Tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao: Đạo đức con người Việt Nam hiện đại
Một cộng đồng lao động mà thành viên đều đạt danh hiệu "Công dân học tập" thì chắc chắn cộng đồng đó là một lực lượng lao động chất lượng chuyên môn và đạo đức cao. Đó chính là nhân lực chất lượng cao mà chúng ta đang hướng đến.
Cấp thiết phải xây dựng "Công dân học tập"
Chủ tịch Hồ Chí Minh tóm tắt 4 cái đức mà người dân Việt cần tu dưỡng là cần - kiệm - liêm - chính. Từ cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho đến người dân bình thường đều phải tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi suốt đời để thể hiện 4 đức trong những thời gian, không gian khác nhau, trong những điều kiện thay đổi và phát triển xã hội khác nhau.
Nhân lực quốc gia bao gồm sự tổng hòa năng lực hiện có và tiềm năng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, bao gồm những nhà lãnh đạo, những cán bộ quản lý, những chuyên gia các ngành, những công chức cùng những người lao động. Dù ở cương vị nào, làm nghề nào, được giao trách nhiệm nào... mà thiếu một trong 4 đức thì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, kẻ đó chưa thành người, nghĩa là chưa đủ tư cách là công dân trong xã hội.
Những vi phạm về nguyên tắc đạo đức đang diễn ra trong xã hội hiện nay, khi phân tích sâu, ta đều thấy do không thực hiện một hoặc nhiều trong 4 cái đức ấy.
Điển hình về vi phạm đạo đức hiện nay là sự bất liêm và bất chính: Những vụ tham nhũng liên tiếp xảy ra, liên tiếp bị phát hiện, liên tiếp bị xử lý và liên tiếp xuất hiện dưới những thủ đoạn mới là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử phát triển của nước nhà. Nguy cơ mà ta phải đối mặt là sự bất liêm này đang làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước.
Tham lam là kẻ thù không đội trời chung của dân ta hiện nay. Tham lam có thể làm mất nước, bởi khi sự đục khoét của bọn tham nhũng phát triển đến tột độ thì người dân sẽ mất niềm tin. Vì vậy, cha ông ta chọn người quản lý dân là chọn quan thanh liêm. Quan bất liêm thì xã hội sẽ rối loạn.
Điển hình thứ hai về vi phạm đạo đức là sự bất chính, thể hiện ở những vụ việc không tuân thủ pháp luật, không sống theo kỷ cương, không tôn trọng lẽ phải. Sự bất chính ấy đang đe dọa an ninh con người từ ngoài đường phố đến trong gia đình, tại cơ quan công quyền đến học đường.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chương trình xây dựng mô hình "Công dân học tập". Việc "Học và làm theo gương Đạo đức Hồ Chí Minh" không nhất thiết phải tổ chức các lớp tập huấn quy mô lớn, mà thiết thực hơn cả là đưa những phẩm chất cần thiết của cần, kiệm, liêm, chính một cách mềm dẻo, linh hoạt vào Bộ tiêu chí đánh giá công nhận mô hình Công dân học tập.
Nhà trường chưa thực sự chú trọng dạy đạo đức
Trong bài thơ "Nửa đêm", Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu kết mang tính triết lý sâu sắc: "Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên".
Nhưng phải hiểu: "Lý thuyết gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất". Bất cứ một nội dung giáo dục nào, giáo dục về kỹ thuật hay công nghệ, giáo dục sinh học hay nhân văn, giáo dục thể chất hay đạo đức... đều phải bám sát quan điểm trên,
Phương pháp dạy người ta nói được mà không làm được không bao giờ là phương pháp giáo dục đạo đức, bởi nói cho cùng, đạo đức phải thể hiện ở hành động. Nói những điều về đạo đức mà không thể hiện đạo đức qua hành động đã được dân ta gán cho một thuật ngữ chính xác: Đạo đức giả.
Không ít nhà trường của chúng ta hiện nay chỉ chú tâm nhồi nhét kiến thức sách vở. Mà kiểu học này lại phải chi trả không ít tiền. Nền giáo dục và hệ thống trường học hiện nay đã tạo ra một kiểu giáo dục đắt đỏ, quá nhiều khoản thu, bao gồm thu theo những quy định của nhà nước và thu theo "lệ làng" hết sức tùy tiện. Nền giáo dục mất tiền và đắt đỏ này thường thực hiện phương pháp dạy học "chay" và chỉ thiên về lý thuyết. Có lẽ, vì yếu tố lợi nhuận mà chủ trương dạy lý thuyết suông, dạy "chay" về bất cứ môn học nào đều được quan tâm thực hiện.
Học trong một nhà trường khép kín và nối tiếp là những lớp học thêm khép kín đã làm cho trẻ em chẳng còn thì giờ đâu để tiếp xúc với xã hội, để tham gia các hoạt động, các tương tác xã hội. Chúng chỉ nói mà không làm được những điều cụ thể cần thiết.
So với năm 1981, năm 1991, nước Mỹ đã chi thêm mỗi đầu học sinh là 33% trong khi đồng đô la không mất giá. Không một người Mỹ nào thấy ngân sách tăng 33% mà hoạt động của nhà trường được hoàn thiện hơn.
Trong thông điệp về Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2000 của nước Mỹ, Tổng thống G.Bush lúc đó, đã nói: "Đồng đô la không giáo dục được học sinh. Công tác giáo dục phụ thuộc vào những cộng đồng có trách nhiệm – nơi công việc dạy học tiến triển tốt đẹp, vào đội ngũ giáo viên đầy tinh thần trách nhiệm và không bị ràng buộc gánh nặng của những công việc không liên quan đến công tác giáo dục, vào các phụ huynh có trách nhiệm với hoạt động của nhà trường, vào những học sinh có trách nhiệm cao với công tác học tập. Với những người muốn có được sự hoàn thiện thật sự trong nền giáo dục, tôi muốn nói rằng: sẽ không có sự hồi sinh nếu không có cách mạng".
Nếu nhà trường của chúng ta đã từng thu tiền nhiều, thì nên để một phần tài chính ấy cho các cháu học sinh được trải nghiệm trong lao động ở trang trại nông nghiệp, ở một số xí nghiệp lớn, một số doanh nghiệp, hoặc đi thu hoạch lúa và rau quả với nông dân... Hình như trước đây nhiều lứa học sinh đã từng hoạt động như vậy nên nay họ đang là những cán bộ, những công dân, những lao động và những chiến sĩ tốt trên mặt trận sản xuất và bảo vệ đất nước.
Nhận định về nhân lực có phẩm chất tốt
Sống trong xã hội, bất kỳ ai cũng phải có nghề hoặc có việc làm. Dù là nghề gì, dù là việc làm nào, họ đều phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phải thể hiện được những phẩm chất đạo đức của mình trong công việc.
Ta có thể đánh giá đạo đức con người một cách cụ thể, nghĩa là đánh giá qua những biểu hiện có thể đo đếm được. Trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, qua công việc hàng ngày, con người có những phẩm chất tốt phải thể hiện ở những dấu hiệu sau đây:
1. Trước hết họ phải là một lao động chăm chỉ, siêng năng, tận tâm với công việc, bảo đảm giờ lao động theo quy định của Nhà nước. Đi làm muộn, chưa tan ca đã tìm cách bỏ về, hiện tượng ấy là "ăn gian" thời giờ lao động – Chỉ riêng việc này đã là một khuyết điểm phải được phê phán.
Làm việc không tuân thủ giờ giấc theo quy định là gây lãng phí thời gian. Một số người có chức, có quyền tự cho mình được phép đi làm muộn. Họ triệu tập hội nghị, tất cả cán bộ, công nhân viên tề tựu đúng giờ nhưng chờ nửa giờ đồng hồ thủ trưởng mới tới. Trong thời đại ngày nay, lãng phí thời gian có thể xếp vào loại thiếu phẩm chất đạo đức.
2. Gây lãng phí trong công việc của cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... đều phải coi là thiếu những phẩm chất đạo đức, bởi lãng phí cũng có tác động tai hại như tham ô.
Ví dụ, chỉ riêng cho học sinh viết vào sách giáo khoa, nghĩa là, sách sử dụng 1 lần thì số sách phải in hàng năm như sau: Riêng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đầu năm học 2022 – 2023, sách lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 theo chương trình hiện hành đã in 55 triệu bản; sách lớp 3, 7, 10 theo chương trình phổ thông mới đã nhập kho 46,8 triệu bản; sách lớp 1, 2, 3,6,7,10 đã cung ứng tới các địa phương là 40 triệu bản. Sách dùng một lần/năm theo lượng in trên thì cần bao nhiêu gỗ để làm giấy? Sự lãng phí này như là sự phá tài sản quốc gia.
3. Làm ra sản phẩm không đủ chất lượng (thứ phẩm, phế phẩm) là kém đạo đức. Làm hàng giả (dược phẩm giả, rượu giả, thuốc trừ sâu giả, mỹ phẩm giả, bằng giả, chất lượng đào tạo giả, kết quả thi giả...) là tội ác.
4. Ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, lười học có thể coi như thiếu phẩm chất đạo đức của người lao động. Không học sẽ không chỉ không thăng tiến trong nghề, mà quan trọng hơn là sẽ tạo ra sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí là sản phẩm giả.
5. Cố tình ngồi nhầm vị trí trong chuyên môn – nghề nghiệp không chỉ là thiếu đạo đức trong nghề, mà có khi còn là vi phạm pháp luật.
Những điều trên cho thấy, đạo đức không là điều gì đó trừu tượng, mà nó rất cụ thể. Lâu nay, trong bình xét thi đua để chọn lao động tiên tiến, thường những người khéo nói, tránh va chạm, không làm mất lòng ai... dễ được xếp vào danh sách lao động tiên tiến, mặc dù với các tiêu chí cụ thể trên, họ không có đạo đức.
Cần thay đổi triệt để cơ chế và tiêu chí đánh giá công chức, viên chức và người lao động ăn lương, từ đó, ta sẽ có những con người tốt thật và tập thể lao động tốt thật - nhân lực chất lượng cao thật.
Cần tập trung đa dạng hóa mô hình "Công dân học tập" với những tiêu chí phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau như nông dân, công nhân, viên chức, công chức, doanh nhân, công an, quân đội...
Một cộng đồng lao động mà thành viên đều đạt danh hiệu "Công dân học tập" thì chắc chắn cộng đồng đó là một lực lượng lao động chất lượng chuyên môn và đạo đức cao. Đó chính là Nhân lực chất lượng cao mà chúng ta đang hướng đến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google