Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 1 - Nỗi ám ảnh điểm thấp, bài khó, bị ghét khi không đi học thêm

Đắc Quang
12:00 - 13/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học thêm từ lâu đã gắn với "đời học trò". Không hẳn là lúc chuẩn bị thi vào lớp 10, thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi, hoặc luyện thi đại học... thì mới học thêm. Học trò nói thực ra, năm nào chả học thêm.

Lời tòa soạn: Mới đây, cử tri Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi hoặc thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm - học thêm.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Việc này xem như làm lành mạnh hóa việc dạy thêm - học thêm vốn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả. Tạp chí Công dân và Khuyến học giới thiệu tuyến bài lấy ý kiến các giáo viên, phụ huynh học sinh, chuyên gia giáo dục và đặc biệt là lắng nghe chính các học sinh nói về việc học thêm. Từ đó, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Học thêm để khắc sâu kiến thức

Ngoài giờ học chính khoá trên lớp mỗi ngày 2 buổi, Nguyễn Hữu Phong (lớp 6, Hà Nội) đang học thêm môn Toán vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Sáng chủ nhật, Phong tiếp tục được bố mẹ cho học thêm môn Tiếng Anh.

"Vì em thích môn Tiếng Anh nên đã xin bố mẹ cho đi học thêm môn này để biết thêm nhiều kiến thức mới. Nhưng em học không tốt môn Toán, tổng kết học kỳ 1 vừa rồi chỉ được 6,4, bố mẹ bắt đi học thêm môn Toán để giỏi hơn. Em chẳng có thời gian nghỉ ngơi dù rất thích đá bóng", Phong tâm sự.

Cũng đi học thêm nhiều buổi trong tuần, Hoàng Bảo Huy (lớp 9, Hạ Long, Quảng Ninh) đang phải chật vật với lịch học dày đặc. Bảo Huy cho biết mỗi ngày, sau khi học trên lớp buổi sáng và chiều, cậu bé này tiếp tục học thêm từ 5 giờ đến 7 giờ tối với 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, những môn thi để xét tuyển vào cấp 3.

Hợp thức hóa dạy thêm - Bài 1: Không đi học thêm sẽ bị thầy cô gọi lên bảng nhiều, cho bài khó, điểm thấp - Ảnh 1.

Hoàng Bảo Huy - lớp 9, Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: NVCC

"Đi học thêm về, em ăn uống, vệ sinh cá nhân đến 8 giờ tối lại ngồi vào bàn làm bài trên lớp, bài học thêm rồi luyện đề thường đến 3 hoặc 4 giờ sáng mới ngủ. Đã thành nếp nên em cũng quen".

Học sinh này chia sẻ thêm, bản thân cảm thấy áp lực khi lớp có nhiều bạn giỏi. Trường cấp 3 mà Huy đăng ký cũng có tỉ lệ cạnh tranh đầu vào cao. Hơn nữa, kỳ vọng lớn từ gia đình, bố mẹ khiến Bảo Huy càng có thêm động lực để phấn đấu.

"Có lúc em cảm thấy bị kiệt sức, không muốn học gì cả. Em đã từng xin phép bố mẹ, nhà trường cho nghỉ ở nhà một hôm đi chơi trượt ván cùng các anh trong xóm. Sau đó lại "gặm" lịch trình học chính khoá - học thêm như thường lệ", Bảo Huy bộc bạch.

Kiều Văn Nam - một học sinh khác, hiện đang học lớp 12 tại Bắc Ninh thì đang phải đối mặt với kỳ thi quan trọng của cuộc đời – kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, lấy điểm xét tuyển đại học. Nam lựa chọn khối C00, học thêm môn Ngữ Văn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Ngoài giờ học, làm bài tập trên lớp và học thêm, Văn Nam tập trung luyện đề sưu tầm được trên mạng internet.

"Nhiều lúc em cảm thấy căng thẳng, áp lực, nhưng nghĩ lại ai cũng phải trải qua giai đoạn này nên cố gắng, tiếp tục việc ôn tập. Hơn nữa, môn Ngữ Văn là môn em rất thích, phải ôn luyện nhiều mới có được kết quả tốt để xét tuyển đại học. Do đó, không học thêm em sẽ không làm được bài đâu ạ", Văn Nam chia sẻ.

Hợp thức hóa dạy thêm - Bài 1: Không đi học thêm sẽ bị thầy cô gọi lên bảng nhiều, cho bài khó, điểm thấp - Ảnh 2.

Nhiều học sinh muốn học thêm để hiểu bài hơn, khắc sâu kiến thức, cố gắng đạt kết quả thi tốt.

Từ suy nghĩ của Văn Nam, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã làm một cuộc khảo sát nhỏ, phỏng vấn nhiều học sinh tại nhiều vùng miền khác nhau về việc học thêm. Đa số học sinh cho rằng học thêm giúp bản thân hiểu sâu và nâng cao kiến thức, nhất là với những môn học quan trọng được dùng để thi chuyển cấp hoặc xét tuyển đại học.

Nhiều học sinh khăng khăng khẳng định với khối lượng kiến thức trong chương trình hiện nay, 45 phút cho mỗi tiết học là không đủ để học sinh nắm chắc kiến thức. Đó chỉ là những gợi ý thôi. Học thêm mới là giải pháp phù hợp, là cứu cánh, không thì luôn sợ hãi trượt, không nắm được bài, có khi còn bị giáo viên... ghét vì không học thêm. 

Không muốn… cũng phải học thêm

Việc học thêm chiếm một lượng thời gian không nhỏ của mỗi học sinh. Thậm chí, thay thế luôn cả thì giờ nghỉ ngơi, vui chơi, trải nghiệm của chúng. Bên cạnh những học sinh hứng thú, chấp nhận đánh đổi để mong muốn hiểu sâu thêm kiến thức, nắm chắc các bài học, sợ bị bỏ lại so với các bạn, thì cũng có những học sinh dẫu không thích cũng phải đi học thêm.

Trần Thanh T. (lớp 10, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) đang học thêm môn Vật lý vào sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Dù lượng bài tập trên trường đã rất nhiều, nay lại phải làm bài học thêm cũng nhiều và khó, khiến nữ sinh này cảm thấy áp lực.

"Em thích học các môn khoa học xã hội, nhưng vẫn buộc phải đi học thêm môn Vật lý bởi giáo viên phụ trách môn đó cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp. Mỗi lần kiểm tra, thầy đều cho lớp học thêm ôn đề rất sát, gần như giống hệt đề thật.

Vậy là ai không đi học thêm hay khả năng về môn này có hạn thì chắc chắn bị điểm kém. Vừa rồi, trước khi vào học kỳ 2, thầy cũng nói rõ rằng nếu bạn nào điểm kém sẽ bị phạt trực nhật 1 tháng.

Trong lớp có 5, 6 bạn không học thêm, thầy thường xuyên gọi lên bảng kiểm tra bài cũ và cho điểm rất thấp. Cả lớp điều thấy rõ vấn đề nhưng cũng không ai dám lên tiếng", Thanh T. kể.

Tương tự tình cảnh của Thanh T., Nguyễn Minh C. (lớp 12, Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ: "Chính lớp em từng gặp phải tình huống giáo viên đối xử không công bằng giữa học sinh đi học thêm và không đi học thêm. Những bạn không đi học thêm sẽ bị gọi lên bảng nhiều và phải làm những câu hỏi khó hơn.

Thái độ của giáo viên dạy thêm với hai nhóm học sinh này cũng rất khác. Bạn học thêm thường được giáo viên nói nhẹ nhàng hơn, ít gay gắt hơn".

Minh C. cho rằng yếu tố quan trọng để học giỏi là năng lực vốn có, tinh thần chịu khó, nỗ lực và biết cách tự học. Nếu được như vậy, học sinh vẫn sẽ hoàn thành tốt yêu cầu của chương trình và đạt kết quả cao.

"Em thấy học thêm không thực sự cần thiết. Đi học cả ngày trên trường, xử lý bài tập về nhà của nhiều môn đã mệt, chiều tối lại phải đi học thêm, cũng được giao bài tập nữa khiến em thường xuyên không có thời gian thực sự thư giãn, lúc nào cũng nơm nớp lo bài vở. Có lúc mệt quá ngủ thiếp đi nằm mơ thấy bài vở em giật mình tỉnh dậy", Minh Châu tâm sự.

"Văn ôn, võ luyện", muốn giỏi, kết quả tốt cần kiên trì rèn giũa bản thân, dành thời gian để luyện tập thường xuyên, liên tục. Không thể phủ nhận nhu cầu chính đáng và ý nghĩa tốt đẹp của việc học thêm đối với học sinh, nhất là trong giai đoạn các em phải ôn tập nước rút để thi chuyển cấp hay vào đại học.

Song, cũng từ đây, tiêu cực trong hoạt động này xuất hiện khi một bộ phận giáo viên méo mó về đạo đức làm nghề, có cách cư xử lệch lạc chuẩn mực nhà giáo, biến dạy thêm, học thêm trở thành công cụ để kiếm thêm thu nhập.

Giáo viên có nhiều "mẹo mực" để buộc học sinh phải đi học thêm là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp. Bất chấp học sinh không thích, giáo viên cho bài khó, điểm kém, rồi bóng gió kiểu "không đi học thêm thử xem có làm được bài không?" tìm mọi cách để đưa học sinh đến lớp học thêm bất chấp việc học sinh không thích, không có nhu cầu là hành vi không đúng chuẩn mực nhà giáo. 

Cần phải có giải pháp loại bỏ tiêu cực nảy sinh trong dạy thêm, học thêm, xoá bỏ định kiến về học thêm, dạy thêm, để hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho mỗi học sinh phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh.

Bình luận của bạn

Bình luận