Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chí “Công dân học tập”
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta buộc phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chí “Công dân học tập” tiếp cận tiêu chí “Công dân toàn cầu”.
Tại hội thảo khoa học Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình “công dân học tập” tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do TƯ Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đại học Vin Uni gần đây, phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp đến lực lượng lao động ở tất cả các lĩnh vực, nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chí cụ thể của “Công dân học tập” – là con người với những năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số thì Việt Nam chúng ta sẽ bị tụt hậu xa hơn về mọi mặt vì nguồn nhân lực này chủ yếu do hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, các trường nghề đảm nhiệm.
Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực của đất nước, lực lượng lao động đang tham gia vào thị trường lao động còn yếu về chất lượng, thiếu kỹ năng làm việc và tác phong lao động công nghiệp.
Năm 2019, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Đến nay, lực lượng lao động của chúng ta khoảng 55,16 triệu người, chiếm khoảng 59% dân số, song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo.
Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động do thiếu năng lực sử dụng ngoại ngữ, thiếu năng động, sáng tạo và kiến thức thực tế.
Báo cáo của WB năm 2018 cũng đánh giá: Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao thì 1/4 trong số đó không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, từ quản lý vĩ mô đến quản lý vi mô, song với trách nhiệm của mình, ta cần tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên vì trách nhiệm của các trường đại học và trường nghề là đào tạo nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước phù hợp với mỗi giai đoạn.
“Có lẽ các trường, trước những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong Cách mạng 4.0, trước tình hình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào trường quốc tế với nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết, trước yêu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng cao của nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam sau đại dịch Covid 19 và trước yêu cầu phải thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, cần thiết phải xây dựng các tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực, gọi chung là tiêu chí cho các “Công dân học tập” của từng ngành để các trường có nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói.
Mục đích của Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập” được tổ chức hôm nay nhằm góp phần quan trọng giải quyết vấn đề đó.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng đặt ra vấn đề cần đổi mới nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chí “Công dân học tập”.
Theo đó, trước tiên cần thống nhất nhận thức là buộc phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu nền kinh tế số, phát triển dựa vào tri thức và bằng tri thức theo tiêu chí “Công dân học tập” tiếp cận dần theo tiêu chí “Công dân toàn cầu”. Đó là các công dân cần có đầy đủ 2 tiêu chí về năng lực và phẩm chất.
Về năng lực cần có nhóm năng lực cá nhân (kỹ năng mềm), nhóm năng lực sử dụng các công cụ phục vụ quá trình lao động của bản than, nhóm năng lực chuyên môn vượt trội đối với đồng nghiệp trong đơn vị, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao và nhóm năng lực thực hiện và giải quyết các quan hệ xã hội.
Về phẩm chất cần có đạo đức trong sáng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; đoàn kết, nhân ái, chia sẻ; có tinh thần hợp tác trong công việc. Đây cũng chính là những năng lực và phẩm chất cần có của “Công dân học tập” thời kỳ Cách mạng 4.0 mà mỗi thành viên của nguồn nhân lực chất lượng cao cần có.
Trường đại học hướng tới đào tạo năng lực cốt lõi của Công dân học tập
Trình bày tham luận “Những điều kiện cần và đủ để trường đại học xây dựng và triển khai thành công mô hình “Công dân học tập”, TS. Nguyễn Hữu Cương, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng - một trường đại học tự chủ hoàn toàn và là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất được xếp hạng trong top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới theo ARWU cho rằng, có 9 điều kiện cần và 5 điều kiện đủ để thực hiện thành công mô hình công dân học tập.
Xây dựng xã hội học tập là xu thế tất yếu của thế kỷ 21, trong đó hình thành các công dân học tập là nền tảng. Để thực hiện thành công mô hình công dân học tập và học tập suốt đời thì trường đại học có vai trò hết sức quan trọng.
"Từ thực tiễn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, cần 9 điều kiện nhất thiết phải có để trường đại học xây dựng và triển khai được mô hình công dân học tập.
Các điều kiện đó bao gồm: Tự chủ đại học; lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo; nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin; không ngừng tìm kiếm phương pháp dạy-học mới; cơ sở dữ liệu mở và sự kết nối với các trung tâm học tập; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hỗ trợ giáo dục; hợp tác quốc tế và kiểm định và xếp hạng.
Ngoài ra, cần 5 điều kiện đủ cần sự chung tay phối hợp của nhiều cấp: Xây dựng thái độ công dân học tập trong nhân dân; xây dựng sự sẵn sàng tham gia vào xã hội học tập của nhân dân; phát triển cơ sở vật chất công cộng từng bước; cơ quan điều phối để kết nối đại học với các cơ sở học tập công cộng và hoàn thiện mô hình đánh giá, đo lường chuẩn để bảo đảm tính liên thông”, đại diện này nêu quan điểm.
Qua 23 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu gần như với bàn tay trắng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát triển trở thành đại học hàng đầu Việt Nam và đứng trong Top 1000 đại học tốt nhất thế giới. Có thể nói, mọi hành động của Trường đều hướng đến tạo ra môi trường học thuật và học tập đúng nghĩa là “đại học” cho người học.
Ngoài việc tạo ra môi trường học tập đẳng cấp quốc tế, nhà trường còn tập trung vào việc giáo dục con người toàn diện để người học, người nghiên cứu từ trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể cạnh tranh thành công và sống, hợp tác tốt với mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Đó chính là mô hình công dân học tập mà nhà trường đang triển khai thực hiện.
Theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), mô hình “công dân học tập” là mô hình giáo dục mới nhằm đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đề cao tinh thần tự học, tự phát triển của cá nhân.
Theo mô hình này, việc đào tạo trên lớp không chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức, kỹ năng, mà quan trọng hơn còn là giới thiệu các nguồn tài liệu, dữ liệu phục vụ quá trình tự học (World Economic Forum, 2019). Bạn học có ý nghĩa quan trọng trong việc cộng tác học tập và học hỏi lẫn nhau, trong khi giảng viên đảm nhận vai trò là người hướng dẫn. Trách nhiệm chính trong quá trình học tập cũng chuyển từ người hướng dẫn sang người học.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện mô hình “công dân học tập” tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ cán bộ giảng viên tại Học viện Ngân hàng sẽ cần phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực bằng những biện pháp như tập huấn, tự đào tạo và phát triển, sử dụng công nghệ hiện đại phục vụ dạy học, ứng dụng các hình thức, mô hình học tập tiên tiến, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ và ứng dụng trong công tác và nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Các sinh viên – chủ thể của việc học cần tích cực tìm hiểu, tiếp thu và sáng tạo tri thức để trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác, sinh viên cũng cần xây dựng, hình thành lối sống văn hóa, văn minh, tiến bộ trên nền tảng các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Minh Xuân – Đại học Thăng Long cho rằng, có 2 vấn đề lớn được đặt ra trước các quốc gia.
Một là: Không thể ngay một lúc xây dựng xã hội học tập trên mọi địa bàn dân cư trong cả nước, mà phải chọn một số địa bàn cụ thể, tập trung nguồn lực để thực hiện được chủ trương xây dựng từng cộng đồng học tập trước khi triển khai đại trà, thực hiện cả nước trở thành một xã hội học tập.
Hai là: Phải định hướng xây dựng con người với những năng lực và phẩm chất nhất định đáp ứng được yêu cầu phát triển của cộng đồng học tập. Đó là sự định hướng vào mô hình công dân học tập.
Và học tập của Công dân học tập trường đại học là lao động nhiều khi còn nặng nhọc hơn cả lao động chân tay, đòi hỏi quá nhiều thời gian, con người phải chi phí quá nhiều năng lượng, nhưng học tập không có chế độ nghỉ hưu, mà phải tiến hành suốt đời.
Nhìn vào thực tế trường mình, TS. Hoàng Cửu Long - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, tầm nhìn của nhà trường cho mô hình “công dân học tập” cũng đã xác định rõ về việc cung cấp cho người học môi trường giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học tốt nhất. Từ đó, giúp người học nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo khi tốt nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng nhanh với nền kinh tế toàn cầu.
Việc chú trọng phát triển và trao dồi kỹ năng mềm trong môi trường Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tính quốc tế hóa tại trường đại học lại càng trở nên thiết thực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google