Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Minh Châu
09:51 - 20/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là lễ hội của ngành Giáo dục, nhằm mục đích để tôn vinh những người dạy học và những người công tác trong ngành giáo dục, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta.

Nguồn gốc của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Liên quan đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục (FISE).

Năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, tổ chức này đã xây dựng bản Hiến chương Các nhà giáo.

Tháng 7/1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này.

Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới nhất trí thông qua bản Hiến chương Các nhà giáo gồm 15 chương.

Từ ngày 26 - 30/8/1975, tại Warszawa, thủ đô Ba Lan đã diễn ra hội nghị Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục. 57 nước đã tham dự hội nghị này, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tại hội nghị đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Đây cũng chính là nguồn gốc của ngày 20/11.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11- Ảnh 1.

Năm học 2022-2023, toàn quốc cấp học giáo dục mầm non có 15.334 trường, trong đó có 3.224 trường mầm non ngoài công lập (tỉ lệ hơn 21%). Ảnh: Thanh Loan

Tại Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam

Cụ thể, Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 ghi rõ: 

"Điều 1: Từ nay hàng nǎm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 2: Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3: Việc tổ chức ngày 20/11 hàng nǎm do Ủy ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. 

Việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4: Trong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương".

Từ đó, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam, gắn liền với truyền thống "tôn sư trọng đạo" của đất nước ta, nhằm mục đích để tôn vinh những người dạy học và những người công tác trong ngành giáo dục.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay cũng tròn 41 năm kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023).

Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11- Ảnh 2.

Một tiết học kỹ năng sống tại Trường mầm non Bông hồng Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan

Việt Nam hiện có hơn 1 triệu nhà giáo

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 chiều 18/8/2023: Đến hết năm học 2022-2023, tổng số giáo viên Mầm non, Phổ thông của nước ta là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).

Năm học 2022-2023, toàn quốc cũng đã có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu vào ngày 17/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam.

Ngay từ những bước đi đầu tiên trong quá trình trưởng thành, các thế hệ người Việt Nam đều biết và ngày càng thấu hiểu sâu sắc những câu ca dao, tục ngữ về công ơn của các thầy, cô giáo.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục luôn tồn tại, phát triển cùng đất nước, đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức, phương thức, quy mô, chất lượng dạy và học; về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo…

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.