Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ có con học chương trình giáo dục phổ thông mới

Đắc Quang
01:39 - 17/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phụ huynh phải đồng hành cùng con và gắn kết chặt chẽ với thầy cô để thống nhất trong quan điểm và phương pháp giáo dục.

Khác với giáo dục tiếp cận nội dung của chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) hướng tới giáo dục phát triển năng lực. Theo đó, môi trường học tập phải năng động, vui vẻ, giúp học sinh có cảm hứng thích thú và ham học. Học sinh sẽ được trải nghiệm, thực hành nhiều, khám phá và phát huy khả năng của bản thân trong quá trình học tập.

Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ có con học chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 1.

Cha mẹ phải luôn đồng hành cùng con trong quá trình học chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thế Bằng

Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò, trách nhiệm của phụ huynh là rất lớn. Các bậc cha mẹ không thể phó mặc con cho nhà trường mà phải có sự đồng hành, gắn bó chặt chẽ.

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, giảng viên Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có 3 việc cha mẹ có thể làm để đồng hành cùng con em mình trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ nhất, cha mẹ phải nhận thức rất rõ 3 điểm rường cột để giáo dục phát triển năng lực.

Điểm đầu tiên, triết lý của giáo dục phát triển năng lực đó là quan tâm đến cảm xúc, hứng thú học tập của học sinh.

Tiếp theo, khi quan tâm đến cá nhân hóa học sinh như vậy, các bậc cha mẹ sẽ hiểu năng lực nào nổi trội của con cần phát huy, năng lực nào còn hạn chế nhưng xã hội cần (như năng lực giao tiếp, tương tác xã hội,…) thì sẽ phải tìm cách để giúp đỡ con tiến bộ.

Điểm rường cột cuối cùng là đánh giá các con sẽ thông qua các sản phẩm học tập, quá trình học tập chứ không phải chỉ qua điểm số.

Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ là một nguồn tư liệu. Các con sẽ tìm hiểu kiến thức từ nhiều nơi khác nhau, từ Internet, từ cuộc sống.

Đặc biệt, học sinh được thực hành, được học tập qua dự án, qua trải nghiệm,… áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. "Đây là điểm mà phụ huynh phải nhận thức rất rõ", Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám nhấn mạnh.

Thứ hai, phụ huynh phải thường xuyên trao đổi, tâm sự cùng con và gắn bó chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, thậm chí là giáo viên bộ môn để thống nhất phương pháp giáo dục và nắm được tình hình học tập của con.

Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng con rơi vào khủng hoảng khi ở trên lớp dạy một kiểu, về nhà bố mẹ lại mong đợi kiểu khác, tạo nên những áp lực không đáng có.

Đồng thời, sự gắn bó 3 bên như này (phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo) còn giúp các con hiểu rằng bố mẹ và nhà trường đang cố gắng thấu hiểu, tạo môi trường học tập thuận lợi nhất cho mình.

Việc thứ ba, các bậc phụ huynh sẽ phải tìm hiểu xu hướng của thị trường lao động thời kỳ 4.0 để xem xã hội đang yêu cầu công dân có kỹ năng gì, cái gì là cốt lõi nhất, từ đó định hướng giúp con hoàn thiện và phát triển bản thân.

Chẳng hạn như 4 kỹ năng cốt yếu của con người trong thời hội nhập toàn cầu mà UNESCO đặt ra là giao tiếp, tương tác, sáng tạo và tư duy phản biện (kĩ năng 4Cs).

"Đồng hành là tạo môi trường học tập cho con, quan tâm đến cảm xúc của con. Chứ không phải theo thành tích, phải điểm cao, có những mục tiêu không phù hợp, dẫn đến hiện tượng áp lực, tác động đến tâm lý, tinh thần con trẻ", Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám khẳng định.