Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy cô giáo mong ước điều gì?
Không khí ấm áp, nghĩa tình thầy – trò trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang ngập tràn khắp nơi. Cùng với niềm vui, hạnh phúc với sự nghiệp "trồng người", các thầy cô giáo còn nhiều trăn trở về công tác giáo dục.
Tạp chí Công dân và Khuyến học đã ghi nhận và tổng hợp một số mong ước của thầy cô giáo, xin chia sẻ đến bạn đọc:
1. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11... bình yên
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày vui lớn của các nhà giáo và những người làm giáo dục. Song, thực tế nhiều nhà trường, thầy cô giáo phải vất vả, tất bật với nhiều công việc, tham gia các cuộc thi văn nghệ, tổ chức chương trình, sắp xếp bàn ghế, chờ đón tiếp đại biểu, dọn dẹp…
Thậm chí có giáo viên không trông đợi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam vì thấy vất vả hơn. Thầy cô giáo mong có ngày 20/11 bình yên, có thể chỉ đến dự, tâm tình, đón nhận những lời tri ân của học trò, phụ huynh và các cấp chính quyền.
2. Lương được cải thiện, phù hợp với đóng góp
Hiện tại, lương của giáo viên so với nhu cầu cuộc sống còn rất hạn chế, trong khi áp lực công việc lớn.
Tới đây sẽ có một số thay đổi về chính sách phụ cấp thâm niên, một số ý kiến cho rằng điều này gây nên thiệt thòi đối với đội ngũ giáo viên có nhiều năm công tác, đã cống hiến trong ngành giáo dục thời gian dài.
Các thầy cô giáo mong muốn trong tương lai gần, lương của giáo viên sẽ có sự thay đổi để đảm bảo được cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi nhất không chỉ cho giáo viên trẻ mà giáo viên lâu năm cũng được hưởng mức lương phù hợp.
3. Khắc phục vấn đề thiếu giáo viên
Hiện nay các bộ môn đều giáo viên, mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng vùng, đặc biệt khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài việc dạy bộ môn chính của mình, không ít giáo viên còn phải dạy thêm những môn khác, không phải chuyên môn và vẫn không được tính thêm tiền công tiết dạy thêm đó.
Thầy cô giáo hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách thi tuyển, bổ sung để có thêm giáo viên phù hợp hơn với chương trình và đảm bảo chất lượng giảng dạy.
4. Mong muốn sự quan tâm, đồng hành thực chất của phụ huynh và cả xã hội
Hầu hết phụ huynh đều quan tâm đến việc học của con em mình. Nhưng nhiều người chỉ quan tâm đến thành tích của con qua điểm số, quà cáp biếu tặng thầy cô nhưng đằng sau lại nói thầy cô giáo không ra gì, gần như "khoán trắng" việc dạy con cho thầy cô giáo.
Bố mẹ có ứng xử không đẹp trong gia đình, không tâm sự với con để giúp con vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống… Những điều này khiến người làm giáo dục bận lòng.
Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội và truyền thông, những sự việc mang tính cá biệt, "con sâu làm rầu nồi canh" trong trường học đều bị khuếch tán rộng, làm hình ảnh của ngành giáo dục bị ảnh hưởng. Giáo viên ngày nay cũng phải cẩn trọng hơn trong lời ăn, tiếng nói, hành động với học sinh, giảm đi sự thoải mái để dạy dỗ học trò.
Giáo dục con trẻ không thể đạt hiệu quả tốt nếu không có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các thầy cô mong muốn được xã hội chia sẻ, đồng cảm, mong phụ huynh gần gũi con hơn, hợp tác, gắn kết chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để giáo dục học sinh toàn diện.
5. Giảm bớt hoạt động ngoại khóa mang tính hình thức
Trong năm học, không ít nơi, nhà trường vẫn còn ôm đồm, cố làm cho được thật nhiều hoạt động, kéo dài ra nhiều tuần, khiến thầy cô giáo và học sinh mệt mỏi. Đặc biệt giáo viên chủ nhiệm lớp rất vất vả để cùng học sinh tham gia. Các phong trào, hoạt động trở nên nặng nề, là gánh nặng đối với cả thầy và trò.
Nhiều giáo viên có chung một mong muốn là các hoạt động sẽ được tổ chức gọn gàng, có trọng tâm, chất lượng, không chạy theo hình thức, số lượng, huy động mọi chủ thể cùng tham gia.
6. Giảm bớt hồ sơ, thủ tục và hoạt động ngoài chuyên môn
Công việc của giáo viên ngày càng nhiều, kéo theo đó là các giấy tờ, thủ tục. Ngoài ra, thầy cô giáo còn phải phụ trách thu nhiều loại tiền, trong đó có bảo hiểm y tế. Theo quy định, hết học sinh phải mua bảo hiểm y tế, và nhà trường giao cho thầy cô phụ trách buộc phải hoàn thành.
Đây là một việc khó và mất nhiều thời gian, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Thầy cô giáo có khi phải gọi điện cho từng phụ huynh tư vấn về bảo hiểm này, thậm chí ứng tiền của bản thân ra để mua hộ học sinh, phụ huynh trả lại sau.
Thầy cô giáo mong muốn giảm tải lượng hồ sơ, thủ tục và các hoạt động không phải chuyên môn để bớt đi gánh nặng, có thêm thời gian nâng cao nghiệp vụ của bản thân.
7. Đảm bảo sĩ số học sinh phù hợp trong mỗi lớp học
Tình trạng sĩ số học sinh đông diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ở khu vực nội thành. Nhiều lớp học hiện nay có sĩ số đến hơn 50 học sinh, gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng bài cụ thể, chi tiết đến các em. Việc quan tâm, chia sẻ kiến thức đến từng học sinh gặp hạn chế, chưa nói đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em.
Bên cạnh lý do thiếu trường, lớp, tình trạng thiếu giáo viên cũng là nguyên nhân khiến các trường phải dồn lớp, ghép lớp.
Các thầy cô giáo mong muốn sĩ số học sinh phù hợp, tối đa 30 học sinh/lớp, để đủ sức quản lý, chia sẻ kiến thức, quan tâm đến từng em, gia tăng hiệu quả giáo dục.
Tóm lại, các nhà giáo mong ước có điều kiện tốt hơn yên tâm công tác, cống hiến, nhận được sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh và toàn xã hội để giáo dục học sinh. Sự phát triển về nhân cách, đạo đức và kiến thức của học trò là món niềm vui lớn nhất đối với các thầy cô giáo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google