Giáo viên có được nhận quà tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam?
Luật không cho phép giáo viên nhận quà tặng từ những phụ huynh, học sinh có liên quan đến công việc giảng dạy hoặc thuộc phạm vi quản lý của nhà giáo.
Vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) quán triệt học sinh, phụ huynh không tặng quà giáo viên, lãnh đạo trường nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cô H Tú Byă, Hiệu trưởng của trường cho biết, quyết định này xuất phát từ việc xã Ea Huar là địa bàn đặc biệt khó khăn nên trường không muốn phụ huynh, học sinh phải lo lắng, xoay sở quà tặng cho giáo viên.
Ngoài ra, cô hiệu trưởng cho rằng việc không tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả học sinh, tránh việc những em không có điều kiện đi thăm giáo viên lại không được quan tâm bằng các bạn khác.
Trường cũng lo ngại học trò gặp rủi ro trên đường khi đến nhà thăm thầy, cô vào dịp 20/11.
Cùng với đó, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước cũng đã có thông báo không nhận hoa, quà chúc mừng ngày 20/11.
Cần biết thêm, luật không cho phép giáo viên nhận quà tặng ngày 20/11 từ những phụ huynh, học sinh có liên quan đến công việc giảng dạy hoặc thuộc phạm vi quản lý của nhà giáo, vì vậy lãnh đạo các nhà trường cần quán triệt việc này.
Vì sao giáo viên không được nhận quà từ phụ huynh học sinh ngày 20/11?
Về hành lang pháp lí, khoản 4 Điều 4 Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống như sau:
Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống (trích): Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.
Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về tặng quà và nhận quà tặng như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Giáo viên nên xử lý quà tặng ngày 20/11 như thế nào?
Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về việc nhận quà như sau:
Quy định về việc nhận quà tặng cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
Điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định về xử lý quà tặng như sau:
1. Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Đối với quà tặng bằng hiện vật, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
a) Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
b) Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
c) Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
3. Đối với quà tặng là dịch vụ tham quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
4. Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Cho nên, khi giáo viên được phụ huynh học sinh tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thì thầy cô phải từ chối nhận, trong trường hợp không từ chối được thì xử lý quà tặng như sau:
- Quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước;
- Quà tặng bằng hiện vật thì xác định giá trị của quà tặng sau đó tổ chức công khai bán quà tặng và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng;
- Quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý.
Về phía phụ huynh, học sinh cần hiểu rằng những món quà có giá trị vật chất lớn mang tặng thầy cô giáo có thể mang đến rắc rối không đáng có cho cả 2 phía.
Những món quà nhỏ như những tấm thiệp viết những lời ghi ơn sâu nặng, những bông hoa, những lời chúc, tin nhắn, những tiết mục văn nghệ và chính sự nỗ lực trong học tập của các em để trở thành con ngoan, trò giỏi là những món quà ý nghĩa nhất để dành tặng cho thầy cô giáo của mình trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Điều này cũng đúng với tinh thần của Ngày hiến chương các Nhà giáo Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google