"Có một thế hệ nhà giáo như thế!"
Thầy Bình và thầy Tố là hai đồng nghiệp. Dù cách tuổi nhau 1 con giáp, cùng giảng dạy tại Đại học Sư phạm Việt Bắc và hai nhà giáo cũng đã nghỉ chế độ từ lâu, nhưng dịp kỷ niệm 20/11 ý nghĩa này, thầy Bình chia sẻ nỗi nhớ thầy Tố - như nhắc nhớ hộ nỗi lòng bao người thầy về một thời gian khó đã qua…
Thầy Đỗ Bình nguyên là cán bộ giảng dạy tiếng Nga cho Khoa Lịch sử, sau này là Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Nga Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên).
Nhà giáo Trần Văn Tố trong nỗi nhớ của nhà giáo Đỗ Bình
"Ông là nhà giáo Trần Văn Tố, nguyên cán bộ giảng dạy ngoại ngữ thuộc Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, nay là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ông sinh năm 1939, tại Diễn Châu (Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1966, khi thành lập Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, ông thuộc nhóm cán bộ khung được Bộ Giáo dục điều động lên xây dựng trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và được phân công về làm cán bộ nòng cốt, giảng dạy tại Khoa Toán của trường. Ông không chỉ như là một trong những "viên gạch đầu tiên" đặt nền móng cho sự phát triển của Khoa Toán như ngày nay, mà cũng là một trong những "viên gạch quý hiếm đầu tiên" đặt nền móng cho Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên bây giờ".
Nhà giáo Đỗ Bình (thầy Bình) mở đầu câu chuyện về người đồng nghiệp của mình - nhà giáo Trần Văn Tố (thầy Tố) như thế.
Sinh ra sau thầy Tố 1 con giáp, thầy Bình kể về thời điểm những năm đầu khi Đại học Sư phạm Việt Bắc còn "non trẻ". Hồi đó, cuộc sống nơi Thủ đô gió ngàn còn đầy gian nan, vất vả. Trường Đại học Việt Bắc được xây dựng ở vùng non cao Đại Từ, bốn bề rừng núi. Thế hệ giáo viên đầu tiên không chỉ đơn thuần là giảng dạy, mà còn phải lăn lưng ra lao động xây dựng lớp, xây dựng nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh... bởi lúc đó kinh phí xây dựng trường hạn hẹp, họ phải chung tay vào san đồi, gánh đất, chặt tre, vác nứa…
Thời điểm đó, thầy Tố, cũng như bao nhà giáo khác, đều phải cùng nhau tự tay tạo dựng cơ sở vật chất đơn sơ nhất phục vụ cho việc dạy học và phục vụ cuộc sống sinh hoạt nơi rừng cao núi đỏ. Các thầy cô giáo ngày ấy cùng xây dựng và phát triển ngôi trường mới thành lập trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, cơm chẳng đủ ăn, chia nhau củ khoai củ sắn, họ đồng hành cùng nhau tạo dựng cả về cơ sở vật chất cho nhà trường lẫn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân và truyền đạt tri thức cho các thế hệ học trò. Cuộc sống khó khăn nhưng họ cùng nhau vượt qua, không nề hà, không mặc cảm, không so bì thiệt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Tôi còn nhớ thầy Tố ngày ấy, dáng người dong dỏng, giọng nói đặc trưng miền trung, trầm ấm, thế hệ học trò khi đó nói thầy Tố truyền đạt kiến thức gần gụi, dễ hiểu, đặc biệt, thầy luôn nhẹ nhàng, chẳng khi nào cáu gắt hay to tiếng bao giờ. Mọi người đều ấn tượng với chữ viết của thầy. Chữ viết của thầy Tố phải nói là đẹp nhất trường, cả ở trong giáo án, cả ở trên bảng hay bảng tin nội bộ, cả chữ tiếng Việt, cả chữ tiếng Nga – mềm mại, đều chằn chặn, gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không chỉ các học trò, mà cả đồng nghiệp mỗi khi dự giờ của thầy đều chia sẻ "cảm thấy bị hút theo từng con chữ của thầy Tố". Không những vậy, lớp lớp học trò đều khâm phục và ngưỡng mộ thầy Tố bởi khả năng ngoại ngữ đặc biệt, thầy dạy tiếng Nga nhưng tiếng Anh của thầy cũng vào hàng "kinh điển", với lối phát âm như người bản địa, nghe thầy nói là bị cuốn theo nội dung thầy truyền đạt".
Ngày ấy, nơi núi rừng ở Phú Lạc (Đại Từ), thầy Tố đã bén duyên cùng một cô sơn nữ, rồi thầy lập gia đình với cô sơn nữ ấy, an vui đến tận bây giờ.
Đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc chuyển xuống khu Mỏ Bạch, gần thành phố Thái Nguyên. Các thầy cô giáo nòng cốt lại tiếp tục bước vào công cuộc "bàn tay ta làm nên tất cả", họ tỏa khắp vùng Quán Triều, Đồng Hỷ… để xin tre nứa về dựng lán, tạo dựng cơ sở vật chất cho trường. Thầy Tố cũng tay đùm tay nải lên đường cùng các đồng nghiệp về thành phố làm nhiệm vụ, vợ con thầy thì ở lại Phú Lạc (Đại Từ).
Thầy Tố lúc đó là giáo viên ngoại ngữ môn tiếng Nga, nhưng biên chế thuộc Khoa Toán. Hàng ngày, thầy lên lớp, nhưng sau giờ học, căn phòng tập thể của thầy lúc nào cũng rổn rảng tiếng người, các học trò thường tụ đến hỏi bài, thầy Tố nhiệt tình giảng, không nề hà giờ nghỉ. Nhiều đêm, căn phòng nhỏ của thầy vẫn sáng đèn, nơi thầy truyền cho các học trò "ngọn lửa" đam mê học tập.
Cuối tuần thầy Tố thường đạp xe về thăm nhà, cách trường 40-50 cây số, đều đặn, chiều muộn chủ nhật lại trở lại trường miệt mài với sự nghiệp giảng dạy ở xa gia đình. Trong ký ức của nhiều người, vào những chiều muộn ngày chủ nhật, là hình ảnh thầy Tố lóc cóc trên chiếc xe đạp cà tàng từ Đại Từ trở lại trường, sau xe đạp cũ kỹ bao giờ cũng chằng bó củi do người vợ tần tảo chuẩn bị sẵn. Và thầy luôn mang theo món "đặc sản" chè Đại Từ xuống chiêu đãi mọi người.
Thầy Tố ở một căn phòng nhỏ trong khu lắp ghép dành cho cán bộ giảng dạy. Những người trong khu lắp ghép ngày ấy đều chung ấn tượng: thầy Tố sống giản dị, khiêm nhường và rất đỗi mô phạm. Hầu như ngoài công việc giảng dạy, cuối tuần về với gia đình, thì thầy không có mối bận tâm nào khác, chỉ chuyên tâm vào truyền đạt tri thức cho học trò, cả trên lớp cũng như ngoài giờ.
Năm 1981, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc thành lập Tổ Bộ môn Ngoại ngữ, thầy Tố được phân công làm Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Chủ nhiệm bộ môn các khoa Khoa học Tự nhiên, trực tiếp phụ trách các giáo viên ngoại ngữ giảng dạy cho các khoa Khoa học tự nhiên, và thầy Tố vẫn trực tiếp giảng dạy cho sinh viên khoa Toán kể từ đó cho đến lúc nghỉ hưu.
"Thầy Tố - nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu"
Năm 2000, thầy Tố nghỉ hưu theo chế độ, thầy không ở lại thành phố, mà về quê với người vợ làm nông nghiệp thủy chung, son sắt để an hưởng tuổi già nơi vùng cao xa xôi Phú Lạc (Đại Từ, Thái Nguyên). Hoàn thành những năm tháng công tác cống hiến hết mình cho sự nghiệp giảng dạy, thầy Tố an nhiên trở về quê, không mưu cầu, không đòi hỏi - một nhà giáo đáng kính không để lại trong lòng người khác bất kỳ sự "lấn cấn" nào.
Thầy Bình chia sẻ: "Đến giờ, tôi vẫn nhớ giờ phút chia tay ấy, giờ phút tiễn chân anh về hưu ở với chị: Anh dắt chiếc xe đạp cà tàng, trên gacbaga xe có buộc một chiếc túi du lịch nhỏ, gồm chăn màn, quần áo, vậy thôi… Sau cả cuộc đời công tác, trực tiếp tham gia đào tạo nên bao nhiêu PGS, TS, Vụ trưởng, Giám đốc Sở và Hiệu trưởng một số Trường Đại học danh tiếng trong khu vực, anh lặng lẽ, bình thản dắt chiếc xe đạp cà tàng, lững thững dắt bộ qua sân trường trong giờ học của hàng ngàn sinh viên đang lên lớp, ra đến ngoài cổng trường, anh mới lên xe, thong thả đạp về Phú Lạc (Đại Từ) quê vợ, để nghỉ hưu, an hưởng tuổi già… Anh đã hoàn thành một đời dạy học, trở về nhà với hành trang không gì giản dị hơn. Anh là nhà giáo trong một thế hệ hết lòng "vì học sinh thân yêu"!
Có lẽ, không chỉ riêng thầy Tố, mà hầu hết các nhà giáo ngày ấy đều trưởng thành từ gian khó, ngày lên lớp, tới bữa ăn khoai, ăn sắn, hạt bo bo, rau rừng, đêm ngồi làm giáo án. Một thế hệ người thầy vất vả về vật chất, nhưng vẫn hết lòng truyền tải tri thức tới các thế hệ học trò. Từ mái trường nơi Thủ đô gió ngàn ấy, các sinh viên lại trở thành những cán bộ, trí thức, giáo viên nòng cốt, để tỏa đi khắp nơi, lại tiếp tục phục vụ sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục cho nước nhà.
Thầy Bình cho biết, dù ở vị trí Chủ nhiệm Bộ môn, nhưng với đồng nghiệp, thầy Tố cũng luôn nhường nhịn, chân tình, sẵn sàng "lùi" luôn cả nhiều bước để cho nội bộ đoàn kết, thống nhất và phát triển.
Tất cả những ai từng được học và công tác với thầy Tố, dù bao năm tháng đã qua đi, cũng không quên được người thầy, người anh ân cần, mẫu mực, chân tình, luôn quan tâm, giúp đỡ học trò và đồng nghiệp, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Các thế hệ học trò của thầy Tố vẫn kể cho nhau nghe về người thầy của mình với những lời chân tình - như chính cách sống của nhà giáo mẫu mực ấy:
"Tôi là học trò của thầy Tố và hơn chục năm cùng công tác ở khoa với thầy, thầy luôn là nhà giáo mẫu mực, luôn vui vẻ, chân tình với mọi người. Kính chúc thầy mạnh khỏe bình an!" (Ông Trần Đình Hoán, nguyên cán bộ Tổ chức khoa toán, nguyên Trưởng Ban cơ sở Đại học Thái Nguyên).
"Tôi học tiếng Nga với thầy Tố cả thời gian học ở khoa Toán, mặc dù tôi học khá chật vật môn ngoại ngữ nhưng lúc nào thầy cũng động viên, ân cần, không bao giờ thầy tỏ thái độ không vui. Tôi còn nhớ lần nào đi thi môn của thầy Tố, thầy cũng xoa đầu động viên 'cố lên em'!" (Th.S Phạm Văn Tiến, hiện là cán bộ giảng dạy Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên).
"Những ngày ở trên khu tập thể Đại học Sư phạm, mấy mẹ con tôi sống ở phòng bên cạnh 3 cha con bác Tố - một người cha hiền lành, giản dị sống cùng 2 con trai ngoan và học rất giỏi…" (Bà Lê Kim Thúy, nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngoại ngữ)
"Tôi có một khoảng thời gian cùng ở với thầy tại khu nhà lắp ghép dành cho cán bộ giảng dạy. Thầy luôn là người giản dị, khiêm nhường và mô phạm. Còn nhớ mỗi chiều muộn Chủ Nhật thầy từ nhà xuống trường là một bó củi sau chiếc xe đạp Спорт сũ kĩ. Thầy như "cụ đồ Nga"kinh điển, nhưng tiếng Anh của thầy làm tôi thán phục. Phát âm tiếng Anh của thầy như người bản địa vậy. Đúng là một thế hệ nhà giáo thật đáng trân trọng và tôn vinh!" (PGS. TS Đỗ Hồng Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
Khi thầy Tố về hưu, thầy Bình chuyển công tác lên một đơn vị mới của trường (Phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học), thầy Bình kể, có điều kiện đi công tác khắp các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, dù là Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang hay Thái Bình, Thanh Hoá… đi đến đâu cũng đều được các thế hệ học trò hỏi thăm về thầy Tố, kể về những kỷ niệm êm đẹp khi được học thầy… "Thật tự hào lây khi sống và làm việc cùng người đồng nghiệp như thế!".
Những chia sẻ của thầy Bình về người anh, người đồng nghiệp một thời đồng hành xây dựng Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc từ những ngày đầu sơ khai, cho thấy hình ảnh của thầy Tố cũng là hình ảnh quen thuộc của một thế hệ nhà giáo trong bối cảnh đất nước còn đang chiến tranh và mới hòa bình đầy gian khó, họ được cử đi làm cán bộ nòng cốt tại nhiều ngôi trường trọng yếu khắp mọi miền đất nước.
Ở những nhà giáo ấy có một điểm chung, khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, họ trở về quê, thanh thản, nhẹ nhàng. Người lên xe đạp như thầy Tố, người thì lên tàu về quê hương miền Trung, miền Nam, hầu như trên tay ai cũng chỉ có chiếc tay nải nhỏ, hành trang một đời cống hiến cho đến khi trở về không có gì nhiều nhặn. Họ đã hoàn thành công việc "trồng người" của mình trong sự liêm khiết, mẫu mực và tận tụy.
Những nhà giáo ấy đã cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, cùng xây dựng những ngôi trường từ khi còn manh nha nhà tranh, vách nứa, mái lá, nền đất để dần dần nay trở thành những ngôi trường Đại học khang trang, lớn mạnh như hiện nay.
"Được công tác cùng với thầy Tố, người anh đồng môn là cả một quãng thời gian may mắn và đáng nhớ đối với tôi. Tôi luôn coi thầy Tố như một tấm gương để học tập và trưởng thành. Cuộc đời nhà giáo thế hệ lúc bấy giờ sống và làm việc chân tình, mộc mạc và giản đơn như thế đấy! Gần đây, thầy Tố không được khỏe như thời điểm đoàn nguyên cán bộ Khoa Ngoại ngữ chúng tôi lên thăm thầy trước đó, ở cái tuổi ngấp nghé 90, thầy bị bệnh và cũng yếu đi nhiều. Tôi nhớ trong lần gặp ấy, thầy Tố vẫn cười hiền hậu, hỏi thăm từng người chúng tôi, và thầy không nói nhiều về mình. Chúng tôi cầu mong cho thầy sớm bình phục trở lại và luôn mạnh khoẻ, bình an trong cuộc sống!" – thầy Bình bày tỏ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google