Singapore: Thành phố thông minh nhất thế giới

Minh Ngọc
13:31 - 22/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Singapore là quốc gia tiêu biểu trong việc nắm bắt lợi thế của công nghệ hiện đại để thiết kế thành phố theo hướng tiện nghi và thân thiện với người dân, tạo ra một mô hình thành phố thông minh hàng đầu trên thế giới.

Thành phố thông minh là một đô thị ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giải quyết các thách thức của đô thị, nâng cao chất lượng sống của cư dân và tạo nên một cơ sở hạ tầng bền vững.

Theo bảng xếp hạng do Viện Phát triển quản lý Thụy Sĩ (IMD) kết hợp với Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore công bố vào tháng 11/2021, Singapore 3 năm liên tiếp là thành phố thông minh nhất thế giới. Bảng xếp hạng dựa trên ý kiến của cư dân 118 thành phố trên thế giới về cách công nghệ đã cải thiện cuộc sống của họ. 

Singapore có diện tích hơn 700km2 và dân số trên 5,9 triệu người. Lãnh thổ Singapore gồm một đảo chính và 63 đảo nhỏ (rất ít đảo có người ở). Vì thế, thành phố - thủ đô Singapore gần như là cả quốc gia Singapore đã được đô thị hóa từ hơn nửa thế kỷ qua. Điều này đã tạo ra danh hiệu kép cho Singapore là thành phố - quốc gia thông minh nhất thế giới.

Singapore: Thành phố thông minh nhất thế giới - Ảnh 1.

Singapore là thành phố - quốc gia thông minh nhất thế giới. Ảnh: Klook

Theo Tiến sĩ Bruno Lanvin, Chủ tịch Đài quan sát thành phố thông minh của IMD, thành tựu của Singapore phần lớn do các chính sách mà họ đưa ra ở cả cấp thành phố và quốc gia, đặc biệt trong các dịch vụ chính phủ điện tử và chiến lược đô thị lấy con người làm trung tâm.

Điểm khác biệt của thành phố thông minh Singapore là không dừng ở công nghệ hóa mà mở rộng biên độ, thông qua công nghệ kỹ thuật số để cải thiện chất lượng cung cấp và phát triển dịch vụ đô thị.

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Juniper Research (Anh), Singapore là hình mẫu chuẩn mực hoàn hảo cho một thành phố của tương lai. Không chỉ là thành phố - quốc gia thông minh nhất thế giới, Singapore còn có rất nhiều điểm cộng khác như: môi trường sống trong lành, môi trường giáo dục lý tưởng, chuẩn mực xã hội rất cao, rất ít tệ nạn xã hội, tham nhũng... 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã khẳng định: "Quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần của xã hội, bất kể tuổi tác hay địa vị, đều được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ."

Sáng kiến Quốc gia thông minh

Theo "Sáng kiến quốc gia thông minh" do Thủ tướng Lý Hiển Long đề ra cuối năm 2014, Singapore bắt tay xây dựng thủ đô trở thành "thành phố của tương lai". 

Singapore sử dụng nguồn ngân sách chính phủ để thực hiện các chương trình đề ra trong Sáng kiến Quốc gia thông minh, phát triển hệ thống quản trị kỹ thuật số, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền, giảm nguồn lực và chi phí, giúp người dân có cuộc sống thông minh và chất lượng cao hơn.

Singapore đã đầu tư xây dựng mạng lưới Internet băng thông rộng tốc độ cực nhanh và wifi miễn phí. Đây cũng là quốc gia đầu tiên phủ sóng hoàn toàn bằng mạng 5G độc lập.

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về các thành phố và trung tâm công nghệ thông minh với 3 điểm đột phá công nghệ chủ chốt:

Thứ nhất, dùng dữ liệu lớn (big data) để nâng cao nguồn lực. Singapore là một thành phố ven biển với diện tích đất đai khá hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Đảo quốc Sư tử đã tận dụng dữ liệu để tối ưu hóa tiềm năng không gian đất liền và biển của mình. Năm 2019, Cơ quan Hàng hải và Cảng của Singapore đã phát triển một nền tảng thông tin để tổng hợp dữ liệu về biển, ven biển và đất liền thu thập từ 11 cơ quan của chính phủ. Nhờ đó, họ đã xây dựng một phiên bản ảo của không gian biển và ven biển có tên là GeoSpace-Sea.

Công nghệ này cho phép dữ liệu được trình bày ở định dạng 2D và 3D để các cơ quan chính phủ có thể giám sát các hoạt động ven biển và biển theo thời gian thực, phát triển các kế hoạch sử dụng bờ biển và cải tạo đất, điều phối các nhà máy khử muối và xả nước thải, quản lý nghề cá và bảo tồn đa dạng sinh học biển, cũng như tạo không gian giải trí công cộng.

Singapore: Thành phố thông minh nhất thế giới - Ảnh 2.

Singapore là hình mẫu chuẩn mực cho một thành phố của tương lai. Ảnh: CNN

Thứ hai, biến các công ty khởi nghiệp thành "kỳ lân" - thuật ngữ chỉ các công ty mới thành lập đạt giá trị từ 1 tỉ USD trở lên. Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Tài chính Hong Kong - chuyên gia về thanh toán xuyên biên giới Paul Li, các chính sách công nghệ tài chính hợp thời của Singapore đã khiến nước này trở nên hấp dẫn với các công ty mới thành lập muốn đặt trụ sở chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành Đạo luật dịch vụ thanh toán vào tháng 1/2020. Luật hợp lý hóa các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới bằng cách gom 7 hình thức thanh toán, bao gồm mã thông báo thanh toán kỹ thuật số hoặc tiền điện tử, vào một khuôn khổ cho phép. Ngay cả khi tiền không chảy qua Singapore, việc chuyển tiền của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Singapore cũng phải tuân theo quy định MAS và đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính. Điều này cho phép các công ty vừa phát triển kinh doanh vừa tuân thủ việc hợp tác với các tổ chức tài chính khác, đồng thời chống rửa tiền.

Thứ ba, chứng minh thư điện tử e-ID. Singapore đã ra mắt e-ID có tên gọi Singpass từ năm 2003. Đây là một đặc điểm quan trọng của chính quyền thông minh, cho phép mọi người tận hưởng các dịch vụ trực tuyến, cũng như giúp chính phủ dễ dàng áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số mang lại lợi ích cho công dân.

Người dân còn có thể tải ứng dụng di động Singpass để thiết lập chứng minh thư kỹ thuật số, dùng để truy cập hầu hết các dịch vụ công, từ đặt lịch khám sức khỏe, mượn sách từ thư viện, vào các tòa nhà chính phủ cho đến xin cấp hộ chiếu hoặc thuê nhà ở. Tính đến năm 2021, khoảng 97% người Singapore từ 15 tuổi trở lên có tài khoản Singpass và hơn 3,2 triệu người đã dùng ứng dụng Singpass.

Chương trình nhà ở xã hội và phát triển đô thị trên biển

Chính phủ Singapore đã thực hiện chính sách một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở xã hội thông qua việc thành lập Ủy ban Phát triển nhà ở (Housing Development Board - HDB) nhằm phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả hơn. Điều này không những bảo đảm nguyên liệu, quỹ đất và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí. Nhờ sự định hướng, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý, chương trình nhà ở xã hội đã đi đúng lộ trình, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân trong cộng đồng.

Singapore: Thành phố thông minh nhất thế giới - Ảnh 3.

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về các thành phố và trung tâm công nghệ thông minh. Ảnh: CNN

Chương trình nhà ở xã hội HDB là một trong những thành tựu nổi bật của Singapore. Dù phải sống trong một đất nước có chi phí sinh hoạt đắt đỏ, người dân tại đây lại không phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhà ở. Cho đến nay, khoảng 90% dân số của Singapore đã được sống trong các khu nhà ở xã hội.

HDB cũng đang thử nghiệm các sản phẩm thông minh trong nhà như hệ thống chiếu sáng thông minh để tiết kiệm năng lượng, cảm biến theo dõi cư dân cao tuổi đề phòng trường hợp khẩn cấp, cảm biến thu gom chất thải khí nén tự động để thu gom rác thải không mùi…

Bên cạnh đó, là một đất nước có diện tích hạn chế, Singapore luôn đứng trước nhu cầu cần phát triển quỹ đất, tận dụng tối đa mọi không gian trên mặt đất và trên biển nhằm đáp ứng quy mô dân số ngày càng tăng.

Quốc gia này đã phát triển mô hinh Green Float - đảo nổi trên biển với khả năng cung cấp không gian sống cho 50.000 người, gồm các căn hộ trên cao, văn phòng ở giữa và nông trại, bãi biển tại các tầng thấp.

Giao thông hướng đến công nghệ máy bay không người lái

Về giao thông đường bộ, Đảo quốc Sư tử đã hình thành mạng lưới cảm biến đường phố toàn quốc, từ đó làm khung tính phí đường bộ theo mức độ sử dụng thực, đồng thời cung cấp thông tin giao thông và dịch vụ tiện ích sạc tự động ở các bãi đỗ xe.

Ở các giao lộ, người cao tuổi và khuyết tật có thể quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) ở hộp chờ để có nhiều thời gian qua đường hơn.

Bên cạnh đó, Singapore đang có ý định mở rộng không gian thành phố này lên không trung trong vòng 50 năm tới với dự án vận chuyển hàng hóa bằng máy bay không người lái. Nhằm đảm bảo an toàn tối đa, mỗi chiếc máy bay không người lái dự kiến sẽ sử dụng nhiều hệ thống định vị hàng không vũ trụ nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Sử dụng năng lượng bằng truyền điện không dây

Đối với vấn đề sử dụng năng lượng, truyền điện không dây được xem như là một công nghệ tiên tiến đáng chú ý tại Singapore.

Theo đó, một hệ thống máy phát sẽ được chế tạo nhằm tùy chỉnh, chuyển đổi dòng điện thành sóng điện từ. Nhờ vào một thuật toán phức tạp, sóng này sẽ được tạo ra, tập trung lại thành một chùm chặt chẽ truyền tới một dãy anten sử dụng tần số vô tuyến. Máy thu sẽ thu thập các sóng tần số vô tuyến và chuyển đổi chúng thành dòng điện một chiều có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện.

Singapore: Thành phố thông minh nhất thế giới - Ảnh 4.

Tại Singapore, mọi người dân, bất kể tuổi tác hay địa vị, đều được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ. Ảnh: Klook

Singapore sẽ còn thông minh hơn

Việc ứng dụng công nghệ thông minh đã biến Singapore thành quốc gia có mức độ an toàn, thuận tiện cao, môi trường trong sạch, là một nơi đáng để sống và làm việc. 

Ông Chan Cheow Hoe, Giám đốc Hệ thống thông tin chính phủ Singapore, cho biết: Chỉ số thành phố thông minh của Singapore khác biệt ở chỗ mang tính toàn diện, không chỉ về công nghệ mà còn về mức độ hài lòng của người dân trong việc sử dụng công nghệ, coi phản hồi của người dân là một trong những thước đo. 

Mặc dù đã đạt đến đỉnh cao thế giới nhưng Singapore không dừng lại. Quốc gia này sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ hiện đại để thành phố thông minh hơn nữa. 

Những công nghệ tiêu biểu, hiện đại nhất thế giới đang và sẽ sớm được ứng dụng đại trà tại đây có thể kể đến: thanh toán bằng mã QR tại quán ăn đường phố; ô tô kiêm tài xế tự động; vòng đeo tay kết hợp theo dõi sức khỏe và thẻ EZ-Link (dùng để đi xe bus và tàu MRT); cảnh sát sử dụng thiết bị bay không người lái để truy bắt tội phạm; hệ thống nhà thông minh sử dụng cảm biến đa tác dụng (theo dõi sự di chuyển của các thành viên), việc sử dụng thiết bị gia dụng, điều khiển từ xa; cột đèn đường thu thập dữ liệu về thời tiết, giao thông, hướng dẫn các phương tiện tự lái; robot trở thành lực lượng lao động làm dịch vụ;...

Nguồn: tổng hợp