Phổ thông trung học công lập không phải là con đường duy nhất
Mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh không đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập. Các em sẽ phải có những lựa chọn khác để tiếp tục khám phá bản thân và chinh phục con đường đến với thành công, hạnh phúc mà mình mong muốn.
Kỳ thi vào 10 trung học phổ thông công lập ở Hà Nội luôn là một kỳ thi vô cùng căng thẳng bởi tính cạnh tranh cao.
Năm 2022, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm ngoái. Trong tổng số gần 107.000 học sinh thi tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông, chỉ có 77.000 học sinh vào trường công lập, số còn lại vào trường tư thục và các cơ sở đào tạo khác.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có 93.981 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 93.277 thí sinh tham gia dự thi. 114 trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố tuyển 72.784 học sinh vào lớp 10 công lập.
Như vậy, tại 2 thành phố lớn này sẽ chỉ có khoảng 60% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập, 40% số học sinh sẽ vào trường trung học phổ thông tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và tham gia học nghề và theo đuổi các nguyện vọng khác.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phân luồng sau trung học cơ sở là chủ trương chung của Chính phủ. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ có 40% học sinh sau lớp 9 được phân luồng theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng, không vào được lớp 10 công lập các em sẽ có nhiều lựa chọn cho mình như: Theo học tại các trường trung cấp hoặc cao đẳng có hệ đào tạo (9+5), theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp và trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Học sinh tốt nghiệp trung cấp có thể học tiếp lên cao đẳng và học liên thông lên bậc đại học; nếu tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thì có thể được xét tuyển trực tiếp vào các trường đại học.
"Quy định xét tuyển và nhập học của các trường trung cấp hoặc cao đẳng có hệ (9+5) rất đơn giản. Học sinh có thể làm thủ tục đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường", tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thông tin.
Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn lại cho rằng: Mỗi năm, có khoảng 20% chỉ tiêu của trường là học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở vào học. Khi vào học, các em đã chứng minh được thế mạnh của mình đó là thích nghi tốt, thái độ học tập khá tích cực và ngoan hơn lứa học sinh lớn. Vì vào học, các em được học văn hóa kết hợp thực tiễn, đi trải nghiệm doanh nghiệp nên đỡ chán và quan trọng hơn là bớt áp lực điểm số như trong trường phổ thông nên thể hiện bản thân tốt hơn.
Thực tế, các em học đến năm thứ ba là có việc làm thêm (lúc này đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng trung cấp), có em chọn đi làm luôn, có em học tiếp năm thứ tư để lấy bằng cao đẳng. Khi ra trường, những em học ngành công nghệ thông tin có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng, nhà hàng khách sạn khoảng 9 - 10 triệu. Ngoài ra, có nhiều em học liên thông lên đại học.
Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: "Học phí thấp, số môn học ít hơn và thời khóa biểu hợp lý hơn; trong quá trình học được hướng nghiệp và dạy nghề… là những ưu điểm của giáo dục thường xuyên. Trong khi đó vẫn đảm bảo cùng một đầu ra với học giáo dục phổ thông. Nhiều năm nay, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là như nhau, không phân biệt như trước đây nữa. Tôi cho rằng đó là một lựa chọn khá thông minh để vào đời. Thậm chí, nhiều học sinh có học lực giỏi cũng chủ động chuyển qua đây để tập trung ôn thi đại học và thực tế là các em đậu rất cao".
Bên cạnh những hướng đi trên, tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình mà phụ huynh có thể chọn trường tư thục cho con em mình, hoặc chọn một công việc mà các em yêu thích để học hỏi ngay từ sớm. Song, dù là quyết định nào thì các bậc phụ huynh cũng cần hiểu đúng năng lực của con em mình để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh "sính" trường công và coi việc phải vào trường công mới danh giá nhưng lại không quan tâm đến việc trường đó có phù hợp với con mình hay không.
Học tại trường tư thục, các em vẫn được học kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém các trường công lập. Thậm chí, với các trường được đầu tư bài bản, học sinh còn được trải nghiệm tốt hơn.
Cơ hội vào đại học vẫn rộng mở với những học sinh có quyết tâm và ý chí học tập. Đối với các em không có nguyện vọng học tiếp lên đại học, thì việc học nghề theo mô hình 9+ cũng được xem là một hướng đi phù hợp khi hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng hiện nay đều đã triển khai hệ đào tạo này.
Việc phân luồng thí sinh là cần thiết để đảm bảo cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội. Chính vì thế, việc thí sinh không đậu tuyển sinh trung học phổ thông không phải là kết thúc quá trình học của mình. Nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra cho các em lựa chọn.
Xét cho cùng, mục tiêu hướng đến của con người đều là đạt được hạnh phúc trong học tập, nhu cầu thể hiện bản thân và tiếp nhận kiến thức trong môi trường giáo dục bổ ích. Học trường công lập không phải là con đường duy nhất hướng tới mục tiêu này. Và học lên cao cũng không phải là con đường dành cho tất cả. Mỗi người sinh ra là một bản thể độc lập với những sở trường, khả năng, khát vọng riêng.
Môi trường giáo dục đáp ứng được những yếu tố đó mới là nơi phù hợp nhất cho học sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google