Chống tham nhũng: kinh nghiệm của Singapore
Tổ chức Minh bạch quốc tế có trụ sở tại Đức hàng năm đưa ra bảng xếp hạng các nước theo chỉ số Cảm nhận tham nhũng. Singapore trong nhiều năm qua đứng hàng đầu với chỉ số Cảm nhận tham nhũng là trên dưới 85 điểm.
Năm 2021, Singpore đứng thứ tư trên bảng xếp hạng (sau Đan Mạch, Phần Lan, Tân Tây Lan và ngang với Na Uy, Thuỵ Điển).
Tại sao Singapore có thể đạt được thành tích như vậy?
Singapore coi chống tham nhũng là "nguyên tắc chiến lược" quản trị quốc gia
Trước hết đó là nhận thức. Singapore cho rằng để quốc gia nhỏ bé của mình có thể tồn tại được thì cần phải kiểm soát được tham nhũng. Kiểm soát tham nhũng là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi và sân chơi bằng phẳng cho kinh tế phát triển. Kiểm soát tham nhũng còn tạo lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Do vậy, Singapore coi chống tham nhũng là "nguyên tắc chiến lược" quản trị quốc gia. Việc công phải được giải quyết trên cơ sở hợp lý, với quy định rõ ràng ai cũng phải làm theo. Làm được như vậy sẽ tăng cường tính minh bạch của quy định và công chúng sẽ tin tưởng hơn rằng chính phủ sẽ giải quyết công việc không thiên vị.
Singapore chỉ có thể thành công nếu thực hành nguyên tắc trọng dụng người giỏi, theo đó mọi người được hưởng theo sức lao động của mình chứ không theo những biện pháp tham nhũng.
Ngay từ năm 1979, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã giải thích: "Vào thời điểm lãnh đạo của chúng ta không còn không thể tham nhũng được, không còn nghiêm khắc đòi hỏi tiêu chuẩn cao thì đó cũng là thời điểm tính liêm khiết của cơ cấu hành chính sẽ yếu đi và rồi sụp đổ… Chỉ khi nào chúng ta đề cao liêm khiết của bộ máy hành chính thì nền kinh tế mới có thể hoạt động theo cách tạo điều kiện cho người dân Singapore thấy rõ quan hệ giữa chịu khó làm việc và phần thưởng cao".
Bốn trụ cột chống tham nhũng
Singapore đã đề ra và thực hiện bốn trụ cột chống tham nhũng, đó là:
a. Luật chống tham những hữu hiệu;
b. Cơ quan chống tham nhũng hữu hiệu;
c. Cơ quan tư pháp hữu hiệu;
d. Bộ máy hành chính hữu hiệu.
a. Bộ luật chính là "Luật Ngăn chặn tham nhũng", quy định các tội tham nhũng và quyền của Cơ quan Điều tra hành động tham nhũng và Luật Tham nhũng, Buôn bán ma tuý và các Tội phạm nghiêm trọng khác, cụ thể hoá việc tịch thu tài sản, tiền bạc mà người phạm tội không thể giải thích một cách thoả đáng.
Khác với luật của các nước khác, "Luật Ngăn chặn tham nhũng" cho phép Cơ quan Điều tra hành động tham nhũng điều tra cả khu vực công và khu vực tư. Luật Singapore còn có quy định công, viên chức chính phủ không giải thích được tiền mình nhận không phải là tham nhũng, thì sẽ bị coi là tham nhũng. Người nhận tiền sẽ bị toà coi là tham nhũng ngay cả khi người đó không có quyền hay không có cơ hội làm gì cho người trả tiền.
Luật cấm không cho nhận "phong bì" dưới mọi hình thức, kể cả tiền lì xì Tết. Người nhận tiền đút lót phải trả phạt bằng khoản tiền đã nhận, ngoài ra còn bị phạt hay phạt tù…
b. Cơ quan Điều tra hành động tham nhũng là cơ quan duy nhất có quyền tiến hành điều tra tội tham nhũng. Các cơ quan thực thi pháp luật khác phải chuyển tin về tội tham nhũng cho Cơ quan này.
Cơ quan Điều tra hoàn toàn độc lập hành động và có thể tiến hành điều tra bất kỳ người nào hay công ty nào. Cơ quan báo cáo trực tiếp cho Thủ tướng để tránh thiên vị hay bị can thiệp trong quá trình tiến hành công việc. Tự do hành động của Cơ quan Điều tra được bảo đảm bằng Hiến pháp với điều khoản Tổng thống có thể cho phép tiếp tục điều tra nếu Thủ tướng không cho phép.
Cơ quan hoạt động theo nguyên tắc "nhanh và chắc", bảo đảm hành động nhanh chóng trong khi chắc có nghĩa là hành động dứt khoát và có kết quả cụ thể.
c. Phát hiện và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật phải được bổ sung bằng cơ quan tư pháp hữu hiệu. Quyết định của toà án mang tính răn đe đối với phạm tội và những người có ý định phạm tội. Với cơ quan tư pháp thì thông điệp phải là tham nhũng không mang lại gì.
Quá trình xét xử phải mở và công khai. Phán quyết của toà phải đưa ra công khai cho công chúng xem xét.
d. Bộ máy hành chính hữu hiệu cần có cách đề cập vấn đề tích cực. Công, viên chức phải theo chuẩn cao:
1. Công, viên chức không được vay tiền từ những người mình đang giải quyết công việc;
2. Nợ không bảo đảm của công, viên chức không vượt quá ba lần lương của mình;
3. Công, viên chức không được sử dụng bất cứ thông tin chính thức nào nhằm tăng thu nhập;
4. Công, viên chức phải khai báo tài sản khi bắt đầu công việc và hàng năm sau đó;
5. Công, viên chức không tham gia buôn bán hay kinh doanh hoặc có việc làm bán thời gian nếu không được phép;
6. Công, viên chức không nhận quà dưới mọi hình thức.
Cuối cùng là nền công vụ hữu hiệu. Đó là nền công vụ dựa trên ba giá trị: Liêm khiết, phục vụ và xuất sắc. Nền công vụ phải thấy trước điều gì sẽ xảy ra và phản ứng thích hợp bảo đảm không có hành động tham nhũng.
Tham nhũng xảy ra ở hầu hết tất cả các nước, việc ngăn chặn là khó khăn, cần thiết phải có thể chế kiên quyết, cơ quan tư pháp mạnh có thể độc lập đưa ra phán quyết mang tính răn đe và một nền hành chính công liêm chính.
Singapore là gương sáng về cách giải quyết tổng thể vấn nạn tham nhũng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google