Tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao: Đạo đức là tri thức

GS.TS Phạm Tất Dong
11:39 - 14/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Đạo đức là tri thức" không đơn thuần là một mệnh đề triết học, mà là một triết lý sống. Muốn có đạo đức phải có hiểu biết (tri thức), và muốn có hiểu biết phải có giáo dục.

Tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao: Đạo đức là tri thức- Ảnh 1.

Muốn có đạo đức phải có tri thức - muốn có hiểu biết phải có giáo dục. Ảnh: ImageIT

Xét từ góc độ chất lượng nhân lực, khái niệm đạo đức và lương tâm được bổ thành những lát cắt để đi sâu vào nghiên cứu đạo đức cách mạng, đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp. Điều này không có nghĩa mỗi hình thái đạo đức đó sẽ gắn với từng đối tượng cụ thể, như đạo đức cách mạng gắn với cán bộ lãnh đạo và quản lý, đạo đức công dân gắn với những người dân lao động và đạo đức nghề nghiệp gắn với tầng lớp công chức, viên chức, kỹ thuật viên, nhà giáo hay thầy thuốc...

Trong đời sống hàng ngày, mỗi hành vi đạo đức có thể được xét trên nhiều bình diện cùng một lúc. Dù xét ở khía cạnh nào thì cũng để hiểu "tri thức hoặc ý thức của họ về sự đúng – sai, tốt – xấu, thiện – ác, phải – trái..."

Đạo đức và lương tâm – vấn đề quan trọng của mọi thời đại

1. Theo Socrates, nguồn gốc của đức hạnh là tự biết mình, tự nhận ra mình sai thì sẽ không làm sai. Tự xét mình với một luận điểm riêng về đạo đức, Ông nói rằng, một cuộc đời không tự xét mình thì không đáng sống. Vì thế, Socrates bác bỏ "cuộc sống vô minh", và ông chủ trương rằng, mọi tri thức có liên quan đến bản chất và cuộc sống của con người đều đáng được sở hữu và cần phải tích lũy. Điều này, trong thế kỷ XXI của chúng ta, nó vẫn đúng và rất đúng.

Đạo đức con người, những đức hạnh của con người hoàn toàn đối lập với sự thờ ơ. Kẻ thờ ơ với cuộc sống là kẻ không có đức hạnh. Câu nói nổi tiếng của Socrates trong ngữ cảnh này là "Điều tốt đẹp duy nhất là tri thức. Điều xấu xa duy nhất là sự thờ ơ".

Triết gia nổi tiếng Socrates nghèo đến mức độ toàn bộ tài sản của ông chỉ có giá trị bằng một nửa tiền mua một con ngựa thời đó, và nghèo hơn cả một nô lệ khá giả nhất. Nhưng ông sống tử tế từ những việc nhỏ nhất cho đến việc lớn nhất. Ông không nhận tiền của ai vì cho rằng, làm như vậy bản thân sẽ là nô lệ của kẻ giàu.

Khi bị bức tử bằng thuốc độc của nhà cầm quyền, Socrates đã dặn dò bạn bè và uống bát sâm độc. Lúc hấp hối, câu cuối cùng của ông là: "Này Crito, tôi còn mắc nợ Asclepius một con gà trống, anh làm ơn trả giùm cho tôi được không?"

Đó là thái độ tử tế cuối cùng ở Socrates. Chắc người bán gà không trách gì ông khi biết ông bị xử tử. Nhưng Socrates không vì thế để cho mình quên không trả nợ.

Hạt nhân cơ bản trong quan điểm đạo đức của Socrates là lý tính, là đề cao tri thức. Tri thức là cái điều tiết duy nhất và là tiêu chí đang tin cậy về lối ứng xử của con người. Từ Socrates, ta rút ra kết luận: Đức hạnh là tri thức

2. Chúng ta sống sau Socrates gần 2500 năm với một thời đại văn minh công nghệ và xã hội tri thức, nên càng phải hiểu giá trị của tri thức trong việc tu dưỡng để có được trong tâm những phẩm chất được gọi là đạo đức (đức hạnh, đức độ) và lương tâm con người.

Trong thời đại văn minh huy hoàng này, nhân loại phải đối diện với những nguy cơ, những biến động, những đe dọa của sự hủy diệt mang tính toàn cầu, mà sự cứu vãn duy nhất là mỗi người phải có được những đức hạnh và lương tri cần thiết.

Trước hết, là nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang được đẩy dần lên đến ngưỡng cuối của nó. Trong tác phẩm "Suốt đời tìm kiếm hòa bình", Nhà văn hóa Nhật Bản – ông Ikeda – viết rằng, chiến tranh ngày nay không chỉ gây nên sự hủy diệt, mà nó sẽ mang lại sự tuyệt diệt của cả loài người. Chỉ cần một cái bấm nút kích hoạt cuộc chiến hạt nhân, thì trong giây lát, chẳng có ai thắng, chẳng có ai thua, tất cả cuộc sống của mọi sinh linh trở về số 0.

Cũng như vậy, ở thời đại 4.0 hôm nay, nhân loại đang lo ngại đến sự biến đổi khí hậu và những hệ lụy khôn lường của những hành động con người gây ra, phá vỡ mọi thế cân bằng của thế giới.

Sự nóng lên của trái đất nếu tiếp tục tăng thêm từ 1 – 6 độ vào năm 2050 thì ước tính khoảng 50% động vật và thực vật trên thế giới sẽ tuyệt chủng, nạn bão lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh từ nguyên nhân biến đổi khí hậu sẽ tăng lên. Không có sự quyết tâm chặn đứng những hành vi từ nhỏ đến lớn làm hư hại đến khí hậu, đến môi trường, loài người sẽ hứng chịu những kết quả kinh hoàng vì các hệ sinh thái bị phá vỡ, sự đa dạng sinh học bị thủ tiêu, môi trường không khí và nước bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, những dịch bệnh mới xuất hiện... Sự ngu dốt và ích kỷ - một biểu hiện điển hình của hành vi vô đạo đức và không lương tri – sẽ đưa thế giới đến tình trạng nguy khốn.

3. Đã đến lúc chúng ta cần phải đánh thức đạo đức và lương tâm con người bằng tri thức của thời đại. Tri thức sinh thành ra thế giới, tri thức sẽ tiếp tục sáng tạo ra thế giới. Cho nên, sự thiếu hụt tri thức sẽ làm ta phải hứng chịu những điều tồi tệ nhất.

Con người phải sửa mình để tránh cái khiếm khuyết "kém hiểu biết" và làm tăng tài sản của mình bằng khối lượng tri thức. Con đường đó được quy về một triết lý giáo dục: Học không bao giờ cùng." data-rel="follow" style="background-color: rgb(255, 255, 255);">Học không bao giờ cùng.

Sự giàu có về tri thức là cái căn cốt trong tâm con người mà ta gọi là đức hạnh, đức độ, đạo đức, lương tâm... Những cái đó dựng nên một "vị quan tòa" trong chính chúng ta để phán xử một hành vi nào đó mà ta thực hiện là đúng hay sai, thiện hay ác, tốt hay xấu. Nhận thức đúng về bản thân, về bản thân giữa các quan hệ xã hội một cách đúng đắn, thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy, chúng ta sẽ không là kẻ bất liêm, là chính chứ không phải là tà, là ngay chứ không phải là kẻ gian manh, hèn mọn, dối trá, tham lam, ích kỷ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, việc nhỏ mấy mà có ích cho mọi người cũng chớ bỏ qua, việc xấu thì dù nhỏ mấy cũng không được làm. Hành vi đạo đức phải là như vậy, vì việc tốt được tích lũy sẽ thành rất tốt, còn việc xấu dù nhỏ mà tích tụ dần sẽ thành tội ác.

Người xưa đã nói rõ điều này: Lời nói thì thầm về một việc xấu, người ngoài nghe như tiếng sấm động vậy.

Không làm điều xấu, điều ác, tránh xa những việc làm có hại người khác và đồng thời làm băng hoại nhân cách bản thân là một lối sống lành mạnh nhất. Ngày xưa, Sách Minh tâm bảo giám có ghi một nhân sinh quan về đạo đức: "Nhất sinh hành thiện, thiện do bất túc/ Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư". Tạm dịch là cả đời làm điều thiện mà điều thiện chưa đủ, một ngày làm điều ác thì điều ác đã thừa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để không làm điều ác, thì điều kiện tiên quyết là không để cái ác tồn tại trong ý nghĩ, trong tâm khảm, mà phải luôn sửa mình để trút bỏ nó. Nhưng theo kinh nghiệm của Người thì việc làm đó rất khó, không quyết chí tu dưỡng sẽ không thành quả. Người nói chống lại cái ác bên ngoài đã khó, chống lại cái ác bên trong còn khó hơn.

Một lần, đọc sách của Ikeda viết khi ông ở cương vị chủ tịch Hội Phật giáo thế giới có câu: "Đánh kẻ cướp trên núi rất khó, những đánh kẻ thù trong tâm còn khó hơn nhiều lần".

Đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo đức cách mạng với đạo đức công dân, là sự hòa quyện chặt chẽ những giá trị đạo đức truyền thống với giá trị đạo đức của thời đại. Người có một câu thơ ngắn mà bao quát gần như toàn bộ tư tưởng về đạo đức mà sự trải nghiệm qua đấu tranh vì độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc đã khái quát một cách tài tình: ""Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành Trời. Thiếu một phương thì không thành Đất. Thiếu một đức thì không thành Người."

Tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao: Đạo đức là tri thức- Ảnh 2.

Con người có thể làm tăng tài sản của mình bằng khối lượng tri thức. Con đường đó được quy về một triết lý giáo dục: Học không bao giờ cùng. Ảnh: ImageIT

Đạo đức là tri thức

"Đạo đức là tri thức" không đơn thuần là một mệnh đề triết học, mà là một triết lý sống, muốn có đạo đức phải có hiểu biết (tri thức), và muốn có hiểu biết phải có giáo dục.

Hơn 2500 năm trước, triết gia Socrates tổng kết quan điểm đạo đức của ông đã rút ra lập luận bất hủ này. Vào cuối thế kỷ 18, nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng – Jean Jacques Rousseau khẳng định lại. Cuối thế kỷ 19, nhà vật lý lý thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại Albert Einstein đã nhắc lại triết lý này trong tuyên ngôn giáo dục của mình. Đầu thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nêu cao tư tưởng học tập suốt đời để con người đạt tới chân – thiện – mỹ.

Vậy vấn đề quan hệ "Tri thức – Đạo đức" dưới lăng kính "Xã hội học tập", hay nói cách khác, là theo quan điểm "Học tập suốt đời" được hiểu như thế nào?

Xây dựng nền giáo dục dân chủ đích thực vì mục tiêu đào tạo những công dân tự do. Nền giáo dục dân chủ là nền giáo dục lấy con người làm trung tâm và đào tạo công dân tự do là xây dựng con người được phát huy những "năng lực sẵn có" trong họ (trích Tư tưởng Hồ Chí Minh).

Về điều này, Jean Jacques Rousseau – một triết gia có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng Pháp 1789 đã viết trong bản "Nghị luận về nền kinh tế chính trị": "Nếu con người không được tự do, họ không thể yêu nước. Họ không thể có tự do nếu xã hội không có đạo đức. Đạo đức không thể tồn tại nếu không có công dân.

Quốc gia cần có công dân yêu nước với tinh thần trách nhiệm cao. Xã hội là một tập thể sinh động được quản lý bởi ý muốn của tập thể chứ không phải ý muốn của một người. Chính vì được ở trong tập thể sinh động này mà con người được hoàn mỹ về tinh thần. Con người sống bên ngoài tổ chức chỉ là số không.

Muốn đạt tri thức tốt, nhân loại cần được hướng dẫn về tinh thần và trách nhiệm công dân. Con người phải đặt ước muốn cá nhân dưới nguyện vọng tập thể, và muốn hiểu được sự ích lợi của việc đặt quyền lợi chung lên trên, con người cần có tri thức và được giáo dục".

Nhà triết học của trào lưu "khai minh" nghĩ như vậy. Còn những nhà khoa học nghĩ gì về đạo đức và con đường hình thành đạo đức? 

Albert Einstein, nhà vật lý học vĩ đại đã viết: "Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng, nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là, anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức về cái gì là đẹp, cái gì là thiện. 

Nếu không, với kiến thức chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người phát triển hài hòa. Anh ta cần được học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng".

Bình luận của bạn

Bình luận