Vụ học sinh ngộ độc ở Hà Nội: Do món gà nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

H.Ngọc
18:40 - 30/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 30/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, 72 học sinh trường Tiểu học Kim Giang ngộ độc phải nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn trưa. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Sức khỏe 72 trẻ bị ngộ độc đã ổn định

Sau khi xác định nguyên nhân gây ngộ độc cho các em học sinh, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã đề nghị Quận Thanh Xuân tiếp tục chỉ đạo điều tra tại bếp ăn trường Tiểu học Kim Giang.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó, chấn chỉnh, không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm như trên.

Sở Y tế thành phố Hà Nội thông tin, hiện nay sức khỏe của 72 trẻ bị ngộ độc thực phẩm đã ổn định. 68/72 trẻ đã được xuất viện, 4 em còn lại dự kiến cũng được về nhà trong ngày 30/3. 

Vụ học sinh ngộ độc ở Hà Nội: Do món gà nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng  - Ảnh 1.

Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao. Ảnh: Mediworld

Trước đó, khoảng 6h45 ngày 28/3, trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh, địa chỉ tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô.

Khi về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng.

Tổ điều tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã lấy mẫu nôn, mẫu thức ăn dã ngoại, mẫu thức ăn lưu tại trường, gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đã cử 1 tổ phối hợp lấy mẫu cần thiết tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh.

Tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nên một số bệnh lý như: ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bệnh viện,...

Nếu ăn phải nguồn thực phẩm có nhiễm tụ cầu rất dễ bị ngộ độc thức ăn. Vi khuẩn này thường xâm nhập vào thực phẩm khi quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh.

Vi khuẩn tụ cầu vàng cũng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông. Tiếp sau đó, chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn kèm mủ với triệu chứng khởi phát là sự xuất hiện của mụn nhọt, chốc lở và các ổ áp xe trên da.

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục  

Theo báo Hà Nội Mới, ngày 30/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Văn bản gửi Sở Y tế; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Về vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Kim Giang, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất, chất lượng sản phẩm…; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.

Vụ học sinh ngộ độc ở Hà Nội: Do món gà nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng  - Ảnh 4.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm cho người tham gia chế biến thực phẩm, giáo viên, phụ huynh và học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn bán trú, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc.

Từ sự việc trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch về công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2023. Trong đó, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tiêu hủy các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định và các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.