'Ma trận' tổ hợp môn học lớp 10, trường học loay hoay, giáo viên rối bời

An Đôn
14:19 - 12/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc xuất hiện khoảng 100 tổ hợp môn cùng với Lịch sử thành môn học "bắt buộc" ở lớp 10 khiến nhà trường và giáo viên đều rối bời.

Từ năm học 2022 – 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối học sinh lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.

Thay đổi số lượng tiết học đối với môn Lịch sử lớp 10

Theo Chương trình hiện hành, học sinh bậc trung học phổ thông phải học tất cả 13 môn bắt buộc. Còn Chương trình mới, học sinh chỉ học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và có 5 môn lựa chọn.

'Ma trận' tổ hợp môn học lớp 10, trường học loay hoay, giáo viên rối bời - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm 2022. Ảnh Thế Bằng

Theo đó, 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Các môn học tự chọn là: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. 5 môn học lựa chọn sẽ được chọn từ 3 nhóm (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn): nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Riêng môn Nghệ thuật sẽ bao gồm 2 phân môn là Âm nhạc, Mỹ thuật thì học sinh chỉ cần chọn học 1 trong 2 phân môn này (sẽ được tính là 1 môn).

Trừ Ngoại ngữ thì tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề, cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.

Như vậy, theo công thức tính tổ hợp, có tất cả 108 cách lựa chọn tổ hợp môn khiến cho việc triển khai môn học tự chọn quá rắc rối, phức tạp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nêu rõ phần nội dung bắt buộc.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết cho một năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.

Cùng với đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Như vậy, Lịch sử từ môn học lựa chọn theo thiết kế ở cấp trung học phổ thông chương trình giáo dục phổ thông mới, giờ đây trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn. Kéo theo, Chương trình mới cũng sẽ xuất hiện hàng chục tổ hợp môn tương ứng.

Trường học lo lắng thừa thiếu giáo viên cục bộ

Vì Lịch sử trở thành môn "bắt buộc" nên nhóm môn Khoa học xã hội còn lại 2 môn lựa chọn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Theo quy định, mỗi nhóm có ít nhất 1 môn lựa chọn thì có khả năng học sinh sẽ chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, bởi đây là môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông dễ đạt điểm cao, kiến thức thực tế, không phải học nhiều.

Minh chứng là kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân của cả nước năm 2021 cho thấy, có 534.123 thí sinh tham gia dự thi, trong đó điểm trung bình là 8,37 điểm, điểm trung vị là 8,5 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,25 điểm.

Còn kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Địa lí của cả nước năm 2021 cho thấy: có 631.137 thí sinh tham gia thi bài thi Địa lí trong đó điểm trung bình là 6.96 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm.

Nếu học sinh lựa chọn thiên về môn Giáo dục kinh tế và pháp luật thì trường học phải tuyển thêm giáo viên, ngược lại, môn Địa lý sẽ dư thừa giáo viên.

Ở trường phổ thông, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh. Điều băn khoăn là, nếu thầy cô bị thiếu tiết dạy chuẩn thì không biết phải kiêm nhiệm công việc nào cho đủ tiết chuẩn (17 tiết/tuần). Việc dư thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến ngân sách chi trả lương, thêm gánh nặng cho ngành giáo dục.

Tương tự, nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng được dự báo dư thừa giáo viên cục bộ vì học sinh ít có xu hướng chọn môn Sinh học. Chỉ những em nào theo ngành sức khỏe hay chọn học nhóm ngành khác có xét tuyển môn này sẽ chọn Sinh học. 

Lo lắng nhất là nhóm Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), trong đó rất ít học sinh chọn Nghệ thuật vì đây là môn đặc thù. Hơn nữa, trường học rất khó tuyển giáo viên nghệ thuật vì ít người theo học, lương lại thấp. Chưa kể, số lượng học sinh chọn môn học này biến động qua từng năm nên tuyển biên chế giáo viên không phải là giải pháp khả thi.

Bên cạnh đó, chương trình mới xuất hiện khoảng 100 tổ hợp nhưng không có trường học nào có thể thiết kế chừng ấy tổ hợp để đáp ứng nhu cầu học sinh cả. Nhà trường chỉ có thể đưa ra khoảng trên dưới 10 tổ hợp nhằm giúp học sinh lựa chọn môn học ở mức phù hợp tương đối mà thôi.

Có thể nhận thấy, việc chuyển môn Lịch sử từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là phù hợp với nguyện vọng của đông đảo dư luận xã hội. Cùng với đó, sựu thay đổi này cũng sẽ dẫn tới hàng loạt các thay đổi tiếp theo về tổ chức dạy và học. Từ năm 2025, việc tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học theo hướng nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có câu trả lời để nhà trường tư vấn học sinh, phụ huynh lựa chọn tổ hợp môn sao cho phù hợp.

Bình luận của bạn

Bình luận