Nỗi buồn Văn mẫu

Nguyễn Khanh
10:37 - 03/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thói quen coppy, sao chép, học lỏm, thiếu sáng tạo đi theo cuộc đời mỗi con người có phải sinh ra từ kiểu áp đặt, dạy Văn mẫu cho học trò trong trường học không?

Trước ngày đứa con trai đang học lớp 8 bước vào kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn thì tôi có nhã ý sẽ ôn tập thêm cho con. Nhưng nó tự tin nói rằng "con đã học kĩ rồi, không cần ba phải chỉ thêm nữa". 

Ngạc nhiên trước câu trả lời, tôi hỏi cặn kẽ về việc ôn tập của con mình thì nó bảo cô đã chuyển cho lớp 2 cái đề kiểm tra có sẵn đáp án phần đọc hiểu và dàn bài phần làm văn rồi. Thấy lạ trước việc hướng dẫn ôn tập của của giáo viên nên tôi bảo con chuyển 2 cái đề mà cô giáo giới hạn để tôi xem như thế nào. 

Hỡi ôi, khi tôi coppy 2 cái đề rồi dán lên Goolge tìm kiếm thì ra ngay kết quả đó là 2 trong số những đề - đáp áp Văn mẫu. Bài bê gần như nguyên trên mạng internet từ ngữ liệu, câu hỏi và đáp án và dàn ý của bài kiểm tra. Với cách dạy Văn, ôn tập cho học trò và cách ra đề như thế này thì làm sao học sinh có thể phát huy được phẩm chất, năng lực, làm sao có thể giúp cho học sinh yêu thích môn học. 

Có phải các giáo viên đang hướng học trò thành những "con vẹt" học theo Văn mẫu không?

Nỗi buồn Văn mẫu - Ảnh 1.

Những trang web cung cấp bài văn mẫu tràn ngập trên mạng internet.

Văn mẫu, buồn không thể buồn hơn

Ngày cô giáo nhập điểm vào phần mềm Vnedu, tôi cập nhật thì thấy con mình được 9,5 điểm Ngữ văn. Nói thật là dù con mình được điểm cao nhưng trong lòng tôi không cảm thấy vui vẻ chút nào. Bản thân tôi cũng là một giáo viên dạy Ngữ văn, cũng ôn luyện cho học trò trong mỗi dịp kiểm tra học kỳ, ôn thi tuyển sinh, ôn học sinh giỏi nhưng chưa bao giờ tôi "bày cỗ" sẵn cho học trò như vậy. Và, tôi tin là phần lớn những thầy, cô giáo đang dạy Ngữ văn trên cả nước cũng đang làm như thế. 

Dạy Ngữ văn ngoài việc cung cấp cho học trò những kiến thức bài học thì điều quan trọng là hướng học trò trung thực, khích lệ cho các em có động lực học tập bằng chính năng lực cảm thụ của bản thân. Nếu chỉ vì thành tích, vì điểm số của học trò mà giáo viên phải vận dụng bằng sự gian dối thì đó là điều không nên làm. Vì học sinh cấp Trung học cơ sở trở lên thì phải hướng cho các em tự phát huy phẩm chất, năng lực của bản thân mình mới là điều mà thầy cô nên làm. 

Một bài văn, bao giờ cũng có phần đọc hiểu và phần làm văn, thầy cô chỉ nên giới hạn các đơn vị kiến thức đã học, ôn tập cho học trò các dạng bài, kiểu bài mà các em đã học trong học kỳ rồi hướng học sinh tự học để tiếp cận đề và làm bài. Bên cạnh đó, giáo viên định hướng cho học sinh cách tiếp cận đề bài để các em có thể khai thác, vận dụng những kiến thức đã học nhằm thực hiện tốt các đề bài mà giáo viên đã ra. 

Điều này, cũng đồng nghĩa là người thầy chỉ cần trang bị cho học trò những "nguyên liệu thô" còn việc chế biến, khai thác nguyên liệu đó như thế nào để thành một "sản phẩm" học tập tốt là do năng lực của học trò.

Nếu giáo viên cứ sợ học trò mình không làm được bài, sợ lớp mình dạy có điểm trung bình môn thấp hơn đồng nghiệp mà làm sẵn rồi đưa đáp án cho học trò, đến ngày kiểm tra thì các em bê vào bài kiểm tra giống nhau thì đó không phải là điều tốt mà vô tình đang hại học trò của mình. 

Học trò thì ỉ lại thầy cô mà không chịu học hành, không biết phát hiện ra những cái hay, cái đẹp của văn chương, không biết thẩm thấu những tác phẩm văn học, không biết vận dụng kiến thức đã học để làm một bài văn thì sau này các em sẽ rất khó khăn thì tiếp cận với thực tế công việc. Tất nhiên, mục tiêu đổi mới giáo dục mà ngành đang triển khai trong những năm gần đây là phát huy phẩm chất, năng lực của học trò cũng rất khó đạt được vì cách dạy hiện nay của một số giáo viên.

Dạy Văn là hướng học trò tiếp cận cái hay, cái đẹp của văn chương, của cuộc đời

Thực ra, môn học nào ở các cấp phổ thông cũng đều quan trọng, mỗi môn học có một vai trò, vị trí và đặc điểm riêng. Tuy nhiên, khác với những môn học còn lại, môn Ngữ văn trong nhà trường luôn có rất nhiều chức năng quan trọng. 

Học Ngữ văn không chỉ đơn thuần là giúp cho học trò có điểm số cao mà để giúp cho mỗi con người chúng ta có một tâm hồn đẹp. Yêu thích văn chương giúp con người biết dừng lại trước cái xấu, cái ác. Học Văn còn để làm cho vốn từ của mỗi con người phong phú hơn, cảm nhận cuộc sống tốt hơn, để có thể ứng xử giao tiếp có kỹ năng, đạt được thành tựu trong cuộc sống. 

Chính vì vậy, điều đầu tiên phải dạy cho học trò tình yêu văn chương - cho dù khi tiếp cận học trò còn khó khăn hoặc trong thời điểm hiện nay thì có nhiều em học sinh chểnh mảng, thờ ơ với môn học nhưng không phải vì thế mà người thầy quên đi đặc trưng của môn học mà mình đang dạy. Tiếp theo, người thầy phải dạy cho học trò tính trung thực trong học tập và khích lệ các em có động lực học tập, tự trau dồi vốn từ để làm phong phú từ ngữ nhằm giúp cho học sinh làm bài tốt hơn.

Muốn học sinh trung thực thì người thầy phải tạo cho học sinh thói quen tự học, không sử dụng chép văn mẫu trong những bài kiểm tra. Văn mẫu cũng cần để tham khảo nhưng chỉ là đọc để có thể biết cách vận dụng cấu tứ, cách khai thác các ý mà vận dụng vào bài viết của mình sao cho phù hợp. 

Là giáo viên thì nên đầu tư và ra các đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ, không nên xin xỏ, mua của đồng nghiệp. Đặc biệt, điều tối kị là không nên lên mạng Internet tải đề kiểm tra về làm đề của mình.

Học trò bây giờ rất giỏi công nghệ thông tin, nhiều em cũng biết cách để khai thác tài liệu trên mạng Internet nên nếu vô tình học sinh đọc cái đề trên mạng giống đề của thầy cô mình ra trong dịp kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ thì các em sẽ nghĩ về thầy cô như thế nào đây? Thầy đi chép, trò đi chép thì còn sáng tạo ở đâu?

Vì thế, nếu giáo viên khuyến khích học sinh học thuộc Văn mẫu là điều rất tệ hại vì nó vừa mệt mỏi, không hiệu quả, làm các em sợ môn Ngữ văn. Khi tham gia các kỳ thi lớn do cấp sở, cấp Bộ tổ chức thì học sinh sẽ rất đuối, thậm chí là không làm được bài. Tâm lý phòng thi căng là học sinh quên hết những chữ học thuộc. 

Trong vô vàn những cái xô bồ hiện nay đang xảy ra ở ngành giáo dục, thầy cô nào khi nghe những điều gian dối, tiêu cực thì cũng thấy ghét, thấy xấu. Vậy thì, việc thầy cô cho học sinh biết trước đề, biết trước đáp án của bài kiểm tra có phải là gian dối và đáng xấu hổ hay không?

Muốn học trò trung thực, vươn lên trong học tập thì điều đầu tiên những thầy cô giáo đang giảng dạy ở các nhà trường phải vượt khó, phải đầu tư nghiêm túc cho chuyên môn của mình đang đảm nhận. Bệnh thành tích, gian dối vẫn còn lởn vởn đâu đó trong ngành giáo dục nên muốn chống lại nó, đào thải nó thì những thầy cô giáo trong các nhà trường phải là người tiên phong đi trước chứ không thể là ai khác trong các sự việc này.