Khen thưởng cuối năm cho học sinh càng nhiều càng mất ý nghĩa

Nguyễn Khanh
15:30 - 04/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khen thưởng cho học sinh giờ đây có còn nguyên vẹn ý nghĩa là khích lệ, động viên, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học không?

Chưa bao giờ ngày tổng kết năm học lại có nhiều học sinh được nhà trường khen thưởng như bây giờ. Nhiều đến nỗi mà trường nào cũng chỉ có thể trao giấy khen cho những em học sinh có thứ hạng cao trong lớp còn những em có thứ hạng thấp hơn thì không được lên bục nhận thưởng, vinh danh. Nhiều đến nỗi người đọc quyết định khen thưởng phải toát mồ hôi trong cái nắng đầu hè. Và, những khách mời, thầy cô giáo, học sinh trong trường cũng ngại cả…vỗ tay.

Phát giấy khen hay trao giấy khen

Những em "khen một mặt" ở cấp tiểu học và học sinh tiên tiến ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì từ lâu không được nhà trường phát thưởng một cách chính danh. Thường, gần đến ngày tổng kết thì nhà trường phát giấy khen cho giáo viên chủ nhiệm để tự phát cho học sinh đạt được thành tích học tập thấp hơn.

Vì thế, có giáo viên chủ nhiệm trao cho học trò trong tiết sinh hoạt lớp cuối năm nhưng trước ngày tổng kết năm học thì có tuần dự trữ nên nhiều em không vào. Thành ra, giáo viên chủ nhiệm chỉ trao được cho một số em, số còn lại phải trao vào ngày tổng kết.

Chính vì vậy, trong buổi lễ tổng kết năm học thì giáo viên phải đi lại chỗ học sinh mình ngồi để trao giấy khen cho học trò. Nhìn học sinh đang ngồi đưa tay lên nhận tờ giấy khen mà giáo viên chủ nhiệm đưa cho thấy sao mà cám cảnh vô cùng. Nhiều em đang ngồi thì giáo viên chủ nhiệm đi từ phía sau lại và gọi học trò, trò ngoái lại thấy cô chìa tờ giấy khen trước mặt rồi đưa tay lên nhận.

Rõ ràng, cách trao phần thưởng và cách nhận phần thưởng cuối năm như vậy không đẹp chút nào bởi đó là phần thưởng cho những học sinh tiên tiến thôi. Hình như người trao và người nhận đều không có được sự mặn mà trong trao và nhận. Thầy cô trao bởi vì đó là nhiệm vụ phải làm mà học trò khi nhận những phần thưởng như vậy cũng thường miễn cưỡng, buồn tênh…

Bởi, những bạn bè xung quanh mình được đọc tên, được lên trên sân khấu nhận thưởng, được trao thưởng, chụp hình một cách trang trọng. Sau mỗi lượt như vậy, người dẫn chương trình lại "xin mọi người cho một tràng pháo tay" thì những tràng pháo tay bên dưới lại đồng loạt vang lên.

Đằng này, được thầy cô chủ nhiệm lẳng lặng đi đến chỗ ngồi của trò rồi lẳng lặng đưa cho, "không kèn, không trống" nên học trò cũng miễn cưỡng đón nhận - cho dù đó là thành quả mà mình đã phấn đấu một năm học.

Khen thưởng nhiều để làm gì?

Thú thực, mỗi lần chứng kiến những cảnh trao thưởng như vậy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng cho cách đánh giá kết quả học tập và cách trao thưởng hiện nay của nhiều trường học. Nếu được đánh giá thật, chắc chắn sẽ ít học sinh được phát thưởng. Ít học sinh được phát thưởng thì danh hiệu thi đua mới có giá trị và khiến cho học trò phấn khởi, phấn đấu. Nhưng, chính vì xem trọng thành tích nhà trường, thành tích của giáo viên và cả sự hướng dẫn bất cập trong việc đánh giá xếp loại học tập cho học trò dẫn đến sự hời hợt trong việc cho điểm học trò.

Điểm học sinh ngày một cao hơn cũng đồng nghĩa danh hiệu sẽ nhiều, phát thưởng sẽ nhiều. Nhưng, thời gian tổng kết năm học thì chỉ có thể làm trong vòng một buổi sáng. Nhưng, thường phải 7 giờ 30 - 8 giờ thì các trường mới thực sự tiến hành buổi lễ, 10 giờ đã nắng chang chang. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó còn có phần văn nghệ, phần đọc báo cáo tổng kết của hiệu trưởng, phần phát biểu của học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh đã chiếm mất một phần thời gian rồi. Trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ còn lại dành để phát thưởng cho giáo viên và học sinh nhà trường thì dĩ nhiên là nhà trường không thể nào làm kịp.

Thế nên mới có chuyện, đa phần các trường học phổ thông bây giờ chỉ phát thưởng cho học sinh xuất sắc toàn trường, học sinh giỏi nhất khối, nhất - nhì - ba của lớp, còn giỏi đại trà thì thôi. Những danh hiệu thấp hơn thì đều để giáo viên chủ nhiệm đảm nhận trao cho học trò.

Chính việc phát thưởng có phần đại trà như hiện nay đã dẫn đến rất nhiều chuyện khôi hài trong buổi lễ tổng kết. Có nỗi buồn nào hơn khi học trò được danh hiệu học sinh tiên tiến mà không được trao thưởng một cách đường đường chính chính trước mọi người dự lễ tổng kết? Có nỗi buồn nào hơn khi học sinh đón nhận phần thưởng mà lại hững hờ, không hề biểu thị niềm vui trên khuôn mặt? Bởi, những em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến bây giờ không có "uy tín" gì trước thầy cô và bạn bè trong trường, trong lớp. Nhưng thực tế, trong trường bây giờ, danh hiệu học sinh xuất sắc (tiểu học) học sinh giỏi (trung học cơ sở và trung học phổ thông) trong trường nhiều nhan nhản thì ai đoái hoài đến những danh hiệu thấp hơn làm gì?

Khen thưởng cho học sinh nhiều chưa hẳn đã là vui bởi chính vì khen thưởng nhiều như bây giờ đã làm mất đi ý nghĩa của danh hiệu học tập ở các nhà trường.

Bình luận của bạn

Bình luận