết và gần như trường nào cũng được phân công dạy 2 khối lớp khác nhau. Vì thế, nếu giáo viên Ngữ văn được phân công dạy 2 lớp khối 6, 2 lớp khối 7 và kiêm nhiệm thêm chức vụ tổ trưởng chuyên môn thì mỗi tuần sẽ có 19 tiết - đủ theo định mức hiện hành.

Như vậy, giáo viên này phải soạn 2 giáo án cho 2 khối và làm các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (4 kế hoạch) thì mỗi năm ít nhất cũng phải soạn khoảng trên 1000 trang giấy A4.

Cụ thể, môn Ngữ văn lớp 6 và 7 mỗi tuần có 4 tiết, cả năm học mỗi lớp là 140 tiết x 2 giáo án = 280 tiết. Mỗi tiết, lấy ở mức thấp hiện nay là 4 trang A4 sẽ ra 1.132 trang A4. Các kế hoạch theo phụ lục 1, 2, 3 cũng phải trên dưới 100 trang A4 nữa thì chỉ mình chuyện làm các kế hoạch giáo dục cũng mất gần hết thời gian của giáo viên.

Mỗi năm học có 9 tháng, nếu chia bình quân số trang của các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì bình quân mỗi ngày, những giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn phải soạn ít nhất 4-5 trang A4.

Vậy, việc soạn giáo án quả có chiếm thời gian của giáo viên, và học còn phải lên lớp giảng dạy theo định mức (công việc chính), hội họp, sinh hoạt chuyên môn, tập huấn, tham gia các phong trào của trường.

Đó là chưa kể hàng loạt kế hoạch, báo cáo khác mà giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn phải làm như: kế hoạch phụ đạo; bồi dưỡng học sinh giỏi; kế hoạch chuyên đề, thao giảng; nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn; ra đề, chấm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ cho học sinh; rồi hàng loạt các báo cáo ….

Rõ ràng, áp lực về hồ sơ sổ sách đang khiến cho nhiều thầy cô giáo cảm thấy quá tải, nhất là đối với những môn học nhiều tiết/ tuần và những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Chợ "giáo án" ra đời

Năm học 2021-2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn đối với lớp 6 như sau: "Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512)".

Đối với năm học 2022- 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình và yêu cầu đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10 như sau: "Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512).

Hiểu được những khó khăn mà giáo viên dưới cơ sở đang phải chịu đựng, gần như tất cả tác giả sách giáo khoa ở các môn học đều cho ra đời cuốn sách: "Kế hoạch bài dạy (giáo án) môn…lớp"  và không quên bổ sung thêm một dòng ở ngay bìa sách "Hỗ trợ giáo viên thiết kế Kế hoạch bài dạy theo sách giáo khoa…".

Đặc biệt, một số giáo viên rất nhanh nhạy, họ thành lập thành từng nhóm nhỏ, chia ra mỗi người soạn mấy bài của từng môn học, sau đó là ghép thành từng file word và lên mạng xã hội chào bán cho giáo viên. Bây giờ, mỗi môn học có hàng chục trang facebook và chức năng chủ yếu là để bán giáo án, bán đề kiểm tra.

Mỗi giáo án đối với các lớp dạy chương trình mới có giá dao động từ 400- 500 ngàn/ năm (nếu chỉ lấy file word) và giá sẽ tăng gấp đôi khi có thêm giáo án PowerPoint đi cùng. Vì thế, nhiều giáo viên họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua để đối phó khi tổ chuyên môn, nhà trường duyệt giáo án hoặc với kiểm tra, thanh tra. Nhiều thầy cô dù biết đó là số tiền cũng không hề ít nhưng cũng đành bấm bụng mua giáo án về dạy vì nếu ngồi soạn thì lấy đâu thời gian vì nhiều giáo viên phải soạn cả hàng ngàn trang giáo án mỗi năm.

Giáo án theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ đi cùng năm tháng với giáo viên khi thực hiện chương trình 2018 vì Bộ đã ban hành văn bản, đã hướng dẫn tập huấn suốt mấy năm nay. Mỗi năm, giáo viên nếu ngồi soạn giáo án cho riêng mình thì nhiều môn học gần như không thể vì nó chiếm thời gian rất lớn, nếu mua sẽ mất một khoản tiền mà khả năng tiếp thu của học sinh mỗi nơi, mỗi khác. Nhưng, dù tự soạn hay mua thì tiền in giáo án cũng tốn thêm một số tiền khá lớn nữa.