Môn Lịch sử sẽ có phần "bắt buộc" và "lựa chọn" là quyết định đúng đắn

An Đôn
10:07 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Quy định môn Lịch sử có phần "bắt buộc" nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. Sẽ không có tình trạng học sinh "bỏ trắng" môn học này như nhiều ý kiến đã từng lo ngại thời gian qua.

Ngày 20/6/2022, tổ đại biểu Quốc hội khóa XV Thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 6 đã tiếp xúc với cử tri các quận, huyện Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các chỉ đạo, cũng như tiếp thu các ý kiến của người dân, lên kế hoạch, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022 – 2023 theo tinh thần sẽ bố trí phần giáo dục Lịch sử, bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn.

Vui mừng khi Lịch sử có phần "bắt buộc"

Tôi cho rằng, môn Lịch sử bậc trung học phổ thông có phần "bắt buộc" và "lựa chọn" là quyết định đúng đắn, chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên và toàn xã hội.

Vậy, học sinh cần học phần "bắt buộc" và "lựa chọn" thế nào cho hợp lí? Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử cho thấy, ở cấp trung học phổ thông, giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội.

Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp này là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp trung học cơ sở. Như thế, các chuyên đề, chủ đề nên chuyển sang phần "lựa chọn" là phù hợp nhất. Cùng với đó, nhà trường có thể dạy những kiến thức lịch sử chuyên sâu đối với trường chuyên, lớp chọn, đội tuyển học sinh giỏi nhằm mục đích định hướng nghề nghiệp sau này.

Là giáo viên đang giảng dạy bậc trung học phổ thông, tôi rất vui mừng khi được biết môn Lịch sử sẽ có phần "bắt buộc" và "lựa chọn". Như thế, tất cả học sinh đều được học kiến thức lịch sử một cách cơ bản nhất. Hơn nữa, sẽ không có tình trạng học sinh "bỏ trắng" môn học này như nhiều ý kiến đã từng lo ngại thời gian qua.

Còn nhớ, vào năm 2011, con số hàng ngàn thí sinh bị điểm 0.0 môn Lịch sử được ví như "thảm họa" của ngành giáo dục gây nhức nhối cho toàn xã hội. Những năm sau đó, mặc dù chất lượng học tập môn Lịch sử đã được cải thiện nhưng qua các kì thi trung học phổ thông quốc gia, môn này vẫn có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất.

Ví dụ, kì thi tốt nghiệp năm 2016, rất hiếm học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, nhiều trường học chỉ có 1 - 2 thí sinh dự thi môn này. Câu hỏi đặt ra là, vì sao càng ngày học sinh càng thờ ơ với môn Lịch sử? Có phải chương trình học còn nặng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh quay lưng với môn Lịch sử?

Kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử như Giáo dục công dân sẽ thành công

Vừa qua, tôi lấy ý kiến thăm dò nhanh khoảng 150 học sinh (gồm 50 học sinh lớp 10, 100 học sinh lớp 12) nơi đơn vị tôi đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh) với câu hỏi "bao nhiêu em thích học môn Lịch sử" thì có đến 3/4 lớp trả lời (bằng cách giơ tay) "không thích".

Một số học sinh lớp 10 cho biết, năm lớp 9 các em chủ yếu đầu tư học 3 môn thi tuyển sinh là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nên không quan tâm môn Lịch sử (cũng như các môn học khác). Đến lúc lên lớp 10, chỉ học sinh nào phấn đấu học lực giỏi thì mới cố gắng học Lịch sử trên 8.0.

Riêng học sinh lớp 12, trường tôi có 15 lớp (mỗi lớp khoảng 45 học sinh) thì 4 lớp chọn tổ hợp Khoa học xã hội thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội vì có môn Giáo dục công dân dễ lấy điểm chứ nhiều em cũng chẳng mấy mặn mà môn Lịch sử.

Tôi cũng đã trò chuyện với nhiều học sinh lớp 12 thì các em cho biết, học Lịch sử sợ nhất là phải thuộc lòng các mốc sự kiện, số liệu, ngày tháng - nhất là học sinh chọn xét tuyển vào đại học ngành khoa học tự nhiên. Hơn nữa, các phương tiện nghe, nhìn hấp dẫn hơn rất nhiều so với học các nội dung lịch sử khô khan khiến nhiều em không mấy hứng thú.

Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên môn Lịch sử nơi trường tôi đang công tác chia sẻ, học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp môn Lịch sử phải nắm phạm vi kiến thức khá rộng bao gồm cả chương trình lớp 11, phần nào khiến các em quá tải.

"Trong khi đó, đề thi thì dàn trải, không đánh vào trọng tâm. Câu hỏi mức nhận biết, thông hiểu chiếm số ít, còn câu vận dụng mang tính lập luận, phân tích, đánh giá lại nhiều nên học sinh gặp khó khăn, mất điểm.

Ngoài ra, việc nhận định đánh giá về sự kiện, vấn đề lịch sử còn rất rộng và chưa thật sự thống nhất trong chương trình. Giáo viên như tôi đôi khi còn chưa chắc chắn thì học sinh nhầm lẫn, mất điểm là chuyện đương nhiên", cô Lan nói về thực trạng thi cử đối với môn Lịch sử hiện nay.

Thời điểm vào nửa cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2022, đội tuyển môn Lịch sử trường tôi có 10 em miệt mài ôn luyện để thi học sinh giỏi cấp Thành phố năm học 2021-2022. Quan sát việc dạy, học của thầy trò đội tuyển trong vòng 1 tháng, tôi thấy ngày nào học sinh cũng phải học thuộc lòng đề cương sử dày cộp, sau đó trả bài cho giáo viên rất mệt mỏi.

Tôi cho rằng, trước mắt giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học môn Lịch sử thì mới mong học sinh ham thích sử. Nhiều năm qua, một số giáo viên dạy Lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đưa học sinh đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử sau đó cho các em viết bài thu hoạch lấy điểm - là hình thức kiểm tra rất nhẹ nhàng, hiệu quả.

Tiếp đến, nhà trường, ngành giáo dục cần thay đổi việc dạy học, kiểm tra, thi cử môn Lịch sử như môn Giáo dục công dân, tôi nghĩ sẽ lôi kéo được học sinh học sử. Một số giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nội dung kiến thức môn học này khá ngắn gọn, súc tích. Kiến thức thực tế, gắn liền với cuộc sống nên học sinh học xong là áp dụng được ngay, không phải học thuộc lòng như môn Lịch sử.

Thầy cô cho biết, hầu hết kiến thức các em có được từ môn này đều có thể vận dụng vào cuộc sống. Ví dụ, giả sử học sinh nào đó bị khống chế, đe dọa… thì các em cũng biết mình cần tố cáo đến ai, vì đã học xong bài "quyền tố cáo".

Ngoài ra, phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân năm 2020, 2021 là minh chứng sống cho việc dạy và học thành công ở môn này. Theo phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân của cả nước năm 2020, có 469.587 thí sinh dự thi, trong đó có điểm trung bình là 8,14 điểm, điểm trung vị là 8,25 điểm.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân của cả nước năm 2021 cho thấy, có 534,123 thí sinh dự thi, trong đó điểm trung bình là 8.37 điểm, điểm trung vị là 8.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9.25 điểm.