Đừng đánh mất đi đôi chân mình - môn lịch sử
Đừng để mỗi con người có lỗ hổng không gì lấp đầy được là lịch sử, đó là việc tự bỏ đi đôi chân của mình. Học lịch sử phải là môn bắt buộc và phải học suốt đời.
Những ngày gần đây, vấn đề học lịch sử bắt buộc hay tự chọn đang thu hút sự chú ý của mọi công dân, trở thành vấn đề "nóng" lên trong đời sống xã hội. Là người lính đã trải qua chiến tranh, cũng đã từng giảng dạy ở giảng đường đại học, có mười lăm năm là nhà báo, hội viên của hội Nhà văn Việt Nam, có gần bốn mươi năm tuổi Đảng, tôi chỉ muốn nói: việc học lịch sử không thể và không bao giờ là môn học tự chọn mà phải là môn học bắt buộc ở mọi cấp học.
Lịch sử - nhìn từ nhu cầu mỗi con người
Tất cả mọi người được sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều gắn bó với một gia đình và gia đình đó không tách rời lịch sử của một gia tộc, một dân tộc cụ thể. Nếu gia đình có truyền thống tốt đẹp, "danh gia vọng tộc" thì biết để giữ gìn và bồi đắp cho rạng danh. Nếu gia đình có lịch sử xuất thân từ nghèo khổ, lam lũ, biết lịch sử để cố gắng vươn lên. Nếu chưa thật tốt đẹp biết để sữa chữa, khắc phục mà hướng đến điều tốt đẹp.
Cũng như thế, bất cứ một dân tộc nào cũng đều có nguồn gốc hình thành, có truyền thống, lịch sử. Nó là cái gốc, là nền tảng làm nên "tính cách" của dân tộc, con người của dân tộc đó. Một dân tộc "bỏ quên lịch sử", đánh mất lịch sử của dân tộc là đang tự đánh mất đi chính mình, đang tự xóa đi chính mình, đang làm mờ nhòa những truyền thống tốt đẹp mà có biết bao nhiêu thế hệ của dân tộc đó đã dày công xây dựng và vun đắp.
Lại quay về vấn đề học lịch sử trong bậc học phổ thông, bắt buộc hay tự chọn.
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận của cách mạng Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đang thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Lịch sử không chỉ là những sự kiện đã diễn ra mà lịch sử còn chính là những tư tưởng từ chính những sự kiện đó để lại. Và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản mà còn là một phần lịch sử của dân tộc.
Vào khoảng cuối năm 1941, khi cách mạng nước ta chưa giành được độc lập. Tại Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tập ''Lịch sử nước ta" bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, gồm 198 câu. Đây là tập diễn ca lịch sử viết ra làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu Việt Bắc và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. "Lịch sử nước ta" đã góp phần giáo dục, phát huy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc; tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau đó, tác phẩm này được in lại nhiều lần vào các năm 1942, 1947, 1949. Từ trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm được chìa khóa lòng dân là "sức mạnh từ lịch sử dân tộc".
Có nhiều ý kiến viện dẫn Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương; Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội khóa 13 để việc đưa môn học lịch sử thành môn tự chọn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông.
Xin nói ngay rằng: Thế giới vật chất luôn vận động phát triển. Các nghị quyết trên có tính lịch sử ở giai đoạn đó. Đơn cử, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sau này Tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta học tập và áp dụng đã được biên soạn và tổ chức lại lên một tầm cao tri thức mới.
Vì vậy, việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết là nguyên tắc nhưng không phải là sự "bó cứng" mà phải vận dụng sáng tạo.
Nhìn lại lịch sử hiện đại chúng ta đang sống. Hiến pháp, tập hợp các quy tắc và nguyên tắc quy định bản chất và phạm vi của chính quyền; là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến nay, nước ta đã ban hành năm bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Chưa phù hợp thì bổ sung, chỉnh sửa, thậm chí thay đổi, miễn là đúng, quy tụ được sức mạnh lòng dân.
Lại nói lại vấn đề viện dẫn hai nghị quyết trên. Nghị quyết 29/ NQ-TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nghị quyết 88/2014/QH13 "Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Cả hai nghị quyết đều còn nguyên giá trị và cần thiết đối với giáo dục. Tuy nhiên, nghị quyết chỉ mang tính định hướng, việc triển khai, tổ chức thực hiện là do cơ quan chủ quản, các tổ chức, ban ngành tùy tình hình thực tế. Đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ làm lại tất cả. Cái gì đúng, kế thừa phát huy; cái gì chưa hoàn toàn đúng, đúng một phần thì chỉnh sửa, bổ sung; điều gì sai mói hủy bỏ và làm mới.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cấp trung học phổ thông chủ yếu là định hướng nghề nghiệp. Ai có mong muốn nghiên cứu, yêu thích thì lựa chọn. Ai hướng nghề nghiệp theo ngành nghề khác thì chưa cần thiết. Đây chính là tư duy đánh tráo khái niệm và tư tưởng "rũ bỏ" lịch sử.
Có thể, mỗi người sẽ chọn một "con đường" khác nhau trong cuộc sống, sự nghiệp; nhưng dẫu có chọn theo con đường nghiên cứu, thành nhà khoa học hay người công nhân, nông dân, người lính thì vẫn phải biết được lịch sử của dân tộc, biết được dân tộc có được như hiện nay, cha ông đã phải trải qua như thế nào. Truyền thống tốt đẹp thì phát huy, gìn giữ, bảo vệ; điều gì còn tồn tại hạn chế thì khắc phục, xây dựng làm nên truyền thống mới tốt đẹp; những cái gì xấu xa, loại bỏ, là một "dấu chấm" nhỏ trong chiều dài lịch sử, lời nhắc nhở các thế hệ sau biết để không đi "nhầm" vào "vết chân", "vết xe đổ" như thế.
Nhà khoa học lịch sử thì nghiên cứu toàn diện, theo chiều dài, theo sự kiện, mốc thời gian hay giai đoạn để làm rõ giá trị của lịch sử. Những người theo chuyên môn ngành nghề kỹ sư, bác sĩ, công nhân, nông dân hay người lính biết được, nhớ được những mốc, những giai đoạn, những sự kiện, những chi tiết mà dân tộc, cha ông đã phải qua. Ngay ngày nhập môn ngành nghề, các tổ chức, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp nơi đó cũng đều có thời gian giáo dục truyền thống nghề đó, ngành đó và lịch sử ngành nghề đó đã có, đã đi qua để phát huy, giữ gìn, xây dựng và bản thân cá nhân đó thấy tự hào về ngành nghề đã lựa chọn.
Vậy để môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc phải làm như thế nào? Cốt lõi của vấn đề là phân theo cấp học. Cấp tiểu học là những vấn đề đại cương; cấp trung học cơ sở là những sự kiện, các mốc lớn, giai đoạn. Cấp phổ thông trung học là những nội dung sâu của từng sự kiện, từng nội dung trong từng giai đoạn.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Chương trình đã duyệt rồi, sách đã in rồi, khó sửa. Duyệt rồi mà chưa chuẩn thì làm lại, chuẩn lại. Sách in rồi chưa đạt thì in lại, soạn lại. Chậm chắc mà đúng còn hơn nhanh mà hỏng, như các cụ xưa nói: "Nhanh ẩu đoảng, vội vàng hư". Có thể tốn kém thêm kinh phí nhưng tôi tin, hiểu rõ vấn đề, nhân dân chắc sẽ đồng lòng ủng hộ. Lấy được đồng thuận trong lòng dân, lo gì không giành được kết quả tốt đẹp.
Nếu vì lý do nào đó, chúng ta bỏ qua, không có ý định sửa lại những nhận định sai thì chúng ta cũng đừng quên câu chuyện "Dù sao trái đất vẫn quay" của nhà khoa học cận đại G.Galilei. Bản thân khoa học xã hội, nhất là khoa học giáo dục sẽ có độ tin cậy không chỉ ở lý luận mà còn tùy thuộc vào thực tiễn phù hợp hay chưa.
Truyền thống, lịch sử luôn là nền tảng để làm nên một dân tộc; để mỗi cá nhân trong dân tộc đó nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn về dân tộc, về mảnh đất quê hương, về công việc, ngành nghề mình đã lựa chọn và gắn bó cả cuộc đời.
Đừng để mỗi con người có lỗ hổng không gì lấp đầy được là lịch sử, đó là việc tự bỏ đi đôi chân của mình. Học lịch sử phải là môn bắt buộc và phải học suốt đời.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google