Lịch sử: Chọn hay không chọn?

Thụy Văn
16:52 - 23/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 23/5, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc. Một lần nữa, vấn đề học lịch sử bắt buộc hay là không đối với học sinh bậc phổ thông trung học lại được đề cập tới trong báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội.

Lịch sử: Chọn hay không chọn? - Ảnh 1.

Học sinh học ngoại khóa trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh Thụy Văn

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Bên cạnh nhiều vấn đề nổi cộm khác, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Trước đó, ngày 22/5, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc học phổ thông trung học. Theo đó, đa số ý kiến không đồng tình với việc môn lịch sử lại là môn tự chọn, tức là học sinh có thể chọn học hay là không?

Trước thềm năm học mới 2022-2023, vấn đề lịch sử là môn học tự chọn được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết. Đã có rất nhiều ý kiến xác đáng, thể hiện nhiều quan điểm đồng thuận, và trái chiều xung quanh việc này.

Đa số ý kiến cho rằng đối với chương trình giáo dục phổ thông, môn lịch sử có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng. Học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này như một nền tảng bắt buộc, sau mới tính đến các môn học khác. Đối với một quốc gia coi trọng truyền thống và có lịch sử vẻ vang như Việt Nam, lịch sử còn bồi đắp thêm kiến thức, văn hóa, các yếu tố phát triển con người, khơi dậy tiềm năng về nguồn nhân lực. Học lịch sử không khó và giáo viên cũng không quá khó để giảng dạy thật hay và thật hấp dẫn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, học sinh đã học đến bậc phổ thông trung học thì cần có quyền lựa chọn các môn học phù hợp với khả năng và sự yêu thích. Có yêu thích thì mới học được, học chất lượng và tiếp thu tốt. Bên cạnh đó, học sinh đến bậc phổ thông trung học phải học nhiều môn học khác và tiếp cận với định hướng nghề nghiệp, không có nhiều thời gian chuyên sâu cho lịch sử.

Bên cạnh đó, nếu việc đưa trở lại môn lịch sử bắt buộc phải học đối với học sinh phổ thông trung học thì phải viết lại giáo trình, sắp xếp lại các chương trình giảng dạy. Trong khi chỉ còn 3 tháng nữa, học sinh vào năm học mới. Đây cũng là năm học mà giáo viên phải áp dụng chương trình giảng dạy mới. Cả núi công việc phải làm và có thể việc thay đổi lại từ "lịch sử - tự chọn" sang "lịch sử - bắt buộc" là không khả thi.

Trở lại cuộc họp của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông là môn học bắt buộc.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử.

Lịch sử: Chọn hay không chọn? - Ảnh 2.

Người xem tiếp cận với nền văn hóa Óc Eo trưng bày trong Bảo tàng Kiên Giang. Ảnh Thụy Văn

Đáp lại đề nghị này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay việc sửa môn lịch sử thành bắt buộc không đơn giản chỉ là chọn hay không chọn. Quá trình xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành và với môn lịch sử, trước khi ban hành cũng được xin ý kiến và sự đồng ý của Hội Khoa học lịch sử.

Nếu sửa môn lịch sử thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp trung học cơ sở, thay đổi lại toàn bộ để phân hóa theo từng cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Các chuyên gia về giáo dục đều cho rằng việc dỡ ra làm lại chương trình học sử ở phổ thông trung học là việc không thể làm ngay trong khi năm học mới đã gần kề.

Chưa kể, môn lịch sử nhìn một cách tổng thể và dưới khái niệm là lịch sử dân tộc thì nhiều tầng lớp và rất hấp dẫn. Tuy nhiên, môn lịch sử trong trường phổ thông thì khô cứng, chỉ học thuộc các mốc thời gian, sự kiện và là môn học thiếu sáng tạo, thiếu phương pháp giảng dạy hấp dẫn và các hoạt động làm sáng, làm tăng thêm giá trị cho việc tiếp nhận lịch sử ở người học.

Chương trình giáo dục cơ bản phải cung cấp nền tảng kiến thức, kỹ năng đủ cho học sinh lựa chọn các hướng đi theo định hướng phân luồng. Với những học sinh tiếp tục học lên trung học phổ thông, chương trình phải thiết kế có tính phân hóa mạnh hơn, là bước đệm để học sinh chuẩn bị tiếp những kiến thức, kỹ năng cần thiết theo định hướng học lên đại học, cao đẳng.

Cả hai trường hợp định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông hoặc học nghề sau lớp 9 không nhất thiết phải học tiếp môn sử. Nói cách khác, kiến thức sử phổ thông đã học đủ trong 9 năm.

Cho đến khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề cập tới môn lịch sử trong bậc học phổ thông tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thì vấn đề này đã được luận bàn rất nhiều và nảy sinh phân hóa trong xã hội, cộng đồng phụ huynh học sinh cũng như các nhà chuyên môn giáo dục và toàn thể nhân dân. Cần có một định hướng đúng và chỉ đạo rốt ráo trước khi năm học mới bắt đầu.

Công dân Việt Nam sẵn có niềm tự hào với lịch sử dân tộc. Hiểu biết lịch sử Việt Nam và thế giới là nhu cầu của mỗi công dân. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học rồi vẫn phải học nữa, tìm hiểu kỹ thêm. Môn lịch sử không hẳn là gói gọn toàn bộ trong ghế nhà trường và trong chương trình phổ thông. Tuy vậy, nền tảng lịch sử muốn vững vàng thì bậc học phổ thông là quan trọng nhất. Đó là những viên gạch đầu tiên để lịch sử góp phần xây lên những tòa nhà vô giá là nguồn lực con người.

Bình luận của bạn

Bình luận