Ngày Nhà giáo Việt Nam và nghề giáo của tôi

Phan Thế Hoài
21:31 - 19/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi quyết định thi vào trường đại học sư phạm để ra làm nghề giáo vì hình ảnh thầy cô ở các cấp học quá đẹp, được tôi xem như hình mẫu, thần tượng.

Ngày Nhà giáo Việt Nam và nghề giáo của tôi- Ảnh 1.

Hình mẫu về các giáo viên thường theo học trò và đóng vai trò quan trọng trong phát triển nhân cách mỗi con người. Minh hoạ: unsplash

Thời tiểu học, trong mắt tôi, thầy cô giáo là những người rất giỏi vì ai cũng dạy được tất cả các môn. Tôi ấn tượng nhất là cô Oanh – giáo viên chủ nhiệm lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị.

Cô dạy Toán, Tiếng Việt rất hay và luôn gần gũi, tâm lí với học sinh. Tôi học lên trung học cơ sở, trung học phổ thông và sau khi tốt nghiệp đại học nhưng cô vẫn nhớ tên tôi, nhớ cả dáng người gầy của tôi khiến tôi rất cảm động.

Thầy cô dạy bậc phổ thông của tôi đều có điểm chung là đầy tinh thần trách nhiệm, hầu như ai cũng nghiêm khắc nhưng đầy bao dung khiến học sinh rất nể, sợ. Con cái có thể không nghe lời cha mẹ nhưng với thầy cô thì chẳng ai dám cãi lại nửa lời.

Trong số đó có thầy Khuê – giáo viên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị. Thầy dạy Toán rất giỏi và luôn dành thời gian xử lí những học sinh vi phạm kỉ luật, chẳng hạn đánh nhau. Học sinh nào được thầy giáo dục, cảm hoá thì hiếm khi tái phạm.

Tôi cảm nhận được đa phần thầy cô giáo đều nhiệt huyết với nghề và họ được người dân tôn trọng. Ở làng, xã, từ trẻ con đến ông già, bà lão, ai cũng kính trọng thầy cô, một lời chào hai lời thưa. Thầy cô đi đến đâu cũng được mọi người chào đón nồng nhiệt và mời ngồi ở những vị trí trang trọng.

Do điều kiện kinh tế những năm 80 của thế kỉ trước còn khó khăn, học sinh không có nhiều thời gian học tập. Học sinh vừa đi học vừa đi làm, thậm chí nhiều bạn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có bạn phải đi bộ đến trường cả chục cây số. Vậy nên, số học sinh học yếu nhiều lắm nhưng nhờ thầy cô dạy bảo tận tình nên nhiều người đã tiến bộ, trưởng thành.

Nhiều thầy cô giáo một buổi dạy học còn một buổi phải lao động sản xuất không khác gì người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng. Thế là học sinh chúng tôi tranh thủ đi làm giúp thầy cô như bẻ bắp, nhổ đậu, cuốc khoai lang…

Những năm tôi học lớp 6 (cô Mến chủ nhiệm), lớp 7 (cô Lan chủ nhiệm), lớp 8 (cô Lành chủ nhiệm), tôi và đám bạn thường đi làm đồng giúp thầy cô một vài buổi khi đến vụ mùa và ba mẹ chúng tôi đều rất vui lòng.

Một năm chúng tôi có hai ngày đến thăm thầy cô là Ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày mùng 3 Tết Nguyên đán.

Ngày 20/11, có khi tập thể lớp chỉ tặng thầy cô bó hoa hái từ vườn nhà. Lớp nào khá hơn một chút thì tặng thầy cô bộ ấm chén hay vài mét vải may quần áo. Chúng tôi đi hết nhà các thầy cô từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà, lòng tràn ngập sung sướng như ngày hội.

Và năm nào chúng tôi cũng dành ngày mùng 3 Tết để đến chúc Tết thầy cô giáo của mình. Đây là dịp để học sinh thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ, cũng là nơi chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ ngày đầu năm mới.

Đáng nói, tôi thấy một số thầy cô giáo dạy môn Toán, Anh văn, Hóa học… cũng có mở lớp dạy thêm nhưng học sinh đi học rất ít, bởi vì cha mẹ làm gì có tiền mà đóng học phí cho con. Tuy vậy, hiếm có chuyện thầy cô "ép" học sinh đi học thêm để thu tiền.

Nhiều thầy cô sẵn sàng dạy miễn phí cho học sinh nghèo hiếu học. Cô Lương – giáo viên chủ nhiệm suốt 3 năm của tôi (Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị) có mở lớp dạy thêm môn Văn nhưng cô không quan tâm việc thu học phí. Ai có tiền thì đóng mỗi tháng 20.000 đồng còn không có cũng chẳng sao. Có khi cô thu được một ít học phí thì lại mời cả nhóm đi uống nước, đi ăn.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi quyết định thi vào trường đại học sư phạm vì hình ảnh thầy cô giáo ở các cấp học quá đẹp, được tôi xem như hình mẫu, thần tượng. Thật may mắn, tôi nối gót thầy cô làm nghề giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được 17 năm.

Hiện nay, cuộc sống của giáo viên chúng tôi còn lắm nhọc nhằn, nhất là đồng lương nhà giáo quá eo hẹp, công việc ngày càng áp lực vì nhiều lí do khác nhau nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi chọn nghề này.

Nhà giáo dục Comenxki có câu nói nổi tiếng: "Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học". Nghề giáo dù là một công việc khó khăn, nhưng cũng là một trong những nghề tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn trong cuộc sống. Xã hội dẫu có hàng trăm nghề khác nhau, song nghề giáo vẫn luôn giữ vị thế đặc biệt quan trọng.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong sao các thầy cô giáo cũ của tôi cùng các đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước đều có được sức khỏe, hạnh phúc, thành công, có nhiều niềm tin hơn nữa với nghề giáo viên.